Thi và tuyển sinh ĐH năm 2019: Những rào cản cần phải vượt qua

Đến thời điểm này, về cơ bản, các trường ĐH, CĐ đã thực hiện xong công tác xét tuyển ĐH năm 2018, số trường thiếu sẽ vừa tổ chức học vừa tuyển bổ sung đến tháng 12. Công tác xét tuyển năm nay êm tới mức độ 'không có một tiếng ồn' - như nhận định của ông Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT). Tuy nhiên, công tác thi lại vẫn còn những rào cản nhất định...

CNTT “chạy êm” trong xét tuyển năm 2018

Sau nhiều năm cải tiến về kỹ thuật, năm nay công tác xét tuyển của các trường ĐH đã “êm” khi lọc ảo tốt, khi không để xảy ra sập, nghẽn mạng và công tác tuyển sinh theo nhóm trường đã hiệu quả. Ông Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) cho rằng công nghệ thông tin (CNTT) hỗ trợ đắc lực cho các kỳ thi. Không có các hệ thống thông tin quản lý thì kỳ thi của chúng ta cực kỳ vất vả. Công tác xét tuyển năm nay êm tới mức độ “không có một tiếng ồn” đó là nhờ hệ thống CNTT.

Các thí sinh được đăng ký tới “n” nguyện vọng, nhưng hệ thống phát hiện ra thí sinh trúng tuyển ở bất kì một trường thứ nào đó trong danh sách đăng ký là hệ thống chấm dứt luôn. Năm 2015 hệ thống “sập” vì lần đầu tiên tham gia, chưa có kinh nghiệm. Đến năm nay, hệ thống phần mềm xét tuyển rất trơn tru.

Ý kiến từ các trường ĐH cũng cho rằng: Khi Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì trường ĐH rất “nhàn” bởi vì các khâu lọc điểm Bộ GD&ĐT đã làm hết, trường chỉ xét từ trên xuống.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, tuy còn những bất cập, nhưng phương án thi THPT quốc gia hiện nay phù hợp, giảm áp lực xã hội nhưng vẫn có độ tin cậy nhất định để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Đó cũng là điểm thành công trong quá trình đổi mới thi.

Thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ cần nhiều cải tiến về mặt kỹ thuật để “loại bỏ” các yếu tố nguy cơ dẫn đến gian lận thi cử. Ảnh: P.T

Những rào cản phải vượt qua

Công tác xét tuyển làm tốt, nhưng rõ ràng khâu tổ chức thi và công tác chấm thi năm nay phát sinh những vấn đề khá phức tạp, do yếu tố con người, và cũng do một phần của cách sắp xếp cấu trúc đề trắc nghiệm.

TS Quách Tuấn Ngọc cho biết, đến năm 2015, theo Nghị quyết của Quốc hội và Trung ương, chúng ta xóa thi “3 chung” và chuyển về địa phương theo đúng tinh thần giảm áp lực, giảm tốn kém... , nhưng “được cái này, mất cái nọ”. Và đến năm 2018 mới bắt đầu lộ ra khiếm khuyết. Chủ trương là đúng nhưng đến lúc thực thi lại vướng phải khâu nhân sự. Chính cán bộ các phòng khảo thí của các Sở là những người tiếp tay tiêu cực và có thể nói chủ trì tiêu cực.

Vì vậy, những khâu cải tiến về kỹ thuật cần phải thực hiện để tiêu cực không thể xảy ra. “Có thể nói, những sai phạm tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa rồi mang tính kỹ thuật, chúng ta có thể khắc phục được. Nhưng cá nhân tôi ủng hộ và đi theo hướng thi “2 trong 1 buổi”. Tức là chúng ta phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi ĐH). Học sinh nào không có nhu cầu thi ĐH cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi ĐH, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi ĐH phải do ĐH chủ trì. Còn nếu như “2 trong 1 đề” thì ĐH không được can thiệp vào thi THPT quốc gia”- TS Ngọc nói.

Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng: Mục tiêu của hai kỳ thi để xét tốt nghiệp và để tuyển sinh vào ĐH, CĐ rất khác nhau, ghép kỳ thi này về kỹ thuật là rất khó. Nếu đạt mục tiêu thứ nhất một cách trọn vẹn thì mục tiêu thứ hai sẽ không đạt trọn vẹn. Nghĩa là đề thi không phân hóa thì không sàng lọc được, lựa chọn được thí sinh xuất sắc nhất vào ĐH, CĐ. Còn ngược lại, nếu chọn mục tiêu thứ hai thì mục tiêu xét tốt nghiệp giảm đi số lượng tốt nghiệp THPT thì cũng không trọn vẹn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời, hoàn thiện quy chế, khắc phục nhược điểm về kĩ thuật, rào cản kĩ thuật chặt chẽ, không có sơ hở, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về CNTT, nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ cũng có những điều chỉnh mang tính kỹ thuật, nhằm phát hiện sai phạm, tiêu cực. Như trong kỳ thi vừa qua, phát hiện tiêu cực là do có sự điều chỉnh giấy niêm phong túi đựng bài thi.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa trường ĐH, CĐ với các Sở GD&ĐT để có kỳ thi chất lượng. Nâng cao hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.

Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi. Làm sao để giáo viên không chấm thi học sinh của tỉnh mình, giảng viên ĐH địa phương cũng vậy, không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan. Trong công tác phối hợp với địa phương, tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo trung ương và địa phương để chỉ đạo kỳ thi.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/thi-va-tuyen-sinh-dh-nam-2019-nhung-rao-can-can-phai-vuot-qua-122231.html