Thị trường xuống, CTCK gian nan

KQKD của CTCK thường được tác động bởi 3 biến số, bao gồm diễn biến thị trường, thanh khoản và thị phần, nhưng CTCK chỉ có thể tác động đến thị phần. Đặt trong bối cảnh TTCK diễn biến không thuận lợi trong quý II-2018, thị phần lại càng có ý nghĩa đặc biệt hơn với các CTCK.

Giữ thị phần, nuôi kỳ vọng

Nếu như GTGD của thị trường trong quý I dao động từ 5.000-6.000 tỷ đồng/phiên, thì quý II chỉ còn hơn 3.000 tỷ đồng/phiên. GTGD giảm cũng dẫn đến khả năng phí môi giới và lãi vay margin cũng giảm theo, và nếu CTCK vẫn muốn duy trì KQKD không còn cách nào khác phải tăng thị phần, kèm theo đó phải tăng cả những nguồn thu khác như tự doanh, tư vấn…

Nhưng thị trường diễn biến khó lường, NĐT giao dịch thận trọng, việc làm cho khách hàng tăng cường mua/bán hoặc kéo thêm khách hàng mới về là thách thức không hề nhỏ. Việc giữ hoặc tăng thị phần của CTCK không đơn thuần chỉ để đảm bảo KQKD, mà còn duy trì sự kỳ vọng, bởi khi thị trường hồi phục CTCK thị phần lớn sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập một cách nhanh chóng.

Đó cũng là một trong những lý do, trong 3 đợt sóng hồi của TTCK khi VN Index chạm 1.000 điểm (quý I) và 900 điểm (quý II và đầu quý III), CP chứng khoán luôn là nhóm bật rất mạnh.

Một dẫn chứng cụ thể hơn là trong phiên 5-7, đã có thời điểm giá của SSI giảm xuống vùng 2.5, nhưng sau khi thông tin về việc dẫn đầu thị phần môi giới tại HOSE xuất hiện với hơn 23%, gấp đôi vị trí thứ 2 của CTCK HSC (11,26%), đà giảm của SSI đã nhanh chóng được thu hẹp và kết phiên ở ngưỡng gần 2.7. SSI cũng thông báo lãi trước thuế ước đạt gần 885 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Và để tiếp tục gia tăng thị phần của mình cũng như nhiều đơn vị khác, SSI cũng phải mở rộng hệ thống giao dịch.

Thế mạnh phái sinh
Có thể diễn giải thị phần của SSI theo kiểu cứ có hơn 4 đồng GTGD trên thị trường, thì 1 đồng được giao dịch tại CTCK này. Và nhìn vào bảng xếp hạng thị phần quý II của HOSE, thị phần của SSI còn lớn hơn cả thị phần của hai đơn vị xếp thứ 2 và 3 cộng lại.

Nhưng việc bị SSI bỏ xa về thị phần, CP chứng chỉ quỹ cũng không phải là điều quá nghiêm trọng cho các CTCK khác. Bởi đơn giản, sự xuất hiện và nhanh chóng khẳng định vị thế của thị trường phái sinh đã tạo ra một kênh kiếm tiền mới cho các CTCK.

Dù chỉ chiếm vị trí thứ 4, với thị phần gần 7% tại HOSE trong quý II, nhưng CTCK VN Direct (VND) lại dẫn đầu trên thị trường phái sinh với 27,35%, HSC tiếp tục ở vị trí “á quân” với gần 26% trên mặt trận này. Và có thể nói, cứ 100 đồng giao dịch trên thị trường phái sinh, có đến gần 55 đồng hoặc nằm ở VND hoặc nằm ở HSC.

Không phải ngẫu nhiên mà HSC hay VND có thể chiếm thị phần phái sinh lớn đến như vậy, khi các CTCK này đều có sự chuẩn bị rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ trước khi phái sinh xuất hiện trên thị trường cho đến hiện nay. Chẳng hạn, HSC là một trong những đơn vị tổ chức tập huấn đều đặn và thường xuyên nhất, không chỉ hỗ trợ NĐT, khách hàng mà còn chia sẻ cả với giới truyền thông. Mặt khác, đội ngũ tư vấn của CTCK này cũng phát huy khả năng phân tích, cùng những công cụ phân tích giúp NĐT “đọc” thị trường phái sinh một cách phù hợp nhất.

Với GTGD những phiên đỉnh điểm lên đến 10.000 tỷ đồng, rõ ràng mặt trận phái sinh cũng chia đều cơ hội để CTCK gia tăng thu nhập. Điều này tốt cho tất cả, bởi lẽ nếu chỉ tập trung vào cuộc đua CP hay chứng chỉ quỹ sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của CTCK, nhưng hiệu quả chưa chắc đã dành cho tất cả.

Đơn cử, công thức “kinh điển” như giảm phí, giảm lãi vay, tăng cường cho vay margin, thậm chí cho vay vượt rào thường được các CTCK triển khai để kéo NĐT về, nhưng đến khi chấm dứt thì khách hàng lại bỏ sang CTCK khác.

Chờ những nhân tố mới
Còn nhớ khoảng nửa thập niên trước, khi thị trường ở giai đoạn thanh lọc các CTCK, một số môi giới cho biết chỉ cần thanh khoản tầm... 1.000 tỷ đồng/phiên là CTCK sống được.

Nhưng khi đó, thậm chí các CTCK còn phải giành khách, giành người của nhau. Mốc 3.000 tỷ đồng/phiên hiện giờ, có thể không hoành tráng như quý IV-2017 hay quý I-2018, nhưng cũng đủ dư dả để các CTCK không phải giành khách nữa, mà với cơ sở khách hàng sẵn có của mình vẫn có thể sống tốt và tìm những hướng đi mới.

Thử lấy trường hợp của CTCK Yuanta Vietnam làm thí dụ, với Chủ tịch HĐQT là ông Lê Minh Tâm, người trước đây là CEO và cũng xem như kiến trúc sư quan trọng cho sự thành công của CTCK Kim Eng (hiện nay là Maybank KimEng-MBKE). Giai đoạn 2009 trở đi, MBKE là một trong số ít CTCK vẫn tăng cường hệ thống chi nhánh của mình khắp trên cả nước, và qua đó lọt vào top 10 thị phần một cách thường xuyên đến nay.

Yuanta vốn là CTCK của Đài Loan, được thành lập từ năm 1961 và được đánh giá là có thế mạnh trong lĩnh vực phái sinh. Tính từ khi Yuanta mua lại CTCK Đệ Nhất và đổi tên thành Yuanta Việt Nam, vẫn chưa thấy CTCK này phát triển hệ thống của mình, trong khi ông Lê Minh Tâm lại là người có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Điều này có nhiều nguyên nhân, có thể do yếu tố thời điểm, chiến lược, hoặc cũng có thể Yuanta sẽ tiếp cận thị trường bằng dịch vụ, sản phẩm khác. Khi thị trường phái sinh phát triển, với thế mạnh, kinh nghiệm của Yuanta cũng có thể kỳ vọng CTCK này sẽ tạo ra được các dịch vụ tư vấn khác biệt, hiệu quả.

Nói đến thị phần, giờ đây có lẽ phải xét tổng thể cả cơ sở và phái sinh, và rõ ràng thị phần cơ sở không phải là mục tiêu duy nhất của CTCK. Điều này cũng sẽ buộc CTCK phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, các đơn vị dẫn đầu thị phần cơ sở chắc chắn sẽ không muốn mình bị “kém tiếng” với thị phần phái sinh. Ngược lại, những CTCK không có lợi thế tại cơ sở vẫn có thể khẳng định chỗ đứng tại thị phần phái sinh, rồi dần chuyển lại thị phần cơ sở để gầy dựng.

Thái Ca

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/thi-truong-xuong-ctck-gian-nan-59522.html