Thị trường xuất khẩu ngày 12-14/9: Gỗ Việt 'thẳng tiến' đến EU, giá xăng giảm, dệt may 'le lói' tăng trưởng

Xuất khẩu gỗ, tôm đón cơ hội vào EU; Việt Nam xuất khẩu gần 850 triệu chiếc khẩu trang y tế; giá xăng giảm... là những thông tin chính trong bản tin thị trường xuất khẩu từ ngày 12-14/9.

Lô tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam đã "lên đường" đi một số nước EU. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Lô tôm đông lạnh đầu tiên của Việt Nam đã "lên đường" đi một số nước EU. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Đồng loạt giảm giá bán lẻ xăng dầu

Kể từ ngày 11/9, cơ quan điều hành quyết định tăng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm giá bán lẻ đồng loạt các mặt hàng.

Để bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh đúng xu hướng biến động của giá xăng dầu thế giới, tiếp tục hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cơ quan điều hành quyết định không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và dầu mazut mà tiếp tục chi Quỹ BOG ở mức cao.

Cụ thể, không trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 và dầu mazut; trích lập Quỹ BOG đối với xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 200 đồng/lít.

Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu: chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 1.100 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 500 đồng/lít, dầu mazut ở mức 350 đồng/kg; dầu diesel và dầu hỏa không chi.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92: không cao hơn 14.266 đồng/lít, giảm 143 đồng/lít so với giá hiện hành; xăng RON95-III: không cao hơn 14.984 đồng/lít, giảm 130 đồng/lít.

Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 11.518 đồng/lít, giảm 443 đồng/lít; dầu hỏa: không cao hơn 9.593 đồng/lít, giảm 532 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 10.943 đồng/kg, giảm 240 đồng/kg.

Gỗ Việt "thẳng tiến" đến EU

Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Tuy nhiên, quan trọng nhất trong thực thi Hiệp định này là nội luật hóa các quy định. Việt Nam đã đề nghị không áp dụng trực tiếp Hiệp định mà thông qua việc ban hành bổ sung Nghị định quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS), tập trung vào các nội dung như: Kiểm soát gỗ nhập khẩu, hệ thống phân loại tổ chức/doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu, đánh giá tính sẵn sàng của hệ thống VNTLAS, cấp phép FLEGT cho thị trường EU.

Điểm đáng mừng là sau quá trình nỗ lực xây dựng, ngày 1/9/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam với những quy định rất cụ thể. Nghị định này quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam. Cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8, đây sẽ là yếu tố kết hợp giúp tăng tốc xuất khẩu gỗ vào thị trường EU thời gian tới.

Bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, sau khi Nghị định có hiệu lực, vấn đề quản lý gỗ nhập khẩu phải áp dụng luôn theo quy định trong Nghị định, trong khi đó 6 tháng sau mới có thể tiến hành phân loại doanh nghiệp.

“Đến đầu năm 2021, Việt Nam có thể vận hành được hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Kinh nghiệm cho thấy đến khoảng cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có giấy phép FLEGT đầu tiên được cấp”, bà Vân nói.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phân tích, những năm gần đây xuất khẩu gỗ sang thị trường EU khoảng 1-1,2 tỷ USD/năm. Đây là thị trường rất quan trọng vì bao gồm liên minh các nước khá “khó tính”.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU sản phẩm đồ gỗ tinh chế nội thất, ngoại thất có giá trị gia tăng cao. Với Hiệp định VPA/FLEGT, dù xuất khẩu sản phẩm gỗ sang EU không thể gia tăng đột biến nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng trị giá sẽ tăng lên, thu về nhiều kết quả.

Xuất khẩu tôm sẽ "bội thu" từ EVFTA

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU đã tăng mạnh ở mức 2 con số, sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Cụ thể, trong tháng 8/2020, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, trong ngày 11/9 đã diễn ra lễ xuất khẩu lô sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam đi một số nước EU theo Hiệp định EVFTA. Là doanh nghiệp có lô hàng tôm xuất khẩu đầu tiên sang thị trường EU được hưởng mức thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA, ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Thông Thuận Group cho biết, EU chiếm 45% cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của doanh nghiệp, tiếp đến là Nhật Bản chiếm 35%; Mỹ chiếm từ 10-15%, còn lại là các thị trường khác.

Đối với thị trường EU, công ty có đầy đủ các chứng chỉ: GLOBAL GAP, ASC, BRC, BAP 3 SAO, IFS, BSCI, SEDEX, BAP 4 SAO tạo ra nguồn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chất lượng cao.

Dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà xuất khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.

Tại EU, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu EU và thói quen tiêu thụ tôm của người dân. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi cũng ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói tăng.

Dệt may 'le lói' tăng trưởng

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong tháng 8/2020, sản xuất dệt tăng 3,1% so với tháng 7 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, sản xuất dệt tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản xuất hàng may mặc tháng 8/2020 tăng 4,9% so với tháng 7, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 8 tháng năm 2020, mặt hàng này giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu, 8 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số doanh nghiệp dệt may bước đầu ghi nhận sự tăng trưởng trở lại doanh thu và lợi nhuận. Trong đó, thị trường trong nước là trụ đỡ quan trọng cho sự tăng trưởng.

Theo Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, doanh thu tiêu thụ tháng 8/2020 của công ty đạt 613 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 1,5% so với tháng 7/2020.

Tính chung 8 tháng năm 2020, doanh thu của TNG đạt trên 3.058 tỷ đồng, bằng 97% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng thị trường nội địa mang về gần 200 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Theo TNG, tháng 8 là tháng thứ hai liên tiếp công ty đạt doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trước đó, doanh thu thực hiện tháng 7/2020 cũng đã vượt 6% so với tháng 7/2019.

Các sản phẩm chủ yếu đóng góp vào tăng doanh thu là sản phẩm hàng áo Jacket, quần cargo truyền thống, khẩu trang y tế, bộ bảo hộ chống dịch tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sắp tới, công ty sẽ đưa vào sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm bộ bảo hộ phòng chống cháy, bộ bảo hộ phòng chống hóa chất.

Công ty May Thành Công cũng ghi nhận doanh thu tháng 8/2020 đạt 13,7 triệu USD, lợi nhuận sau thuế đạt 1,06 triệu USD, cao hơn 41% so với tháng 8/2019.

Doanh thu lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 của May Thành Công là 101,9 triệu USD, đạt 63% kế hoạch năm 2020 và tương đương 96% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận lũy kế 8 tháng đạt 7,05 triệu USD, đạt 88% kế hoạch năm 2020 và 103% so với cùng kỳ năm 2019.

Việt Nam xuất khẩu gần 850 triệu chiếc khẩu trang y tế

Số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 8, cả nước có trên 70 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng hơn 135 triệu chiếc, giảm 12% so với tháng 7, tương đương gần 19 triệu chiếc.

Đáng chú ý, dù số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang tăng 10 doanh nghiệp so với tháng 7/2020 nhưng sản lượng sụt giảm. Tháng 8 là tháng thứ hai liên tiếp (kể từ tháng 7 khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam), xuất khẩu khẩu mặt hàng này giảm.

Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, các doanh nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 846 triệu chiếc khẩu trang y tế. Trong đó, tháng 6 có số lượng nhiều nhất hơn 236 triệu chiếc.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thi-truong-xuat-khau-ngay-12-149-go-viet-thang-tien-den-eu-gia-xang-giam-det-may-le-loi-tang-truong-123740.html