Thị trường xuất khẩu gạo năm 2019: Cạnh tranh khốc liệt

Thị trường xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2019 đang gặp khó khăn, giá gạo trong nước và quốc tế giảm nhanh cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường này ngày càng trở nên khốc liệt hơn.

Bốc dỡ xuất khẩu gạo tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ

Bốc dỡ xuất khẩu gạo tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ

Đầu năm, giá gạo lao dốc
Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bước sang năm 2019, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đã ghi nhận sự quay đầu sụt giảm giá mạnh. Từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá lúa gạo tại thị trường nội địa trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019 đã sụt giảm mạnh so với vụ Đông Xuân 2017 - 2018. Tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa giảm mạnh, cụ thể: Lúa IR 50404 tươi hiện có giá 4.500 - 4.600 đồng/kg, giảm 500 - 700 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 5.500 - 5.600 đồng/kg, giảm xuống còn 4.900 - 5.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá chào xuất khẩu gạo cũng sụt giảm mạnh, từ mức trên 400 USD/tấn (gạo 5% tấm) giảm xuống chỉ còn 340 USD/tấn.

“Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh xúc tiến đến các thị trường tiềm năng như châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á, châu Âu... Dù khối lượng gạo tiêu thụ có thể không lớn bằng các thị trường truyền thống, song đây là thị trường tiêu thụ các loại gạo cao cấp. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam".

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương Trần Thanh Hải

Đại diện VFA cho rằng, do nhu cầu thị trường nhập khẩu yếu, trong khi áp lực tiêu thụ vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019 gia tăng là nguyên nhân chủ yếu khiến giá lúa gạo sụt giảm. Thực tế từ ngày 10/2 đến nay, việc tiêu thụ lúa của nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất khó khăn do các thương lái thu mua rất ít. Nếu như vụ Đông Xuân năm 2017 - 2018, thương lái đặt tiền cọc thu mua lúa của nông dân trước thời điểm thu hoạch trước 15 ngày, thậm chí 1 tháng, thì hiện nhiều nơi dù đang bắt đầu vào mùa thu hoạch song nông dân vẫn chưa bán được lúa.
Từ thực tế này, các địa phương và các DN xuất khẩu gạo đã đề xuất Chính phủ cần sớm có giải pháp giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt thông qua chương trình mua lúa tạm trữ như đã từng thực hiện. Cùng với đó, cần có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho các DN xuất khẩu gạo vay mua lúa gạo trong thời hạn vay 6 tháng, lãi suất 6%/năm.
Đầu tư mở rộng thị trường
Theo đại diện Bộ Công Thương, năm 2018, gạo Việt xuất khẩu ước đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch 3,2 tỷ USD, tăng 6% về lượng và 20% về giá trị so với năm 2017. Điều này cho thấy các DN đã tích cực chủ động trong việc thay đổi cơ cấu gạo xuất khẩu từ gạo thường sang gạo cao cấp như gạo thơm, gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ... để tăng giá trị. Đây cũng là hướng đi mà Việt Nam cần phát triển cho hạt gạo trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2019, thị trường xuất khẩu gạo sẽ cạnh tranh khốc liệt do Thái Lan chào bán ở mức giá thấp, Trung Quốc tiếp tục áp thuế nhập khẩu gạo ở mức cao. Do đó, điều quan trọng với ngành lúa gạo Việt Nam là phải nâng cao chất lượng hạt gạo. Bên cạnh đó, chính sách đất đai cần phải sửa đổi để xây dựng vùng nguyên liệu rộng lớn, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Đồng thời, tiếp tục quảng bá đưa thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam ra thị trường thế giới bằng cách tăng khả năng nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia thu mua lớn có xu hướng giảm nhu cầu, tiến tới tự chủ nguồn lương thực, trong khi đó các nước xuất khẩu gạo tăng cường xuất ra thị trường. Do đó, cùng với những tháo gỡ về chính sách, thị trường từ phía Nhà nước và các bộ, ngành thì các DN cần liên kết với nông dân để hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đồng thời tiếp tục đầu tư tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thi-truong-xuat-khau-gao-nam-2019-canh-tranh-khoc-liet-336386.html