Thị trường xử lý nước thải ở Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Hàn Quốc, Đài Loan

Do những yêu cầu khắt khe của các hiệp định thương mại cũng như ý thức xã hội ngày càng cao về vấn đề môi trường, nhiều tổ chức doanh nghiệp Việt Nam đang dần quan tâm hơn tới vấn đề xử lý nước thải.

Dự án xử lý nước thải của một công ty ngành giấy tại Việt Nam vừa được Ever-Clear hoàn tất. Ảnh: FB Ever-Clear.

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ các chuyên gia kinh tế và môi trường sau khi nghiên cứu những “vết xe đổ” của các quốc gia khác, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc thu hút đầu tư bằng mọi giá để phát triển kinh tế đã khiến nhiều địa phương phải trả giá do môi trường sống bị ô nhiễm.

Các kênh rạch trong nhiều đô thị lớn ngày càng ô nhiễm với màu nước đen, mùi hôi nồng nặc. Đã có một thời, kênh Nhiêu Lộc của TP. HCM chính là “biểu tượng” của hiện trạng đó và nó chỉ được ‘thay da đổi thịt’ trong khoảng 4 năm trở lại đây, khi Nhà nước phải đổ ra rất nhiều tiền để nạo vét.

Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và môi trường và thông tin từ Cục Quản lý tài nguyên nước trong năm 2018, hệ thống sông ngòi của Việt Nam đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn. Trong tất cả, 3 lưu vực sông bị ô nhiễm nhất là lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và lưu vực sông Đồng Nai.

Nguyên nhân là do nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải ra từ các làng nghề, nhất là các đoạn sông chảy qua khu đô thị - khu công nghiệp - làng nghề.

Theo báo cáo từ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), hiện tại, cả nước có khoảng 40 nhà máy xử lý nước thải tập trung, theo kế hoạch, đến năm 2020 chúng ta sẽ có thêm 50 nhà máy nữa, nhưng lúc đó tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải cũng chỉ đạt khoảng 20%.

Tại TP. HCM, đô thị hiện đại nhất nước, theo Sở Tài nguyên và Môi trường của thành phố, mới chỉ 21,2% tổng lượng nước thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đạt chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Dự báo, khi các nhà máy mới như Bình Hưng (giai đoạn 2), Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tham Lương – Bến Cát hoàn thành và đi vào hoạt động, lượng nước thải thu gom xử lý sẽ đạt 60%.

Về phần doanh nghiệp, trong khoảng 10 năm trở lại đây đã xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng về môi trường như vụ Formosa xả thải ra biển, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vedan Việt Nam, Mei Sheng Textiles, thuộc da Hào Dương, Sonadezi Long Thành, mía đường Hòa Bình… ; đó là còn chưa kể hàng trăm vụ vi phạm về xả thải lớn nhỏ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra hàng tháng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Môi trường cho biết đã nhận 700 thông tin phản ánh, khiếu nại từ người dân và đã xử lý 350 vụ trong đó. Năm 2017, Tổng cục đã thanh tra 439 cơ sở tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và phát hiện 400/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg (chiếm trên 91%).

Thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp ngoại

Cũng theo Tổng cục Môi trường, hiện có 228/283 khu công nghiệp (KCN) chiếm 80% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có 12 KCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các KCN còn lại đang xây dựng lộ trình đầu tư hệ thống.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN xử lý khoảng 71% lượng nước thải phát sinh, có 121 KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động - liên tục, đạt tỷ lệ trên 42%. Cả nước hiện có 587/1.143 cụm công nghiệp được quy hoạch đã đi vào hoạt động, trong đó có 55 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 9,7%) (tăng 4 cụm công nghiệp so với năm 2017).

Chia sẻ với TheLEADER bên lề Hội thảo “Đột phá công nghệ ngành nước: Hướng tới tương lai bền vững” do Taiwan Excellence tổ chức, ông Vũ Xuân Tùng – Quản lý bán hàng tại Việt Nam của Công ty Ever-Clear (Đài Loan), chuyên về xử lý nước thải cho biết, hiện công ty ông đang tiếp xúc với khoảng 20 công ty Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực dệt nhuộm – giấy, nhằm tìm cơ hội ký hợp đồng thi công lắp đặt hệ thống xử lý nước thải trong tương lai.

Ông Vũ Xuân Tùng – Quản lý bán hàng tại Việt Nam của Công ty Ever-Clear (ngoài cùng bên phải)

Ever-Clear bán hàng ở Việt Nam từ năm 1999, kể từ đó đến nay, công ty này đã thực hiện 13 dự án ở Việt Nam với khách hàng chính là các công ty FDI Đài Loan nhưng dạo gần đây, đã có nhiều công ty Việt Nam tìm đến đề nghị hợp tác.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang rục rịch tìm hiểu các công nghệ xử lý nước thải cho doanh nghiệp mình. Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam ít chú trọng đến việc xử lý để đạt tiêu chuẩn A theo quy định TCVN 40:2011 nhưng dạo gần đây lại khác”, ông Tùng cho biết.

Theo ông Tùng, có 2 nguyên nhân quan trọng của sự chuyển biến trên: Chính phủ đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường như ra nhiều thông tư mới về các hình thức xử phạt nặng hơn với tổ chức/doanh nghiệp vi phạm; Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định FTA với quốc tế, môi trường là điều kiện quan trọng để ký kết và nếu các doanh nghiệp Việt không đạt tiêu chuẩn môi trường sẽ không thể hưởng lợi từ các hiệp định.

Bây giờ các doanh nghiệp buộc phải quan tâm, không thể làm kiểu đối phó vì Chính phủ đang bắt rất chặt, ông Tùng khẳng định.

Ông Kevin Cheng – Giám đốc Trung tâm Thương mại Đài Loan tại TP. HCM cho biết, để giảm tải việc ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang có kế hoạch sẽ đầu tư thêm 20,78 tỷ USD vào ngành nước tới năm 2020, trong đó có 1 tỷ USD vay từ Ngân hàng châu Á. Hiện tại, các doanh nghiệp nội địa chỉ cung cấp được những chi tiết - công cụ - máy đơn giản như van, đồng hồ, mô tơ, bình lọc nước… và không đáp ứng được nhu cầu trong nước, nên đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài như Đài Loan.

Để thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp về ngành nước và xử lý nước thải tại Việt Nam, trung tâm Taiwan Excellence đã mời 13 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nước của họ tới Triển lãm Vietwater 2018 nhằm giới thiệu những sản phẩm tích hợp công nghệ thông minh, tự động hóa, thân thiện với người sử dụng – môi trường.

Dù đây là lần đầu tiên Đài Loan chính thức tiếp xúc với các tổ chức/doanh nghiệp trong ngành nước của Việt Nam trên quy mô lớn, song họ tự tin sẽ bán được nhiều hàng vì sản phẩm của Đài Loan có chất lượng tương đương Nhật, châu Âu, Mỹ như giá lại rẻ hơn và tất nhiên tốt hơn hàng Trung Quốc.

Ngoài Đài Loan, Hàn Quốc cũng là nước có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp môi trường Hàn Quốc đang nhanh chóng xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, thông qua việc chế tạo và cung cấp trang thiết bị cho các nhà máy xử lý nước thải. Đồng thời, các doanh nghiệp này muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược để duy trì triển khai dự án xử lý nước thải một cách bền vững.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn tài trợ nhiều dự án về môi trường cho Viêt Nam như: dự án lập kế hoạch tổng thể cải thiện hệ thống nước thải và chất lượng nước sông tỉnh Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 600 triệu USD, dự án thí điểm Hệ thống xử lý nước tại Việt Nam do Hiệp hội Cấp nước quốc gia Hàn Quốc thực hiện…

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-xu-ly-nuoc-thai-o-viet-nam-hap-dan-nha-dau-tu-han-quoc-dai-loan-1541771701566.htm