Thị trường viễn thông sôi động vì chuyển mạng giữ số

Từ ngày 16-11, ba nhà mạng lớn là Vinaphone, Viettel và Mobifone chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số (mobile number portability - MNP) cho các thuê bao trả sau và từ ngày 1-1-2019, nhà mạng thứ tư Vietnammobile cũng sẽ tham gia dịch vụ này. Việc triển khai MNP có thể gây xáo trộn lớn trên thị trường, do đó, chất lượng dịch vụ sẽ trở thành yếu tố quyết định thành công hay thất bại của các nhà mạng trong cuộc cạnh tranh giành thị phần được dự báo rất căng thẳng.

Người dùng di động háo hức mong chờ thời điểm dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai.

Nguy cơ mất thị phần

Nếu trước đây, người sử dụng di động chưa hài lòng với dịch vụ do nhà mạng cung cấp, nhưng khó chuyển sang mạng khác do lo ngại những rắc rối xảy ra khi phải thay đổi số liên lạc. Tuy nhiên, MNP được triển khai sẽ giúp giải quyết ổn thỏa mối lo này, người dùng có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt hơn mà không phải lo lắng nhiều về vấn đề đổi sang số thuê bao mới, nhất là với những người có số điện thoại đẹp. Mặc dù vậy, từ góc độ của các nhà mạng, MNP dường như sẽ mang lại rất nhiều thách thức. Trong đó, nguy cơ lớn nhất là việc mất thị phần, nhất là các khách hàng trung thành, tất yếu sẽ có sự chuyển dịch một lượng không nhỏ thuê bao từ mạng này sang các mạng có chất lượng dịch vụ tốt và giá hợp lý hơn.

Kinh nghiệm một số nước đã triển khai MNP, có khoảng 5% tổng số thuê bao trên toàn thị trường tiến hành chuyển mạng, tương đương khoảng sáu triệu thuê bao. Một số chuyên gia thậm chí còn đưa ra con số dự báo lớn hơn vào khoảng 5 đến 10%. Như vậy, khả năng sẽ có nhà mạng mất đi nhiều triệu khách hàng, gây tác động không nhỏ đến thị phần, doanh thu và lợi nhuận. Ngược lại, nhà mạng nào nhận được tỷ lệ nhiều hơn thuê bao chuyển đến sẽ có cơ hội gia tăng thị phần, lợi thế cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh doanh.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, MNP đem đến nhiều lợi ích. Trước hết, việc triển khai MNP là một trong những biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh. Dịch vụ này cũng tạo ra xu hướng cá thể hóa số điện thoại, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ ứng dụng viễn thông, giá trị gia tăng đi kèm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gia tăng phát triển. Bên cạnh đó, MNP còn giúp tăng hiệu quả sử dụng kho số viễn thông và quản lý thuê bao trả trước. Bởi nhu cầu mỗi cá nhân có nhiều SIM để sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp di động khác nhau sẽ giảm đi, lượng SIM rác cũng giảm theo. Mặt khác, khi đăng ký chuyển mạng, khách hàng sẽ phải khai báo chính xác thông tin cá nhân liên quan, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý thuê bao, nhất là thuê bao trả trước.

Biến thách thức thành cơ hội

VinaPhone sẵn sàng phục vụ thuê bao trả sau chuyển mạng từ ngày 16-11.

Theo các chuyên gia, việc chuyển mạng của khách hàng có thể bắt nguồn từ nhiều lý do. Trước hết là hạn chế về chất lượng hạ tầng như: sóng yếu, độ phủ sóng kém, chất lượng mạng chậm hoặc công nghệ lạc hậu (chưa triển khai 4G). Tiếp đến là yếu tố cạnh tranh về giá, dịch vụ chăm sóc khách hàng... Do đó, lợi thế hiện nay nghiêng về các nhà mạng lớn với hệ thống mạng lưới rộng khắp, chất lượng sóng tốt; có năng lực tài chính hùng hậu hơn để có thể liên tục đầu tư nâng cấp hạ tầng, công nghệ mới hoặc sẵn sàng tham gia “cuộc chiến” về giá và khuyến mại trong thời gian dài. Các nhà mạng nhỏ chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức trong việc “giữ chân” các thuê bao, khi nguồn lực, hạ tầng còn hạn chế và không dễ khắc phục trong tương lai gần.

Tuy nhiên, đây cũng là động lực bắt buộc các doanh nghiệp di động phải tập trung tăng cường năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là các khách hàng lâu năm. Thực tế, MNP không chỉ mang đến thách thức mà còn là cơ hội để thu hút thuê bao của mạng khác.

Phó Cục trưởng Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã nhận định: Nếu thực hiện tốt, đây có thể coi là một kênh phát triển thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa như hiện nay. Và giải pháp hữu hiệu nhất trong giai đoạn này chính là việc phải bảo đảm được chất lượng dịch vụ. Các nhà mạng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm thực hiện nhanh chóng thủ tục chuyển mạng; tăng cường các dịch vụ chăm sóc khách hàng, nhất là công tác trả lời thắc mắc khiếu nại liên quan đến chất lượng dịch vụ trong giai đoạn bắt đầu triển khai MNP. Bên cạnh đó, có thể phân loại thuê bao để xác định thứ tự ưu tiên giữ chân các khách hàng trung thành, thậm chí có thể chấp nhận "lỗ" trong giai đoạn đầu, đồng thời tăng mạnh khuyến mại cho thuê bao chuyển từ mạng khác sang.

Từ góc độ của nhà mạng, Phó Tổng giám đốc Vinaphone Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, đây là cơ hội để các nhà mạng hoàn thiện tốt hơn chất lượng và tinh thần đối với dịch vụ của mình. VinaPhone ủng hộ việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, đồng thời luôn duy trì phục vụ khách hàng với chất lượng và giá trị tốt nhất. Vinaphone cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất với tất cả khách hàng, ngay cả các khách hàng có nhu cầu chuyển đổi sang mạng khác.

Có thể thấy, mặc dù sẽ gây ra nhiều xáo trộn, nhưng về dài hạn, MNP chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các thuê bao di động cũng như sự phát triển của thị trường dịch vụ di động. Riêng đối với các doanh nghiệp viễn thông, đây cũng là cơ hội đột phá để mang lại cho khách hàng những dịch vụ có chất lượng tốt hơn. Không những vậy, việc tạo dựng môi trường cạnh tranh thông qua việc triển khai MNP còn giúp các doanh nghiệp di động có thêm kinh nghiệm, mở rộng kinh doanh, sẵn sàng tham gia sâu rộng hơn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

MNP được triển khai cung cấp lần đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore. Đến nay, dịch vụ này đã có mặt tại hơn 110 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành một xu thế phổ biến của thị trường viễn thông di động. Trong khu vực Đông - Nam Á, ba nước đã triển khai MNP là: Singapore, Thái-lan, Malaysia và Việt Nam sẽ là nước thứ tư triển khai dịch vụ này.

THÁI LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/congnghe/item/38266202-thi-truong-vien-thong-soi-dong-vi-chuyen-mang-giu-so.html