Thị trường việc làm tại Mỹ sôi động trở lại

Đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã tăng tốc trong tháng 3 vừa qua, thể hiện qua số việc làm tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp hoạt động trở lại và chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy mạnh.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở San Francisco, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở San Francisco, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo cáo công bố ngày 2/4 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này khôi phục được 916.000 việc làm trong tháng vừa qua, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, với gần 30% số này là trong lĩnh vực du lịch, giải trí và nhà hàng, khách sạn. Số việc làm tăng đã kéo tỷ lệ thất nghiệp từ mức 6,2% trong tháng 2 xuống 6%.

Số việc làm mới vượt xa so với dự báo của các nhà kinh tế đã báo hiệu nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn khi chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi hơn và chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung, hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết các gia đình và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp.

Việc làm tăng trong nhiều lĩnh vực như chế tạo, xây dựng và giáo dục, nhưng lĩnh vực du lịch và nhà hàng, khách sạn vốn chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch đứng đầu với 280.000 việc làm mới, trong đó 176.000 việc làm là trong các nhà hàng và quán bar.

Với việc điều chỉnh tăng, số việc làm của hai tháng đầu năm tăng tổng cộng 156.000 so với các báo cáo trước. Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, số việc làm vẫn giảm 8,4 triệu so với mức đỉnh trước đại dịch.

Gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật đã nhận được sự hoan nghênh khi vừa thúc đẩy được tăng trưởng trong nước vừa thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của thế giới. Theo tính toán sơ bộ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngoài việc bơm vào nền kinh tế đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, gói cứu trợ còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, kéo dài trợ cấp thất nghiệp cho tới tháng 9 cùng khoản thanh toán trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ bắt đầu từ đầu tháng 3.

Người phát ngôn IMF Gerry Rice cho rằng gói cứu trợ COVID-19 này sẽ thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ từ 5 - 6% trong 3 năm tới. Ngoài ra, nhu cầu trong nước cao hơn cũng sẽ giúp nhiều nước khác bán được nhiều hàng hóa hơn cho người tiêu dùng Mỹ.

TTXVN/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thi-truong-viec-lam-tai-my-soi-dong-tro-lai-20210402230554780.htm