Thị trường vàng thế giới ngày càng chịu ảnh hưởng địa chính trị

Báo La Tribune khẳng định các bất ổn địa chính trị trên thế giới một lần nữa trả lại cho vàng vai trò trú ẩn an toàn, đặc biệt là đối với các nước mới nổi.

Những thanh vàng trưng bày tại Triển lãm Vàng ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Những thanh vàng trưng bày tại Triển lãm Vàng ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Với các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, các nước này muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD trong chuỗi "phi toàn cầu hóa" hình thành từ đại dịch COVID-19.

Giá vàng có chút biến động ngay đầu năm. Ngày 4/1, giá kim loại quý này đã tăng hơn 1% trên thị trường New York, lên 1.859 USD/ounce, tức là hơn 5% trong một tháng, đạt mức cao nhất trong 6 tháng. Diễn biến này phản ánh giá trị của vàng như một nơi trú ẩn an toàn trước viễn cảnh u ám của kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, kim loại này đã không có quá nhiều thay đổi so với bình thường trong năm 2022, một năm chứng kiến khủng hoảng năng lượng, chiến tranh và tỷ lệ lạm phát chưa từng thấy ở châu Âu kể từ cuối những năm 1970.

Thực tế, giá vàng đã trở lại gần mức tương đương tháng 1/2022, khoảng 1.800 USD/ounce. Bởi nếu giá của kim loại quý này từng tăng vọt vào tháng Ba, trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine, lên tới 2.070 USD/ounce, thì sau đó đã giảm xuống gần 1.600 USD/ounce vào tháng Chín, do ảnh hưởng của các quyết định tăng lãi suất, đặc biệt là của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, đối với các loại tài sản khác, đặc biệt là thị trường chứng khoán, vàng đã hoạt động tốt, với mức tăng gần 6% so với năm 2022, so với -19,4% của chỉ số S&P 500. Và nếu triển vọng kinh tế chậm lại, hoặc thậm chí suy thoái, ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc có thể mang lợi cho vàng, thì diễn biến của vàng cũng sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Trong báo cáo đánh giá triển vọng năm 2023, các chuyên gia của ngân hàng JPMorgan cho rằng nếu Fed tạm dừng tăng lãi suất thì động thái này sẽ thúc đẩy triển vọng tăng giá của vàng và bạc trong nửa cuối năm 2023. Giá vàng dự kiến sẽ tăng lên mức trung bình là 1.860 USD/ounce trong quý IV/2023.

Năm 2022 cho thấy mối liên hệ giữa đồng USD và vàng đã được đánh giá lại dưới tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Vàng thực sự chịu ảnh hưởng bởi sự tăng giá mạnh của đồng USD, khiến việc mua kim loại này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác như đồng euro hoặc đồng yen. Mối liên hệ giữa đồng USD và vàng cũng đã mang một ý nghĩa mới vào năm 2022, đặc biệt là đối với các quốc gia mới nổi, với cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022.

Trong báo cáo triển vọng năm 2023, Hội đồng vàng thế giới (WGC) nhận định rằng, trong số các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường kim loại quý, căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục khiến vàng trở thành một lớp vỏ bọc quý giá chống rủi ro cao. Đặc biệt, với các biện pháp trừng phạt mà các nền kinh tế phát triển áp dụng với Nga, các nước mới nổi, đứng đầu là Trung Quốc, muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng bạc xanh, hay nói cách khác là vào Mỹ.

Theo báo cáo của WGC, hiện đang nổi lên xu hướng mua vàng khá rõ. Mùa Thu năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua vàng ở mức kỷ lục (hơn 400 tấn) trong quý III. Số quốc gia mua vàng được xác định rõ trong khoảng 25%, số mua 300 tấn còn lại vẫn ẩn danh, trong đó có thể có việc Nga bán vàng cho Trung Quốc. Nga cần đồng USD kể từ khi Nga bị cấm sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT.

Đối với Trung Quốc, những giao dịch lớn diễn ra sau những căng thẳng xuất hiện trong mùa Hè với Mỹ về vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và quyết định của Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc giảm xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc. Cuối cùng, vào tháng 11/2022, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã thừa nhận việc dồn tiền mua vàng.

PBoC cho biết đã mua 32 tấn vàng trong tháng 11/2022, nâng tổng khối lượng lên 1.980 tấn và đây là trữ lượng lớn thứ 6 trên thế giới, và kém xa mức 8.133,5 tấn vàng của Mỹ. Đáng chú ý hơn khi đây là thông tin đầu tiên từ PBoC về chính sách mua vàng của Trung Quốc kể từ 3 năm nay - một yếu tố nếu không làm tăng thì ít nhất cũng hỗ trợ cho giá vàng quốc tế.

Chiến lược của Trung Quốc nhằm hỗ trợ đồng nhân dân tệ (NDT), vì đồng bạc xanh vẫn chiếm ưu thế lớn trong thương mại quốc tế, mà là giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền Mỹ bằng cách đổi USD lấy vàng. Trung Quốc vẫn là quốc gia chủ nợ lớn thứ hai của Mỹ sau Nhật Bản.

Có một diễn biến tuy không mới nhưng đang tăng tốc với những bài học rút ra từ lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Kể từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã cho ra mắt các thị trường dành riêng cho kim loại quý như Sàn giao dịch vàng Hong Kong (Trung Quốc) và đặc biệt là Sàn giao dịch vàng Thượng Hải, được lập vào năm 2014, nơi các báo giá được tính bằng đồng NDT.

Một quan chức Bộ Tài chính Nga gần đây đã tuyên bố rằng cơ quan này đã làm việc với Sàn giao dịch vàng Thượng Hải để các thỏi vàng do Nga sản xuất được công nhận trên Sàn giao dịch vàng Trung Quốc. Cần lưu ý rằng hai ngân hàng Nga, VTB và Sberbank, vẫn là thành viên được cấp phép của sàn giao dịch này./.

Nguyễn Tuyên (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-vang-the-gioi-ngay-cang-chiu-anh-huong-dia-chinh-tri/276513.html