Thị trường văn phòng Hồng Kông đối diện nguy cơ dư thừa kỷ lục

Thị trường bất động sản văn phòng của Hồng Kông đang trên đà dư thừa lớn nhất trong gần 20 năm qua. Trung tâm tài chính châu Á đã hy vọng rằng các công ty Trung Quốc sẽ quay trở lại sau gần ba năm đóng cửa, nhưng một loạt các dự án xây dựng mới hoàn tất và sự bất định của kinh tế Trung Quốc có thể khiến cán cân cung và cầu mất cân đối trong nhiều tháng tới .

Thị trường bất động sản văn phòng của Hồng Kông đang trên đà dư thừa lớn nhất trong 20 năm qua. Ảnh: Getty Images

Thị trường bất động sản văn phòng của Hồng Kông đang trên đà dư thừa lớn nhất trong 20 năm qua. Ảnh: Getty Images

“Tôi tin rằng nhu cầu thuê văn phòng sẽ hồi phục dần chứ không thể nhanh cấp kỳ được. Các công ty đại lục liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính cũng như bảo hiểm dự kiến sẽ hoạt động tích cực hơn”, theo lời bà Rosanna Tang, giám đốc nghiên cứu thị trường Hồng Kông và Trung Quốc của hãng Cushman & Wakefield. Bà nói thêm rằng các doanh nghiệp đại lục, gồm hãng môi giới tài chính Huatai và tập đoàn công nghệ Huawei Technologies, đã ký hợp đồng thuê hơn 10.000 feet vuông, khoảng 929 m2, trong quí 4 năm ngoái.

Cushman & Wakefield dự kiến sẽ có thêm 1,9 triệu feet vuông diện tích văn phòng mới trên toàn thành phố, nâng tổng mức khả dụng lên 19% vào cuối năm nay. Hồng Kông chưa từng trải qua tình trạng dư thừa nhiều như vậy trong hai thập niên qua, kể từ quí đầu tiên của năm 2004.

Trong khi đó, hãng Colliers dự đoán tổng diện tích sàn ròng là 3,2 triệu feet vuông sẽ được bổ sung vào năm 2023 nhưng cho biết giá thuê văn phòng ở khu vực trung tâm thương mại vẫn có thể tăng 4% do nhu cầu săn mặt bằng đắc địa của công ty Trung Quốc. Còn hãng JLL dự báo giá thuê sẽ tăng 5% trong năm nay.

Các nhà phân tích cho rằng các doanh nghiệp đại lục sẽ dẫn dắt nhu cầu sau khi thị trường cho thuê bị đóng băng tạm thời trong ba năm Covid-19 vừa qua do chính sách kiểm soát đi lại giữa đặc khu và đại lục.

“Các hãng tài chính, phần lớn là các hãng bảo mật và quản lý tài sản, sẽ chiếm phần lớn nhu cầu. Các hãng dịch vụ y tế cũng sẽ bung ra, khám phá các cơ hội kinh doanh ở Hồng Kông vì dân số xứ cảng ngày càng già và chính sách bảo hiểm toàn diện ở đây”, Marcos Chan, trưởng bộ phận nghiên cứu của CBRE Hồng Kông, nói với Nikkei Asia.

Hồng Kông từng là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới do không gian chật hẹp và vị trí chiến lược. Tuy vậy, Cục Xếp hạng và định giá của đặc khu nói giá thuê trung bình của văn phòng hạng A vào năm 2021 đã giảm xuống mức của năm 2016.

Một số tòa nhà văn phòng mới dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay. Tại khu kinh doanh chính của thành phố là Central, hãng CK Asset Holdings của ông trùm bất động sản Lý Gia Thành sẽ hoàn thành tòa nhà Cheung Kong Centre II cao 41 tầng, bổ sung thêm 550.000 feet vuông diện tích sàn. The Henderson cũng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay, với hai khách sộp là nhà đấu giá Christie’s và tập đoàn đầu tư The Carlyle Group đang chuẩn bị dọn đến.

Tỷ lệ trống của văn phòng hạng A đạt kỷ lục cao đến 15,1% trong năm 2022, cao hơn gấp đôi so với trước Covid-19 và vượt qua các ngưỡng cao trong hơn 20 năm qua – theo CBRE.

Nền kinh tế của xứ cảng phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng và hoạt động giao thương của đại lục. Đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020 và các biện pháp chống dịch đã gây thiệt hại nặng nề cho tăng trưởng của hòn đảo. Hồi tháng 11 vừa rồi, chính quyền đặc khu ước định kinh tế Hồng Kông suy giảm 3,2% trong năm ngoái.

Dấu ấn của các công ty đa quốc gia tại Hồng Kông cũng nhạt nhòa, ngay cả khi các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục mở rộng sự hiện diện trong suốt đại dịch. Các phòng thương mại nước ngoài, như AmCham và EuroCham, cảnh báo nhiều lần trong suốt ba năm qua rằng những biện pháp phòng dịch khắc nghiệt, như thời gian cách ly kéo dài hàng tuần, đã làm tổn hại niềm tin kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã rút khỏi Hồng Kông hoặc thu hẹp quy mô hoạt động.

Tuy nhiên, vẫn có người lạc quan. Nhà đấu giá Sotheby’s cho biết họ sẽ mở rộng văn phòng tại một tòa nhà văn phòng đắc địa ở khu Central.

Các công ty đại lục xem Hồng Kông là một trung tâm chiến lược. Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch mở rộng hoạt động của họ ở thành phố cảng phụ thuộc vào hồi phục kinh tế ở đại lục.

“Từ góc độ dài hạn, kế hoạch phát triển Vùng Vịnh Lớn (tam giác Quảng Đông, Macao và Hồng Kông) sẽ kích thích các hoạt động kinh doanh và hợp tác xuyên biên giới giữa Hồng Kông và các thành phố lân cận thuộc khu vực. Điều này cũng sẽ mang lại nhu cầu văn phòng mới cho Hồng Kông”, bà Tang của hãng Cushman & Wakefield phát biểu.

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-van-phong-hong-kong-doi-dien-nguy-co-du-thua-ky-luc/