Thị trường UPCoM khởi sắc với nhóm cổ phiếu công nghiệp, VN-Index giảm nhẹ đầu tuần

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi gần hết chặng đường năm 2020 với nhiều biến động. Trong khi VN-Index liên tục thay đổi chiều tăng - giảm, thì UPCoM-Index lại có những bước tiến thần tốc.

Phiên giao dịch ngày 23/11 cho thấy chỉ số VN-Index giảm hơn 4 điểm. Tuy vậy, dòng tiền đổ vào thị trường rất mạnh đã giúp VN-Index mau chóng hồi phục.

Tại thời điểm 10h10’, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,41 điểm (0,04%) xuống 989,59 điểm; HNX-Index giảm 0,13% xuống 147,02 điểm và chỉ có UPCom-Index giữ được sắc xanh khi tăng 0,18% lên 66,55 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3.500 tỷ đồng.

Nếu như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, đa số hàng trên UPCoM và chỉ là “trạm dừng chân” của một số doanh nghiệp, hoặc để đối phó với quy định từ các cơ quan chức năng, nơi tập trung của nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện trụ lại HoSE, HNX, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã "khai tử" thì đến nay, sàn giao dịch này đang có sự hiện diện của nhiều cổ phiếu chất lượng cao, không hề thua kém 2 sàn niêm yết.

Có thể kể tới điểm khởi sắc nhóm cổ phiếu Viettel (CTR, VGI, VTK, VTP), cũng như nhóm khu công nghiệp (NTC, PHR, SZL, SZC, D2D, SIP…). Ngoài ra, một số cái tên như G36, KDF cũng thu hút dòng tiền và tăng khá tốt.

Nhóm cổ phiếu thép sau giai đoạn tăng khá "nóng" gần đây đang chịu áp lực chốt lời mạnh. Việc một số cổ đông lớn của HSG, NKG đăng ký bán cổ phiếu cũng khiến giới đầu tư thêm phần thận trọng với nhóm này. HSG, NKG, SMC, TLH, VGS…đang giảm điểm. Ở chiều ngược lại, HPG vẫn giữ được sắc xanh trong sáng nay.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn luôn tìm kiếm cơ hội trên sàn UPCoM bởi với biên độ dao động trong ngày lên đến 15% cao gấp đôi sàn HoSE (7%) và gấp rưỡi HNX (10%). Với biên độ này, rủi ro của UPCoM là không nhỏ nhưng lợi nhuận cũng đầy hấp dẫn đủ kích thích lòng tham của các nhà đầu tư mạo hiểm.

Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, khá nhiều cổ phiếu lớn trên sàn UPCoM đã bứt phá mạnh, thậm chí vượt đỉnh lịch sử như VTP, CTR, SIP, NTC, KDF, G36...góp phần quan trọng giúp UPCoM-Index bứt phá. Trước đó, một số cổ phiếu lớn sàn UPCoM vừa chuyển sàn niêm yết sang HoSE cách đây ít tháng như VIB, LPB, BCM cũng bứt phá mạnh, góp phần không nhỏ vào đà tăng trưởng của chỉ số.

Nếu so sánh các mã tăng giá trên cả 3 sàn, tính đến đầu tháng 11/2020, trên sàn UPCoM có tổng cộng 116 cổ phiếu ghi nhận mức tăng từ 50% trở lên, trong khi HoSE có 43 mã, HNX có 39 mã. Nếu tính theo mức độ tăng cao hơn từ 100% trở lên, thì HoSE có 14 mã, HNX có 11 mã nhưng UPCoM có đến 43 mã, chiếm tỷ trọng hơn 63% trong tổng số các mã tăng trên toàn thị trường.

Mỹ Duyên

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thi-truong-upcom-khoi-sac-voi-nhom-co-phieu-cong-nghiep-24005.html