Thị trường Trung Quốc: 'Miếng bánh' ngon nhưng khó nhằn

Tờ The Business Times nhận định, dù được đánh giá là tiềm năng nhưng đối với nhiều công ty phương Tây, con đường tiếp cận thị trường Trung Quốc vẫn còn khá gập ghềnh.

Một nghiên cứu mới của tờ The Business Times cho thấy Trung Quốc vẫn là nền kinh tế khó tiếp cận đối với phần lớn các doanh nghiệp Mỹ. (Nguồn: SCMP)

Đối với nhiều doanh nghiệp phương Tây, sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc là rất lớn. Kể từ năm 1995 đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gấp 18,5 lần, từ quy mô 735 tỷ USD lên 13.600 tỷ USD (không tính Đặc khu hành chính Hong Kong). Tính theo sức mua tương đương, Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn số một thế giới.

Thời gian qua, nhiều công ty nước ngoài đã nỗ lực tìm cách xây dựng các chuỗi cung ứng bên trong Trung Quốc và thiết lập các cơ chế để tiếp cận thị trường hơn 1 tỷ dân này. Các công ty Mỹ ở nhiều ngành nghề đã đầu tư hơn 276 tỷ USD vào Trung Quốc kể từ năm 1990. Năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ tất cả các nước vào Trung Quốc đã đạt 139 tỷ USD.

Trung Quốc cũng là thị trường bán lẻ lớn nhất của hãng General Motor. Trong khi đó, mặc dù doanh số bán hàng đang giảm sút, nhưng khu vực Đại Trung Quốc (gồm Trung Quốc Đại lục, Hong Kong, Macau và vùng lãnh thổ Đài Loan) vẫn mang lại doanh thu lớn thứ ba cho Apple vào năm 2018.

Tiềm năng nhưng không dễ tiếp cận

Dù được đánh giá là tiềm năng nhưng đối với nhiều công ty phương Tây, con đường tiếp cận thị trường Trung Quốc vẫn còn khá gập ghềnh. Một nghiên cứu mới của tờ The Business Times cho thấy Trung Quốc vẫn là nền kinh tế khó tiếp cận đối với phần lớn các doanh nghiệp Mỹ. Trong các công ty S&P 500, chỉ có 41 công ty tạo được khoảng 10% thu nhập toàn cầu của họ ở Trung Quốc.

Năm 2017, một phân tích của hãng Goldman Sachs cho thấy, trong khi các công ty S&P 500 kiếm được 30% thu nhập bên ngoài nước Mỹ, Trung Quốc chỉ chiếm 1% trong thu nhập của các công ty này.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường vẫn ở thế giằng co, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài đang hy vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại. Thậm chí còn có giả định cho rằng, cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra một “chiếc cầu vàng” để các công ty Mỹ tiếp cận được với hơn 1 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc.

Tuy vậy, theo tờ The Business Times, một thỏa thuận thương mại hợp lý không thể trở thành chiếc “chìa khóa vạn năng” bởi việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc sẽ rất khó khăn do hệ sinh thái kinh doanh – vốn luôn bị chi phối bởi các siêu tập đoàn, công ty Nhà nước, khá phức tạp. Hệ sinh thái này bao gồm mạng lưới các nhà cung cấp, ngân hàng, nhà phân phối, nhà bán lẻ và các công ty thương mại.

Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng kiểm soát môi trường kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng. Rất nhiều công ty, tập đoàn Nhà nước được Chính phủ “o bế” khi nhận được các khoản vay với lãi suất ưu đãi, tạo lợi thế khi cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Chính vì vậy, hệ sinh thái kinh doanh của Trung Quốc vẫn luôn được coi là lực cản chính đối với những nỗ lực tiếp cận thị trường tỷ dân của các công ty đến từ phương Tây.

Triển vọng ảm đạm

Tờ The Business Times nhận định, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” nghiêm trọng và dài hạn. Các số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại trong những năm tới và thậm chí có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về tăng trưởng.

Dân số ở độ tuổi lao động của Trung Quốc đang thu hẹp. Đến năm 2050, lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ ít hơn khoảng 20% so với hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ mất đi 200 triệu lao động - bằng khoảng 60% toàn bộ dân số Mỹ.

Tỷ lệ sinh của nước này đã bắt đầu giảm, thậm chí ngày từ thập kỷ trước khi chính sách một con được thực hiện vào năm 1979. Năm 2018, số lượng trẻ sơ sinh của Trung Quốc đã giảm 12%, từ 17,23 triệu trẻ/năm trước xuống còn 15,23 triệu trẻ/năm.

Ngoài triển vọng kinh tế ảm đạm, các nhân tố then chốt giúp thúc đẩy cải thiện năng suất của Trung Quốc cũng đang mất đà. Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc không còn dựa trên nền tảng thấp nên việc cộng thêm năng suất vào chỉ số GDP hiện nay là cực kỳ khó khăn. Thứ hai, nước này không còn nguồn cung lao động dồi dào từ nông thôn.

Thứ ba, Bắc Kinh ngày càng khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ từ bên ngoài vì nhiều công ty đa quốc gia đang cân nhắc việc chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Cuối cùng, Trung Quốc có thể hỗ trợ được tăng trưởng thông qua những khoản đầu tư trong nước khổng lồ nữa hay không khi cuộc khủng hoảng nợ đang dần hiện rõ. Chỉ riêng nợ của Chính phủ đã chiếm khoảng 300% GDP của nước này, hơn gấp đôi nợ của Chính phủ Mỹ.

Các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cũng nợ nhiều hơn khoảng 15% so với tất cả các công ty phi tài chính của Mỹ cộng lại. Điều này khiến cho nền kinh tế thứ hai thế giới hầu như không còn không gian để tiếp tục vay mượn trên quy mô lớn để kích thích nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc rất dễ bị tổn thương trước đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế. Các công ty nước ngoài vốn lạc quan với sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Trung Quốc cần cảnh giác trước những thách thức khắc nghiệt mà nước này đang phải đối mặt như nguồn lao động sụt giảm, năng suất chậm lại, nợ tăng và cuộc khủng hoảng về tăng trưởng.

(theo The Business Times)

Phương Nga

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thi-truong-trung-quoc-mieng-banh-ngon-nhung-kho-nhan-102333.html