Thị trường Trung Quốc giờ không còn dễ tính

Những ngày gần đây người trồng thanh long trong nước lao đao khi giá rớt thê thảm, cũng như nhiều loại nông sản khác của Việt Nam, khi bị dư thừa, ế ẩm ngay lập tức quay sang đổ lỗi do thị trường, thương lái Trung Quốc.

Vậy, có đúng Trung Quốc là nguyên nhân khiến thị trường nông sản Việt Nam “lên bờ xuống ruộng” thập kỷ qua hay không?

Xe tải của thương lái Trung Quốc sang nhập thanh long tại cửa khẩu cảng cạn ICD, TP. Móng Cái, Quảng Ninh

Câu trả lời là đúng. Lí do bởi dân Trung Quốc quá đông nên tiêu thụ lượng thực, thực phẩm, trái cây cho Việt Nam với số lượng, tỉ trọng quá lớn, gần như mọi mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay như lúa gạo, trái cây, thủy sản đều chủ yếu bán sang Trung Quốc.

Một nguyên nhân khác nữa ngoài việc ăn với số lượng lớn, thị trường Trung Quốc quá dễ tính trong việc yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn, mẫu mã nông sản, thậm chí là dễ tính nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nên suốt nhiều thập kỷ khiến người sản xuất và thương lái Việt Nam hình thành thói quen sản xuất tự phát không cần hợp đồng và không theo bất cứ tiêu chuẩn nào.

Trước mặt hàng thanh long, nhiều nông sản khác của Việt Nam cũng bị ùn ứ, khủng hoảng khi Trung Quốc dừng mua, hạn chế mua hoặc đóng biên vì lý do nào đó, điển hình là dưa hấu và lợn hơi (lợn sống lùa cả con, cả đàn qua biên giới). Chắc trên thế giới chỉ có duy nhất Trung Quốc mới nới lỏng để cho Việt Nam bán lợn thương phẩm còn sống nguyên con vào đất nước của họ như mấy năm về trước. Ngay cả nước ta cũng chưa từng cho nước nào (trừ lợn giống, lợn hạt nhân) xuất lợn sống thương phẩm nguyên con vào nội địa mà không qua các thủ tục kiểm dịch, kiểm tra của cơ quan chuyên môn.

Xe của thương lái Trung Quốc đang chờ nhập hàng

Trong khi trong nước người dân, dư luận, thương lái giận dữ ngút trời mắng chửi, đổ lỗi tại thị trường Trung Quốc khiến nhiều nông dân lao đao thì tại biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc, phía Trung Quốc đang cho xây dựng hàng trăm kilomet hàng rào thép kiên cố cao chót vót chặn tất cả các đường mòn, lối mở giữa hai nước không khác gì Mỹ xây hàng rào với biên giới Mexico. Tại một số vị trí, phía Trung Quốc còn cho lắp kính cường lực, hệ thống camera dày đặc để dễ bề quan sát các hoạt động khu vực vành đai biên giới.

Qua trao đổi với một người dân và chính quyền những địa phương những tỉnh giáp biên, được biết phía Trung Quốc thông báo trong tương lai họ sẽ cho tiến hành xây hàng rào toàn bộ các đường mòn, lối mở với Việt Nam, trước tiên là trên địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Mục tiêu của Trung Quốc sắp tới là quản lý và kiểm soát chặt để mọi hoạt động xuất nhập khẩu qua lại giữa hai bên phải bằng con đường chính ngạch hoặc ít nhất phải có sự kiểm tra, quản lý về số lượng và chất lượng.

Trung Quốc đang cho tiến hành xây dựng hằng trăm kilomet hàng rào kiên cố dọc đường mòn lối mở với Việt Nam

Tại cửa khẩu cảng cạn IDC thuộc địa bàn TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi bắt gặp rất nhiều xe tải loại 1 - 2 tấn của Trung Quốc sang lấy hàng là cá ba sa, cá tra, thanh long… từ container lạnh của Việt Nam chuyển lên. Tuy nhiên, hàng hóa xuất sang Trung Quốc đều phải được đóng gói trong túi ni lông với bao bì nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, nhãn chính, nhãn phụ rất rõ ràng.

Qua chia sẻ của các lái buôn chúng tôi được biết, hiện nay một mặt chính quyền Trung Quốc có chủ trương siết chặt chất lượng hàng hóa, nông sản nhập khẩu, mặt khác do thu nhập của người dân Trung Quốc tăng mạnh so với trước đây nên bắt đầu quan tâm đến chất lượng nên hàng hóa, nông sản của Việt Nam hiện muốn bán sang Trung Quốc ít nhất phải có nhãn mác, bao bì sạch sẽ, đẹp mắt, hơn nữa cũng phải có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng và những tiêu chuẩn nhất định thay vì thu hoạch từ ruộng rồi chở thẳng lên biến giới bán cả xe “trần chuồng” không nhãn mác bao bì như trước đây.

Theo số liệu thống kê, hiện thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc trung bình đã tiến tới con số 10.000 USD/người/năm, trong khi Việt Nam hiện đang ở mức trên 2.300 USD/người/năm. Theo quy luật phát triển ở bất cứ quốc gia nào, khi thu nhập tăng sẽ kéo theo chất lượng cuộc sống và chất lượng hàng hóa tăng theo nên việc Trung Quốc thay đổi chính sách biên mậu là chuyện đã được dự báo trước. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là vai trò nắm bắt, dự báo, cảnh báo của ngành công thương, ngoại giao, nông nghiệp của ta có vẻ vẫn hơi chậm một nhịp so với biến động thực tế của thị trường.

Theo dự báo của thế giới, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong vài thập kỷ tới. Do đó, với chính sách xây hàng rào tại đường mòn, lối mở dọc diên giới cộng tư duy, thói quen tiêu dùng thay đổi, chắc chắn trong tương lai ngắn Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất của Việt Nam, nhưng sẽ không còn là thị trường dễ tính nhất, vì vậy người dân và thương lái nước ta cần có chiến lược, kế hoạch thay đổi trong sản xuất, giao thương để bắt kịp sự chuyển dịch chính sách, tiêu dùng của phía bạn.

NGUYÊN HUÂN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thi-truong-trung-quoc-gio-khong-con-de-tinh-post228204.html