Thị trường tranh trực tuyến: Làm sao đi được đường dài?

Xuất hiện trong vài năm trở lại đây, thị trường tranh trực tuyến nhận được sự quan tâm của đông đảo giới họa sĩ và công chúng. Nhưng để phát triển thị trường mua bán tranh ở nước ta thì cần giải quyết nhiều vấn đề còn hạn chế.

Trên thế giới, việc mua bán tranh và các tác phẩm nghệ thuật qua mạng khá rôm rả. Những nhà đấu giá tên tuổi hay các nhà sưu tập lừng lẫy đều có rất nhiều hoạt động quảng bá, mua bán tranh qua mạng. Phát triển thị trường mỹ thuật trực tuyến là xu thế tất yếu. Vậy liệu có giải pháp nào để phát triển thị trường còn đầy tiềm năng này.

Cùng với những lợi ích của mua bán tranh qua mạng thì điều mà nhiều người lo ngại về hạn chế của thị trường này là vấn đề xâm phạm bản quyền, sao chép tranh trái phép. Vậy làm thế nào để các trang mạng điện tử các tài khoản mạng xã hội thực sự trở thành cầu nối giữa tác giả với những người yêu mỹ thuật, những nhà sưu tầm? Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam về nội dung này:

PV: Thưa ông, câu chuyện bản quyền tác phẩm mỹ thuật diễn ra từ rất lâu rồi, nhưng theo ông có phải vì có hoạt động mua bán, đăng tác phẩm lên mạng thì việc sao chép diễn ra nhiều hơn không?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Đây là tính hai mặt của đời sống số, tận dụng tất cả thời gian để hỗ trợ cho đời sống cá nhân, đặc biệt là những nghệ sĩ để làm nghệ thuật. Nhưng bên cạnh đấy, tôi cho rằng, chính cái này cũng làm cho một phần sự trì trệ bắt đầu. Quá dễ để lấy của người khác thì cuối cùng khi bản thân sẽ không còn bắt các tín hiệu của cuộc sống sôi động bên ngoài nuôi dưỡng câu chuyện bên trong của người nghệ sĩ.

PV: Để nói là cần tìm ra một giải pháp triệt để chống xâm phạm bản quyền mỹ thuật hiện nay. Nhưng khó không có nghĩa là để yên, phó mặc?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Vì đây là thị trường tự phát. Đã đành thì nó cũng đáp ứng yêu cầu công bố nhanh tác phẩm. Nhưng bây giờ bảo đặt ra một cái gì giám định, bàn luận, thẩm định trước khi nghệ sĩ tham gia vào thì cơ quan tổ chức nào đứng ra quản lý những thị trường tự phát này. Chúng ta chưa có Luật Mỹ thuật, kể cả Nghị định cũng chưa bao giờ đặt ra vấn đề quản lý không gian khác của đời sống nghệ thuật là không gian mạng. Đương nhiên nó chưa đến mức người quản lý vào cuộc để có thể tạo ra tạm thời một hành lang pháp lý, chế tài xử phạt.

PV: Giao dịch tranh qua online là sự phát triển tất yếu, tạo nên diện mạo mới cho mỹ thuật Việt. Làm thế nào để chúng ta phát triển được thị trường tranh online một cách lành mạnh và văn minh nhất?

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Tôi nghĩ rằng khi thị trường tranh giả còn chưa giải quyết được thì không gian của thị trường online liệu có cách gì nếu như xuất hiện yếu tố không vui, những chuyện mà nó làm hỏng đi hình ảnh chân xác nhất của mỹ thuật đương đại Việt Nam. Việc này trước tiên đòi hỏi ở mỗi cá nhân nghệ sĩ tham gia sự kiện gì, không gian nào. Đôi khi ước ao muốn có ngay tên tuổi của mình, làm nghệ thuật mà đi nhanh quá thì có tồn tại được lâu không? Một giải pháp nào có tính khả thi tôi nghĩ trong bối cảnh này rất khó trả lời.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Tăng cường biện phải bảo vệ bản quyền tác phẩm

Qua cuộc trao đổi của phóng viên VOV với họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam có thể nhận thấy, khó có thể nói rằng đâu là giải pháp hữu hiệu để phát triển thị trường tranh online lành mạnh mà minh bạch. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia thị trường online, các họa sĩ đã tự tìm ra những cách khác nhau để hạn chế việc sao chép, lấy cắp ý tưởng trong tranh như chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc: “Ví dụ khi đăng ảnh lên chẳng hạn thì sẽ kèm theo những dòng tít hoặc gắn tên của mình vào. Việc sao chép thì họ hoàn toàn có quyền kiện nếu biết chính xác nơi sao chép tranh của họ. Luật pháp bây giờ có luật bảo hộ quyền sáng tác rồi nếu như nghệ sĩ nắm chắc quyền đấy mình nghĩ cũng không lo bị sao chép nhiều”.

Từ thực tế hoạt động của Viet art now, họa sĩ Phạm An Hải thấy rằng, để đưa những tác phẩm tốt nhất đến công chúng, mỗi trang, nhóm giới thiệu tranh cần có “bộ lọc” là những quy định riêng để hạn chế xâm phạm bản quyền, tranh giả, tranh nhái: “Chúng tôi duyệt, những tranh mà không đạt tiêu chí nghệ thuật của trang thì chúng tôi loại. Chúng tôi đề cập cao tính chuyên môn và chất lượng nghệ thuật. Mình cố gắng như một bộ lọc ở mức độ nào đấy để có thể đưa ra những sản phẩm tốt cho thị trường” – họa sĩ Phạm An Hải khẳng định.

Để minh bạch thị trường tranh online, giải pháp trước mắt rất cần một sàn giao dịch bài bản, uy tín và chuyên nghiệp ra đời. Đó cũng là lý do dẫn đến sự ra đời của Sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật của Indochine Art. Nghệ sĩ có thể tự chủ động công khai hình ảnh và giá bán cho tác phẩm của mình, đưa tác phẩm của mình quen thuộc tới nhiều đối tượng công chúng, từ đó nâng cao khả năng nhận diện của bản thân đối với công chúng, giảm bớt tình trạng công chúng mua phải tranh sao chép không có nguồn gốc. Theo nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông, Giám đốc nghệ thuật của Indochine Art, mỗi tác giả sẽ được xây dựng một “hồ sơ nghệ sĩ” với những tác phẩm của mình và hoạt động của Sàn chịu sự điều tiết của kinh tế thị trường. Hội đồng nghệ thuật có thể giúp, tư vấn cho họa sĩ lựa chọn tác phẩm trưng bày, hoặc lựa chọn mức giá. Tuy nhiên, chỉ dừng lại theo đúng tính chất là tư vấn. Đó là để tự thị trường, quy luật cung cầu tự chi phối.

Sự liên kết chặt chẽ giữa Gallery truyền thống và online

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật của VICAS Art. (Ảnh: Thời nay)

PGS.TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật của VICAS Art. (Ảnh: Thời nay)

Với nhiều nước trên thế giới, mỹ thuật đã trở thành một ngành “công nghiệp không khói” quan trọng, kéo theo sự phát triển mạnh của công nghệ số trong lĩnh vực này. Ở nước ta, chuyện mua bán tranh qua mạng còn nan giải vì thiếu chữ tín và khó phân định thật - giả. PGS.TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc nghệ thuật của VICAS Art Studio chia sẻ về sự liên kết, bảo trợ chất lượng nghệ thuật cho online của các Gallery: “Các nước vẫn có gallery nhưng hoạt động bằng online rất mạnh. Vào trang Artnet thì tất cả các galary đều rao trên đấy nhưng họ kết hợp cả 2. Vừa online nhưng vừa có uy tín riêng để bảo lãnh chất lượng nghệ thuật cho online. Còn online ở nước ta là thị trường bình dân. Thị trường của họ cao cấp, phải có gallery đứng ra bảo trợ. Chứ không phải là online đơn thuần như là ai muốn up lên thì up thì cái đấy không có uy tín người ta không mua. Coi như là có gallery đứng ra chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật”.

Cùng với các biện pháp này, dù sao đi chăng nữa, để giải quyết vấn nạn tranh giả, tranh nhái, đưa thị trường tranh online phát triển lành mạnh rất cần sự tự trọng của người họa sĩ khi tham gia thị trường này. Cùng với đó là ý thức tự bảo vệ mình và các tác phẩm của mình bằng cách đăng ký bản quyền tác phẩm hoặc đăng ký chi tiết trên tác phẩm. Ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng: Chúng ta phải tuyên truyền để nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong từng họa sĩ, tránh được những việc nhái về ý tưởng, trục lợi để bán, thương mại quá cũng không tốt. Hội Mỹ thuật có tuyên truyền trong các hội viên về đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề để làm sao tránh được việc đó. Bên cạnh đó, các họa sĩ sáng tác nên đăng ký bản quyền thì khi có vi phạm xảy ra thì có căn cứ xác nhận.

Dẫu hội họa là một trong những lĩnh vực được “thị trường hóa” sớm nhất nhưng tâm lý của không ít người vẫn xem tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm có giá trị tinh thần hơn là giá trị kinh tế. Nhưng nếu nhìn ở một chiều hướng khác, họa sĩ bán nhiều tranh nhưng vẫn giữ được bản sắc sáng tạo cá nhân, tìm ra được cách thức dung hòa giữa ngôn ngữ hội họa phổ thông và đỉnh cao trong nghệ thuật thì càng đáng quý. Vì vậy, online vẫn là thị trường rất lớn về mặt dài hạn và cần có chính sách để phát triển phù hợp.

Qua loạt phóng sự có thể thấy, dù muốn hay không thì trong xu thế công nghệ phát triển như hiện nay, thị trường tranh trực tuyến xuất hiện và được nhiều người quan tâm là xu thế tất yếu. Xây dựng được một thị trường tranh trực tuyến đúng nghĩa sẽ là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng yêu nghệ thuật. Mong rằng trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ có chính sách phù hợp để thị trường mỹ thuật trực tuyến phát triển lành mạnh, góp phần thúc đẩy nền mỹ thuật nước ta ngày càng phát triển, bắt kịp với xu hướng của thời đại và hội nhập thế giới./.

Lê Thơm/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/thi-truong-tranh-truc-tuyen-lam-sao-di-duoc-duong-dai-826118.vov