Thị trường tranh thế giới hồi phục

Năm ngoái, nhiều thương vụ nghệ thuật giao dịch đạt giá trị lớn khiến dư luận chú ý, một trong số đó là bức tranh chân dung nữ diễn viên Marilyn Monroe của họa sĩ Andy Warhol có giá 195 triệu USD, trở thành bức họa đắt nhất thế kỷ 20 được bán tại một phiên đấu giá.

Bức chân dung Marilyn Monroe của Andy Warhol này đã bán được 195 triệu USD, và là một trong những giao dịch nghệ thuật có giá trị cao của năm 2022. Ảnh: Dia Dipasupil/Getty Images

Bức chân dung Marilyn Monroe của Andy Warhol này đã bán được 195 triệu USD, và là một trong những giao dịch nghệ thuật có giá trị cao của năm 2022. Ảnh: Dia Dipasupil/Getty Images

Tuy nhiên tín hiệu hồi phục của thị trường nghệ thuật thế giới chủ yếu được ghi nhận ở phân khúc cao cấp. Báo cáo về thị trường nghệ thuật toàn cầu của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) và hội chợ nghệ thuật quốc tế Art Basel (Thụy Sỹ) cho thấy trong khi các nhà đấu giá và người buôn tranh cao cấp đang hồi phục mạnh và tăng trưởng tốt thì các nhóm “chiếu dưới” vẫn gặp nhiều khó khăn trong lộ trình hồi phục sau Covid-19.

Sân chơi vẫn do các “ông lớn” dẫn dắt

Theo báo cáo đã nêu, tổng doanh số bán tranh, cổ vật trên thế giới ước đạt 67,8 tỉ USD trong năm 2022, cao hơn 3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn cả mức trước dịch (tức vào năm 2019) và cũng là mức cao nhất kể từ năm 2014. Ở thời điểm Covid-19 hoành hành, doanh số của thị trường nghệ thuật toàn cầu rơi xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2020. Thị trường đã hồi phục trong năm 2021 và tiếp tục duy trì đà đó trong năm 2022.

Báo cáo đã phân tích dữ liệu của các giao dịch mua bán thông qua các nhà đấu giá và các nhà buôn tranh tư nhân. Mặc dù giao dịch của các sàn đấu giá được công khai rộng rãi, nhưng thông tin của báo cáo còn đến từ một khảo sát năm nay với khoảng 1.300 người. Nó cũng chỉ ra thực tế trong khi các mặt hàng cao cấp trở thành động lực tăng trưởng cho thị trường nghệ thuật thì nhu cầu đã giảm ở những tác phẩm nghệ thuật hay vật phẩm có giá trị thấp hơn. “Mọi người đã nghĩ mọi thứ sẽ trở lại bình thường trong năm 2022, nhưng thị trường lại rất khác biệt”, nhà kinh tế học Clare McAndrew nói với báo New York Times. “Phân khúc cao cấp tăng vọt. Nó cũng siết chặt phân khúc dưới cùng”, người đã soạn báo cáo cho Art Basel và UBS nói thêm.

Cụ thể hơn, theo các nhà đấu giá, số giao dịch có giá trị lớn hơn 10 triệu USD tăng lên, trong khi số giao dịch có giá trị thấp hơn giảm xuống. Ba nhà đấu giá lớn nhất thế giới là Christie’s, Sotherby’s và Phillips đều đã ghi nhận mức doanh thu kỷ lục. Trong khi đó, khoảng 40% các nhà đấu giá ở mức trung bình cho biết đã bị giảm lợi nhuận so với năm ngoái. Tương tự, mức tăng doanh thu ở các nhà buôn nghệ thuật cá nhân cũng tăng cao, chủ yếu ở phân khúc thị trường nghệ thuật cao cấp.

Trong số các thương vụ nghệ thuật thế giới, thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất (45%), tiếp đó là Vương quốc Anh (18%) và Trung Quốc (17%). Các giao dịch chỉ bán trực tuyến hiện chiếm khoảng 16% tổng doanh thu, dù vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch nhưng nếu so với hai năm 2020 và 2021 đã bắt đầu giảm.

Khó đoán tương lai

Nhìn về phía trước, giới chuyên gia cho rằng việc đưa ra các dự báo về thị trường nghệ thuật thế giới không đơn giản. “Các nhà buôn và các sàn đấu giá hiện không có nhìn nhận lạc quan trong năm 2023, nhưng họ cũng không nghĩ sẽ xảy ra thảm họa nào”, ông Arun Kakar của công ty môi giới nghệ thuật trực tuyến Artsy có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) cho biết. Theo kết quả khảo sát thực hiện với các nhà buôn nghệ thuật, khoảng 45% trong số họ kỳ vọng doanh số bán sẽ cải thiện trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế McAndrew nhận định với tờ Financial Times là các doanh nghiệp nghệ thuật vẫn đang học cách thích ứng với “bình thường mới” chứ không chịu ngồi yên, thúc thủ. Ông Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại bộ phận Quản lý tài sản toàn cầu của Ngân hàng UBS đồng ý với nhận định đó, đồng thời cho rằng những hỗn loạn của thị trường kinh tế và cả những bất ổn chính trị sẽ tiếp tục có những tác động tới thị trường nghệ thuật thế giới. “Thị trường nghệ thuật đã chứng tỏ sự linh hoạt của họ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới, năm 2023 sẽ là năm của những ảnh hưởng khi chúng ta chèo lái qua các thời điểm có tính quyết định về lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế và các thị trường tài chính trên nền bối cảnh chung phức tạp của địa chính trị toàn cầu”, ông Paul Donovan nói.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202304/thi-truong-tranh-the-gioi-hoi-phuc-3943320/