Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Động thái quyết liệt của cơ quan quản lý là cần thiết

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy sức hấp dẫn lớn và rất tiềm năng ở Việt Nam. Tuy nhiên, với những rủi ro tiềm ẩn đã được cảnh báo, thì những chỉ đạo và hành động quyết liệt, mạnh mẽ của cơ quan quản lý các cấp là rất cần thiết.

Đây là cơ hội để thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển an toàn, ổn định, bền vững hơn trong tương lai. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI).

PV: Thưa ông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là trái phiếu phát hành riêng lẻ dù có sự tăng trưởng tốt nhưng vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Ông đánh giá thế nào về thị trường này trong những năm gần đây?

Ông Đỗ Bảo Ngọc

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Thị trường TPDN Việt Nam 2 năm trở lại đây phát triển mạnh cả về số lượng các đợt phát hành và giá trị phát hành, góp phần giúp đa dạng nguồn vốn huy động của DN cho mục đích phát triển kinh doanh, ngoài việc tận dụng tốt nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng.

Về dài hạn, việc phát triển hơn nữa với thị trường TPDN giúp tạo kênh huy động vốn dài hạn cho DN là điều cần thiết, mặc dù vậy thì trong giai đoạn đầu phát triển mạnh, thị trường này cũng ẩn chứa những rủi ro cho nhà đầu tư.

Cụ thể như: Nhiều DN không đủ điều kiện phát hành nhưng phát hành “chui”; hoặc “lách” quy định để phát hành rộng ra công chúng. Nhiều DN khó khăn tài chính còn phát hành với lãi suất cao trong khi mục đích sử dụng vốn lại chưa chắc chắn được hiệu quả để đảm bảo trả gốc lãi. Tài sản đảm bảo cho phát hành trái phiếu là không có hoặc giá trị không cao. Nhà đầu tư không được tiếp cận đầy đủ thông tin hoặc chưa có đủ kỹ năng để tìm hiểu đầy đủ thông tin. Nhiều đợt phát hành DN cũng chưa trách nhiệm cao trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời,…

PV:Trước đó là VsetGroup, APEC Group, Công ty Chứng khoán VIS đã bị xử phạt khá nặng, tuy nhiên, mới đây dư luận đặc biệt quan tâm là 9 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy. Ông đánh giá thế nào về những hành động này của các cơ quan quản lý?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Đối với các hành vi vi phạm quy định trong quá trình phát hành trái phiếu của DN thì việc các cơ quan quản lý mạnh tay xử lý là việc đúng đắn, để chấn chỉnh và giúp thị trường phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Khi chất lượng trái phiếu phát hành tăng sẽ gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN.

Nguồn: CSI Đồ họa: Hồng Vân

Ngoài ra, theo tôi, các cơ quan quản lý cần gia tăng thêm các điều kiện cho việc phát hành; nâng cao chế tài xử phạt các hành vi vi phạm là DN phát hành, đơn vị kiểm toán, đơn vị định giá tài sản đảm bảo; quy định cao hơn với việc công bố thông tin đầy đủ, kịp thời… để đảm bảo rằng nhà đầu tư có đủ thông tin, hiểu được quyền được tiếp cận thông tin trước khi mua TPDN.

PV: Trên thực tế, ngay từ 2019 đến nay, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã liên tục phát đi thông điệp cảnh báo. Các cơ quan thông tấn báo chí cũng tốn rất nhiều “giấy mực” về vấn đề này. Song trên thực tế, vẫn không ít nhà đầu tư mua trái phiếu riêng lẻ theo phong trào, thờ ơ với việc tìm hiểu DN. Ông có chia sẻ gì về thực tế này?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Hiện nay, nhiều nhà đầu tư tham gia mua TPDN, nhưng chưa thực sự hiểu hết sản phẩm trái phiếu dẫn tới hiểu sai và quyết định đầu tư trong trạng thái chưa nắm được đầy đủ thông tin. Việc tìm hiểu và đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính DN là một việc khó không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ hiểu biết để làm.

Nên tăng chế tài xử phạt với doanh nghiệp và đơn vị trung gian

“Tôi cho rằng, cần gia tăng thêm các điều kiện cho việc phát hành, nâng cao chế tài cho việc xử phạt các hành vi vi phạm là doanh nghiệp phát hành, đơn vị kiểm toán, đơn vị định giá tài sản đảm bảo, quy định cao hơn với việc công bố thông tin đầy đủ, kịp thời của doanh nghiệp phát hành tới nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu. Ngược lại, nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin, trước khi mua trái phiếu doanh nghiệp cần phân tích được rủi ro, cũng như khả năng chấp nhận các rủi ro có thể gặp phải”. - ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc CSI

Đó là lý do mà sản phẩm TPDN chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và cần đến những tổ chức trung gian đánh giá tín nhiệm, cũng như các báo cáo phân tích chuyên nghiệp từ các đơn vị tư vấn độc lập. Trong khi đó, trên thực tiễn, những điều này lại chưa được DN phát hành chú trọng để tăng chất lượng, an toàn cho sản phẩm của mình phát hành.

PV: Phải khẳng định rằng, việc phát triển thị trường TPDN là rất cần thiết, tuy nhiên phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững mới là mục tiêu hàng đầu. Ông dự báo thế nào về thị trường này trong năm nay, trong bối cảnh cơ quan quản lý quyết tâm xử lý sai phạm, chú trọng chất lượng phát triển?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, năm 2022 với các biện pháp chấn chỉnh của các cơ quan quản lý, nhiều khả năng thị trường TPDN sẽ chững lại về số lượng các đợt phát hành và giá trị phát hành, nhưng chắc chắn sẽ nâng cao được chất lượng.

Vì mục tiêu dài hạn, thì việc nâng cao được chất lượng phát hành là điều cốt lõi, giúp các DN thu hút được nguồn vốn dài hạn thực chất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nhà đầu tư có thêm cơ hội đầu tư trái phiếu chất lượng với rủi ro thấp.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục hoàn thiện pháp lý và chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh.

Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững. Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới.

Hiện Bộ Tài chính cũng đang đề xuất nhiều chính sách trong nghị định mới về TPDN. Theo đó, sẽ thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và DN phát hành; đồng thời, hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư cá nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; mặt khác, bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Hiện nay, dự thảo nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính thông tin thêm.

Duy Thái (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-dong-thai-quyet-liet-cua-co-quan-quan-ly-la-can-thiet-103329.html