Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cảnh báo nhưng phải tìm hướng mở

Sự tăng trưởng nóng của trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) thời gian gần đây, trong bối cảnh chưa có bất kỳ tổ chức độc lập và uy tín nào xếp hạng tín nhiệm các DN, đã khiến người mua phải đối mặt với nhiều rủi ro khi phải tự thẩm định, đánh giá trong điều kiện thiếu thông tin.

Chạy nước rút trước Nghị định 81

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 81/2020 là sửa đổi Khoản 8 Điều 6 về giao dịch TP. Theo đó, TPDN phát hành trong nước bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư (NĐT), không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành, trừ trường hợp theo quyết định của tòa án hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật.

Sau thời gian nêu trên, TPDN được giao dịch không hạn chế về số lượng NĐT, trừ trường hợp DN phát hành có quyết định khác. TPDN phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định về giao dịch tại thị trường phát hành, dư nợ phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất, các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 6 tháng...

Nghị định 81 được cho là công cụ hữu hiệu nhằm hạn chế tình trạng một số DN “đi đêm” bán TP với lãi suất cao ngất (có trường hợp lên đến gần 20%/năm), đẩy thị trường TPDN vào tăng trưởng nóng và NĐT mua TP đối mặt với nhiều rủi ro khi không đủ thông tin, không được đảm bảo, không chứng quyền.

Vì thế, trước khi Nghị định 81 có hiệu lực ngày 1-9 tới, nhiều DN đã “chạy nước rút” để lách quy định trên, tiếp tục đẩy TPDN tăng trưởng nóng.

Sự nóng lên của thị trường TP có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng TPDN không đồng đều, đẩy rủi ro về người mua phải tự thẩm định, đánh giá. Trước mắt, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các DN phát hành TP cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Đặc biệt, hiện nay DN bất động sản (BĐS) đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành TP, các công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho NĐT cá nhân, khiến họ tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN, càng khiến thị trường TPDN đứng trước nguy cơ sụp đổ cao.

Cảnh giác bẫy lãi suất

Trong thị trường TPDN phát triển nóng, DN phát hành và NĐT giống như những tài xế trên một con đường với rất nhiều phương tiện giao thông khác nhau, phải đối mặt với rủi ro va chạm, tai nạn, do ánh sáng từ đèn đường không đủ để họ phát hiện rủi ro từ sớm.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, về lý thuyết, TPDN là phương thức tốt để giải quyết thế khó về vốn của DN. Tuy nhiên, khi nhiều NĐT cá nhân chỉ nhìn vào lãi suất để mua TP, không hề biết đến sức khỏe của DN phát hành, rất dễ rơi vào bẫy lãi suất DN giăng ra.

“Nhiều người không có khả năng phân tích báo cáo tài chính, chưa kể báo cáo đó không có kiểm toán độc lập. Nhiều người còn lầm tưởng TP được NH hỗ trợ phát hành là được NH bảo lãnh. Thực tế chỉ một số TPDN được NH bảo lãnh, NĐT cần cẩn trọng khi mua TP” - TS. Hiếu nói và cho rằng những DN “đi đêm” và phát hành TP với lãi suất cao thường rơi vào nhóm BĐS.

Bởi lẽ, khi nguồn cung tài chính hạn hẹp, nền kinh tế khó khăn, lãi suất là “cần câu” hấp dẫn thu hút NĐT. Và hiện tượng DN BĐS phát hành TP với lãi suất cao sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm nay.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng NĐT thừa khôn ngoan để biết về những rủi ro của TPDN. Tuy nhiên, ông Bảo cũng bày tỏ những lo ngại về TPDN hiện nay chủ yếu đến từ khối DN BĐS, vốn là nơi huy động với lãi suất rất cao.

“Tôi cho rằng gốc của vấn đề TPDN hiện nay vẫn là cơn khát đất đai của nền kinh tế. Tâm lý của người Việt Nam là mua vàng thì lỗ, mua thổ thì giàu. Tâm lý đó khiến BĐS như “hố đen” hút dòng tín dụng vào. Tuy nhiên, theo tôi không nên truyền bá thông điệp về việc DN chạy đua lãi suất hay NĐT hãy cẩn thận. Chúng ta cảnh báo là tốt nhưng nếu nói quá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường TPDN. Ta phải phát triển TPDN, nếu không muốn nền kinh tế tiếp tục lệ thuộc vào nguồn vốn NH” - ông Bảo phân tích.

Theo ông Bảo, để thị trường TPDN trở nên chuyên nghiệp hơn, bên cạnh các động thái “nắn chỉnh” của Bộ Tài chính, Chính phủ cũng cần phát triển thị trường thứ cấp để TPDN có thanh khoản cao.

Bởi khi đó, lợi nhuận của đầu tư TP không chỉ đến từ lãi suất phát hành, còn đến từ chênh lệch giá mua bán trên thị trường thứ cấp. NĐT TPDN khi đó buộc phải quan tâm xem TP do DN nào phát hành, DN đó có tốt không, tức họ buộc nhìn vào chất lượng TP.

“Một thị trường TP thiếu tổ chức xếp hạng độc lập là biểu hiện cho thấy thị trường đó chưa thực sự minh bạch về thông tin” - ông Bảo nhận định.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Nghị định 81 có điều chỉnh các điều kiện phát hành TPDN theo hướng chặt chẽ hơn. Nhưng Luật Chứng khoán cần có sự đồng bộ, bởi hiện nay 2 văn bản quy phạm pháp luật này vẫn đang có độ vênh với nhau.

Hoàng Sơn

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-canh-bao-nhung-phai-tim-huong-mo-82473.html