Thị trường thủy sản nội địa: 'Ta làm khó mình'!

Đưa sản phẩm thủy sản vào siêu thị nội địa khó hơn xuất khẩu sang Âu Châu', đây là chuyện lạ có thật 100% ở Việt Nam.

Do chưa có văn bản quy định ngưỡng chỉ tiêu Chloramphenicol (CAP) - một hoạt chất trong danh sách hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh động vật thủy sản theo Thông tư số 10/2016/TT-BNNPTNT, nên rất nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn trong quá trình phân phối sản phẩm.

Quyết định 1471/QĐ-BNNPTNT-QLCL, sản phẩm thủy sản đăng ký xuất khẩu với kết quả kiểm nghiệm cho thấy có dư lượng CAP thấp hơn 0,3 ppb thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu

Trong khi đó, theo Quyết định 1471/QĐ-BNNPTNT-QLCL, Việt Nam đang cho phép giới hạn tối thiểu về hiệu năng của phương pháp MRPL của chỉ tiêu CAP thấp hơn 0,3 ppb - điều này có nghĩa nếu sản phẩm thủy sản đăng ký xuất khẩu với kết quả kiểm nghiệm cho thấy có dư lượng CAP thấp hơn 0,3 ppb thì vẫn được cấp Giấy chứng nhận xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ nội địa thì đến nay vẫn chưa có văn bản pháp quy nào quy định ngưỡng cho phép của chỉ tiêu CAP nói riêng, các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng nói chung. Do vậy, một số siêu thị tại Việt Nam đã không chấp nhận các sản phẩm thủy sản khi kết quả kiểm tra CAP trong các sản phẩm đó cho thấy có phát hiện dư lượng dù mức phát hiện thấp hơn 0,3 ppb.

Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/01/2005 của Ủy ban Châu Âu, nếu kết quả phân tích của lô hàng cho thấy CAP thấp hơn 0,3 ppb thì vẫn được chấp nhận nhập khẩu vào EU.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã khuyến cáo, VASEP nên gửi văn bản kiến nghị tới Bộ Y tế do thẩm quyền quy định MRPL cho các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho hàng thực phẩm tiêu thụ nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, khi VASEP gửi kiến nghị lên Bộ Y tế thì Bộ này đề nghị VASEP phải đề xuất ngưỡng quy định bổ sung dựa trên cơ sở quy định của quốc tế, thực tiễn sản xuất, kinh doanh trong nước kèm theo các bằng chứng khoa học đánh giá nguy cơ để Cục An toàn thực phẩm báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế soát xét, bổ sung. Đáng quan tâm hơn, cũng trong văn bản này, Bộ Y tế đã đề nghị “VASEP liên hệ với Bộ NN&PTNT để có ý kiến chính thức về phương pháp thử, giới hạn phát hiện...”, cứ thế mà “quả bóng trách nhiệm” đùn đẩy giữa hai Bộ gần một năm nay chưa được giải quyết.

Huỳnh Khởi

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thi-truong-thuy-san-noi-dia-ta-lam-kho-minh-142314.html