Thị trường thép: Tiêu thụ ì ạch, khó khăn bủa vây

Năm 2019 sắp khép lại nhưng sức tiêu thụ các sản phẩm thép hầu như giảm. Đặc biệt doanh nghiệp sản xuất tôn tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn do phần lớn nhắm vào thị trường xuất khẩu nhưng đã gặp phải những rào cản thương mại từ các nước đưa ra.

Tính đến tháng 11 năm 2019, mức tăng trưởng cả trong sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đạt lần lượt là 4,1% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đối với thép cuộn cán nóng (HRC) tăng trưởng lần lượt là 1% và 3%, trong khi những năm trước đây sản phẩm này hầu như tăng trưởng tới vài chục phần trăm. Cụ thể, 11 tháng năm 2019 sản xuất thép các loại của doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đạt hơn 23,1 triệu tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiêu thụ đạt 21,198 triệu tấn, tăng 6,3% so với tháng 11/2018; xuất khẩu đạt 4,231 triệu tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Tiêu thụ nhiều sản phẩm thép suy giảm (Ảnh minh họa)

Tiêu thụ nhiều sản phẩm thép suy giảm (Ảnh minh họa)

Riêng tháng 11 năm 2019, sản xuất thép các loại đạt 2.124.083 tấn, xấp xỉ so với tháng 10 và cùng kỳ năm 2018. Trong đó, bán hàng đạt 2.030.497 tấn, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu đạt 341.722 tấn, giảm 0,42% so với tháng 10 và giảm sâu tới 20,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, các sản phẩm thép tiêu thụ tăng trưởng hầu như không cao hơn so với cùng kỳ. Đặc biệt, sức tiêu thụ sản phẩm tôn trong vài tháng gần đây tụt giảm mạnh do ảnh hưởng lớn nhất từ thị trường Hoa Kỳ và EU bị thu hẹp xuất khẩu. “Tuy nhiên, trong tháng 11 này, tiêu thụ sản phẩm tôn nói chung có tín hiệu tốt hơn và giá bán cũng tăng trưởng cao hơn chút nên phần nào đã giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôn giảm bớt khó khăn”- ông Vũ Văn Thanh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ.

Nguyên vật liệu là đầu vào cho sản xuất các sản phẩm tôn, thép… cũng tăng, như: giá quặng sắt tăng khoảng 8 – 10 USD/tấn; giá thép phế tăng nhẹ khoảng 17 USD/tấn so với đầu tháng 10/2019. Như vậy, vô hình chung là đầu ra tăng thì đầu vào cũng tăng.

Hiện nay, sức ép cạnh tranh giữa các nhà máy thép rất khốc liệt do nguồn cung quá lớn, song nguồn cầu lại không cao do các công trình xây dựng, đặc biệt là các dự án lớn triển khai chậm lại, nguyên nhân chính do giải ngân chậm, lãi suất ngân hàng tăng cao hơn so với thời gian đầu năm nên ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ xây dựng, kéo theo sản phẩm thép tiêu thụ chậm. Sự gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà máy thép khu vực phía Nam, đặc biệt là ở Mekong... nên hầu như các doanh nghiệp trong ngành thép sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì sức ép cạnh tranh quá lớn nên các doanh nghiệp lại so găng bằng cách giảm giá bán để giữ vững thị phần và kết quả là lợi nhuận đem lại không cao.

Theo dự báo của các chuyên gia ngành thép, từ nay tới cuối năm, sức tiêu thụ các sản phẩm thép sẽ chững lại do thị trường xây dựng đang dần đi vào hoàn thiện nên ít sử dụng đến sản phẩm thép, dẫn đến tiêu thụ gặp khó. Đồng thời, bước sang năm 2020 thị trường tiêu thụ các sản phẩm thép vẫn chưa có biến động nhiều do cung lớn hơn cầu, đặc biệt là thị trường xuất khẩu vẫn ì ạch do các nước ngày càng áp dụng nhiều biện pháp tự vệ để bảo vệ sản phẩm trong nước.

Kim Tuyến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-thep-tieu-thu-i-ach-kho-khan-bua-vay-129768.html