Thị trường thế giới tháng 6 năm 2020

Theo báo cáo IHS Markit, chỉ số Flash PMI Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản tăng mạnh trong tháng 6 so với tháng 5: Mỹ từ 37 lên 46,8 điểm, Pháp từ 32,1 lên 51,3 điểm, Đức từ 32,3 lên 45,8 điểm, Úc từ 28,1 lên 52,6 điểm, Nhật Bản từ 25,8 lên 37,9 điểm.

· Sản lượng khai thác dầu tại Mỹ tuần qua tăng 500.000 bpd lên 11 triệu bpd - lần đầu tiên trong vòng 11 tuần; trữ lượng dầu thương mại tăng tuần thứ 3 liên tiếp lên mức kỷ lục mới 540,7 triệu thùng (+1.400.000 thùng/tuần);

· Các công ty dầu khí đá phiến tại Mỹ có thể phải xóa sổ khoảng 300 tỷ USD trong bảng cân đối tài sản vào quý 2 do giá dầu. Trước đó, BP đã dự báo sẽ giảm 13-17,4 tỷ USD tổng tài sản trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2;

· Chevron xem xét nối lại xuất khẩu dầu thô tại các liên doanh của công ty tại Saudi và Kuwait, khối lượng dự kiến khoảng 80.000 bpd. Arab Saudi cho biết sẽ cân đối các nguồn và đảm bảo tuân thủ hạn ngạch OPEC+;

· 40-45 lô LNG Mỹ trong tháng 8 xuất sang các nước có thể bị hủy do nhu cầu tiêu thụ khí đốt thấp và hàng tồn kho tại châu Âu ở mức cao kỷ lục, trong đó khoảng 30 lô của Cheniere Energy từ 2 nhà máy Sabine Pass và Corpus Christi, 10 lô của công ty Freeport. Số lượng LNG Mỹ bị hủy trong tháng 7 cũng ở mức 40-45 lô. EIA dự báo xuất khẩu LNG của Mỹ năm 2020 có thể sụt giảm 50%;

· Trữ lượng xăng trong kho nổi ngoài khơi tây bắc châu Âu (Rotterdam) đã tăng trở lại trong 2 tuần quatừ 0,6 triệu lên 0,9 triệu tấn, tuy nhiên, vẫn thấp hơn con số 1,1 triệu tấn hồi cuối tháng 5. Trữ lượng diesel và xăng máy bay tiếp tục giảm đều đặn, diesel giảm từ 1,2 triệu xuống còn khoảng 0,8 triệu tấn, xăng máy bay giảm từ 0,87 triệu xuống còn 0,45 triệu tấn. Trữ lượng nhiên liệu trong kho nổi ngoài châu Âu giảm đều hơn, cụ thể xăng giảm từ 5,4 triệu xuống 2,5 triệu tấn, diesel giảm từ 6 triệu xuống còn 4.2 triệu tấn, xăng máy bay giảm từ 1,5 triệu xuống còn khoảng 1,1 triệu tấn;

· Ba Lan ký hợp đồng cung cấp LNG dài hạn với Mỹ tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD (141 triệu tấn) để có thể chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga kể từ năm 2022, khi hợp đồng cung cấp khí dài hạn với Gazprom kết thúc. Ba Lan và Mỹ đang hoàn tất đàm phán về hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự, cho phép xây dựng các nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ Mỹ;

· Nhập khẩu dầu thô Ấn Độ trong tháng 5 giảm 23% so với cùng kỳ năm 2019 xuống 3,45 triệu bpd - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giảm 770.000 bpd so với tháng 4. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh do cách ly: xăng giảm 54,7% xuống 482.000 bpd, diesel giảm 41,6% xuống 1,32 triệu bpd, xăng máy bay giảm hơn 6 lần xuống còn 28.000 bpd;

· ADNOC đã ký thỏa thuận bán 49% công ty con Gas Pipeline Assets sở hữu hệ thống đường ống dẫn khí 1.000 km tại UAE cho một nhóm nhà đầu tư (quỹ Singapore, quỹ hưu trí Ontario, NH Investment & Securities và Snam) với giá 10,1 tỷ USD. Cùng với việc nâng cao năng lực upstream, ADNOC đang đầu tư 45 tỷ USD vào lĩnh vực hóa dầu và nhà máy lọc dầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu thô. Theo thỏa thuận, ADNOC sẽ cho thuê hệ thống đường ống trong vòng 20 năm, giữ lại toàn quyền sở hữu và kiểm soát hoạt động;

· Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu dầu thô trong tháng 6. Theo Kpler, số lượng tanker dự kiến cập cảng trong tháng 6 (thậm chí phải chuyển sang tháng 7 bốc hàng do cảng quá tải) nhập khẩu dầu thô sẽ đạt mức 14,2 triệu bpd (58 triệu tấn/tháng) tăng hơn 39% so với tháng 5. Công suất tinh chế tháng 6 cũng tăng lên 13,8 - 14 triệu bpd, tuy nhiên, vẫn thấp hơn nhập khẩu dẫn đến trữ lượng dầu thô tăng lên mức kỷ lục mới 842 triệu thùng;

· Sinopec chuyển đổi nhà máy lọc dầu sang sản xuất sản phẩm hóa dầu nhằm tối đa hóa lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước dư thừa.

· Khoảng 20 nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu các tập đoàn nhà nước như: Sinopec, PetroChina, CNOOC và Sinochem đã lắp đặt thiết bị sản xuất nhiên liệu hàng hải đáp ứng tiêu chuẩn IMO mới (hàm lượng lưu huỳnh 0,5%) với tổng công suất trong năm 2020 lên tới 29,6 triệu tấn vào năm 2022 cho phép đáp ứng toàn bộ nhu cầu thị trường trong nước (12 triệu tấn/năm), đồng thời trở thành trung tâm cung ứng nhiên liệu châu Á. Sản xuất nhiên liệu tại Trung Quốc từ đầu năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2019, Chính phủ lần đầu tiên áp dụng quota xuất khẩu đối với nhiên liệu hàng hải;

· Ủy ban chứng khoán Trung Quốc chuẩn bị đối phó với tình huống bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD (quá SWIFT, CHIPS) nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của đất nước trong trường hợp Mỹ quyết định trừng phạt;

· Giá dầu Urals từ đầu tháng 6 đã tăng thêm 7,92 USD lên mức cao nhất kể từ sau OPEC+ sụp đổ 46,06 USD/thùng (tại Địa Trung Hải), cao hơn Brent 2,55 USD. Dầu ESPO xuất từ cảng Kozmino tháng 7 cũng cao hơn tiêu chuẩn Dubai 3,55 USD. Bất chấp nhu cầu thế giới giảm mạnh, xuất khẩu dầu thô trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019 từ 72 triệu tấn xuống 71,3 triệu tấn. Cùng kỳ, xuất khẩu khí đốt giảm 12% xuống 76,7 tỷ m3. Các nhà máy lọc dầu Nga đã bắt đầu tăng công suất trong tháng 6 thêm tối thiểu 350.000 tấn so với kế hoạch và tiếp tục tăng trong tháng 7 thêm khoảng 1,8 triệu tấn lên mức 19,7 triệu tấn/tháng.

· Gazprom phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu eurobond kỳ hạn 7 năm, lãi suất 3,125%/năm. Trong năm 2020, Gazprom đã phát hành thành công 2 đợt eurobond, một bằng EUR (1 tỷ) kỳ hạn 5 năm với lãi suất 2,95%/năm và một bằng USD (2 tỷ) kỳ hạn 10 năm với lãi suất 3,25%/năm. Theo dự toán ngân sách, năm 2020 Gazprom cần huy động 558 tỷ rúp (gần 8 tỷ USD) để cân đối thu chi, tuy nhiên, trong bối cảnh giá khí và nhu cầu giảm mạnh, Gazprom sẽ phải điều chỉnh đáng kể kế hoạch vay vốn hoặc cắt giảm mạnh chi tiêu hơn nữa.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thi-truong-the-gioi-thang-6-nam-2020-573064.html