Thị trường thanh toán nóng với vụ M&A 43 tỉ đô la

Công ty công nghệ tài chính FIS (Mỹ) đã đồng ý thâu tóm đối thủ Worldpay với mức giá lên đến 43 tỉ đô la hôm qua 18-3, một động thái cho thấy thanh toán số hóa đang lên ngôi.

 Từ đầu năm đến nay, các vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành công nghệ tài chính trên toàn cầu đã đạt 85 tỉ đô la. Ảnh: Financial Times

Từ đầu năm đến nay, các vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành công nghệ tài chính trên toàn cầu đã đạt 85 tỉ đô la. Ảnh: Financial Times

Hai đại gia thanh toán về chung một nhà

Hãng tin CNN cho biết FIS sẽ trả cho các cổ đông của Worldpay vừa tiền vừa cổ phiếu với tổng trị giá 35 tỉ đô la nhưng vì FIS đồng ý gánh trách nhiệm các khoản nợ của Worldpay nên giá trị của thương vụ này trên thực tế lên đến 43 tỉ đô la.

Công ty công nghệ tài chính FIS, có trụ sở ở bang Florida, chuyên cung cấp phần mềm xử lý thanh toán và các dịch vụ khác chủ yếu cho các ngân hàng và các tổ chức tài chính, trong khi đó, Worldpay có trụ sở ở bang Ohio, chuyên về công nghệ xử lý thanh toán thẻ và các giao dịch khác cho doanh nghiệp thương mại điện tử.

Hai công ty này cho biết sau khi về chung một nhà, trong ba năm tới, họ sẽ tạo ra thêm 500 triệu đô la doanh thu mỗi năm đồng thời giúp cắt giảm chi phí hàng năm khoảng 400 triệu đô la.

Worldpay đang xử lý hơn 40 tỉ lượt giao dịch thanh toán với trị giá 1.000 tỉ đô la mỗi năm và hỗ trợ cho 300 kiểu thanh toán với hơn 120 tiền tệ. Giới phân tích nhìn nhận Worldpay đang nắm giữ ngôi vương trong thị trường ngách thanh toán giao dịch thương mại điện tử ở Mỹ. Năm 2018, doanh thu tổng cộng của Worldpay và FIS là 12,3 tỉ đô la.

Gary Norcross, Giám đốc điều hành FIS, nói: “Quy mô đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thanh toán đang thay đổi nhanh chóng. Bằng cách hợp thành một tổ chức, chúng tôi sẽ mang đến các giải pháp hiện đại nhất nhắm vào các thị trường có mức tăng trưởng cao nhất”.

Thâu tóm Worldpay sẽ giúp FIS mở rộng quy mô thanh toán số hóa. Đối với Worldpay, thương vụ này sẽ giúp tăng cường sự hiện diện của công ty ở các thị trường mới và cạnh tranh với các đối thủ thanh toán toàn cầu.

Darrin Peller, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Wolfe Research, nhận định hai công ty này đang nỗ lực tạo ra một điểm đến phục vụ mọi nhu cầu thanh toán của khách hàng. Họ tin rằng bằng cách hợp lực, họ sẽ tạo ra vị thế mạnh mẽ hơn để khai thác các dịch vụ thanh toán cũng như cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính nâng cao cho các ngân hàng và doanh nghiệp.

Fis và Worldpay quyết định về chung một mái nhà để tăng sức mạnh cạnh tranh và mở rộng các thị trường. Ảnh: Bloomberg

Sôi động làn sóng M&A công nghệ tài chính

Ngành công nghiệp dịch vụ tài chính đang phát triển chóng mặt khi lượng giao dịch thanh toán trực tuyến ngày càng tăng và phức tạp vì phải xử lý nhiều loại tiền tệ khác nhau. Ngoài ra, sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán cũng gây áp lực cho những công ty đi trước.

Những năm gần đây, các hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ tài chính diễn ra sôi động khi người tiêu dùng dần chuyển từ thanh toán tiền mặt sang các phương thức thanh toán số hóa. Doanh thu thanh toán toàn cầu được Công ty tư vấn McKinsey dự báo đạt 3.000 tỉ đô la vào năm 2023.

Gần đây nhất, hồi tháng 1-2019, Công ty công nghệ tài chính Fiserv (Mỹ) thông báo mua lại công ty dịch vụ tài chính First Data với giá 22 tỉ đô la.

Theo dữ liệu của Dealogic, kể từ đầu năm đến nay, ngành công nghệ tài chính đã chứng kiến 30 thương vụ M&A với trị giá tổng cộng 85 tỉ đô la, so với con số 49 tỉ đô la trong cả năm 2018.

Giới phân tích dự báo xu hướng M&A này sẽ tiếp tục nóng vì vụ thâu tóm Worldpay của FIS sẽ gây áp lực cho các đối thủ, buộc họ phải hành động để tránh bị bỏ xa hoặc bị thay thế bởi các tân binh khác.

Các công ty thanh toán hưởng phí khi giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp xử lý các giao dịch thanh toán. Sự lên ngôi của công nghệ thanh toán không tiếp xúc (cho phép vẫy hoặc chạm thẻ qua một đầu đọc thẻ thanh toán ở máy tính tiền POS) và nhu cầu nâng cấp hạ tầng công nghệ thanh toán cũng thúc đẩy làn sóng M&A.

Nhà phân tích Darrin Peller của Công ty Wolfe Research, nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chẳng bao lâu nữa, chúng ta chứng kiến một thương vụ khác trong lĩnh vực công nghệ thanh toán”.

Gareth Wilson, Giám đốc bộ phận thanh toán toàn cầu ở Công ty tư vấn quản lý Accenture, nhận định: “Làn sóng hợp nhất trên thị trường công nghệ tài chính sẽ tiếp tục để các công ty thanh toán có thể phát triển lớn mạnh trên toàn cầu và cạnh tranh với mối đe dọa đến từ các tân binh”.

Các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính từ PayPal (Mỹ) cho đến Alipay (Trung Quốc), công ty con của Alibaba, đang thách thức các công ty đi trước bằng cách cung cấp các dịch vụ thanh toán dễ sử dụng hơn, rẻ hơn và nhanh hơn.

Trong những năm gần đây, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam bắt đầu nhộn nhịp với những cái tên như Ngân lượng, MoMo, Payoo, AirPay, VNPay, 1Pay, SamsungPay, Moca, ZaloPay…

Theo công ty tư vấn Solidiance, thị trường công nghệ tài chính Việt Nam đạt giá trị 4,4 tỉ đô la trong năm 2017 và con số này dự báo sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ đô la vào năm 2020. Tuy vậy, trở ngại lớn nhất của thị trường thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam hiện nay là nhận thức và niềm tin của khách hàng với các sản phẩm công nghệ tài chính còn thấp. Trong giai đoạn này, các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam chủ yếu chấp nhận chi khuyến mãi lớn để thu hút người dùng.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286385/thi-truong-thanh-toan-nong-voi-vu-ma-43-ti-do-la.html