Thị trường tài chính phản ứng tích cực trước khi Mỹ -Trung ký thỏa thuận thương mại

Trên sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản) sáng sớm 14/1, đồng USD đã tăng giá so với đồng yên lên mức 110 yen đổi 1 USD, mức cao nhất trong 8 tháng, tiếp nối đà tăng sau khi đạt mốc 109 yên đổi 1 USD trong đêm trên sàn giao dịch New York (Mỹ).

Bảng điện tử thông báo tỷ giá giữa đồng yen của Nhật Bản và đồng USD tại Tokyo, Nhật Bản ngày 9/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Bảng điện tử thông báo tỷ giá giữa đồng yen của Nhật Bản và đồng USD tại Tokyo, Nhật Bản ngày 9/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Các thị trường tài chính tại Nhật Bản đóng cửa ngày 13/1 vì là ngày nghỉ lễ ở nước này. Đồng USD tăng giá trong bối cảnh tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trước khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dự kiến vào ngày 15/1 tới.

Trên thị trường vàng, giá vàng thế giới giảm do niềm tin thị trường được cải thiện trước khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại cũng như căng thẳng ở Trung Đông hạ nhiệt. Theo đó, vào lúc 1h50 sáng 14/1 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.549,50 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,6% xuống 1.550,60 USD/ounce.

Đồng USD mạnh hơn so với các đồng tiền chủ chốt khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Các nhà phân tích cho biết giới đầu tư đang tập trung vào việc Mỹ và Trung Quốc tiến tới ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Trả lời phỏng vấn kênh Fox Business Network ngày 13/1, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết công tác chuyển ngữ văn bản thỏa thuận thương mại gần như hoàn tất và dự kiến được công bố ngay trước lễ ký diễn ra ngày 15/1.

Nhận định về thỏa thuận nói trên, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant cho rằng thỏa thuận này giúp "chấm dứt đổ máu" nhưng vẫn còn nhiều "thách thức đáng kể" giữa hai nước.

Trả lời phỏng vấn báo giới tại Bắc Kinh, ông Brilliant nhấn mạnh việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ rất quan trọng đối với việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia, tạo cơ sở cho thành công của các cuộc đàm phán. Theo ông, một điều cũng rất quan trọng là hai bên thể hiện cam kết tiến tới đàm phán giai đoạn 2.

Ông Brilliant nói rằng hiện vẫn tồn tại các thách thức lớn vì những vấn đề cốt lõi trong tranh cãi giữa hai bên phần lớn chưa được giải quyết, đồng thời vẫn còn nhiều công việc chưa hoàn thành liên quan các mức thuế hiện hành.

Những điểm then chốt gây bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh bao gồm thương mại số hóa, an ninh mạng và chính sách trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho các công ty nhà nước. Một người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết Đại diện Thương mại Lighthizer cùng Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama và Ủy viên thương mại châu Âu Phil Hogan sẽ nhóm họp tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 14/1 để thảo luận về chính sách trợ cấp và thương mại của Trung Quốc.

Ngày 15/12/2019, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt được thỏa thuận một phần, hay còn gọi là thỏa thuận giai đoạn 1. Theo đó, Mỹ sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, cũng như sẽ hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, đồng thời tăng nhập khẩu lúa mỳ và ngô của Mỹ.

Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/thi-truong-tai-chinh-phan-ung-tich-cuc-truoc-khi-my-trung-ky-thoa-thuan-thuong-mai-20200114101421956.htm