Thị trường tài chính: Chuyện mới thời 4.0

Trong một nỗ lực hướng đến các chuẩn mực quốc tế về công bố thông tin, Cuộc bình chọn các doanh nghiệp niêm yết sẽ buộc phải thay đổi chính mình sau mỗi lần tổ chức. Như bất kỳ cuộc bình chọn nào, tất cả không nằm ngoài mục đích tìm ra người xứng đáng nhất.

Quá trình lựa chọn doanh nghiệp niêm yết năm nay cũng vậy nhưng khó hơn rất nhiều. Đó là tìm ra doanh nghiệp có phẩm hạnh đẹp về công bố thông tin.

Các định chế tài chính vẫn thường bàn về đổi mới sản phẩm dịch vụ trong chiến lược phát triển của họ. Tiến bộ công nghệ là yếu tố then chốt của đổi mới. Có một sự khác biệt giữa đổi mới mang tính đột phá và đổi mới mang tính cải tiến. Bài viết này là những ghi chép rời rạc về quá trình đổi mới đang âm thầm diễn ra trong lĩnh vực tài chính.

Thị trường tài chính

Thị trường tài chính, một cách ngắn gọn, giúp kết nối những người có tiền nhàn rỗi với những những người cần tiền. Các lý thuyết kinh tế đã chỉ ra rằng, một trong những vấn đề mà thị trường tài chính phải giải quyết là thông tin không cân xứng giữa người có tiền và người cần tiền.

TS. Quách Mạnh Hào, Đại học Birmingham, Vương quốc Anh

Cụ thể, những người có tiền nhàn rỗi thường không thể hiểu rõ như chính những người cần tiền về khả năng của họ cũng như về việc họ sẽ sử dụng tiền như thế nào. Nói cách khác, người cần tiền có nhiều thông tin hơn so với người có tiền về việc tiền sẽ được dùng vào việc gì và hiệu quả ra sao.

Sự tồn tại của thông tin không cân xứng cũng có nghĩa là các giao dịch sản phẩm tài chính phát sinh các chi phí làm giàu thông tin khiến các sản phẩm trở nên đắt đỏ, hoặc thị trường sẽ không tồn tại. Các định chế tài chính ra đời nhằm khắc phục khuyết tật của thị trường, trong đó có việc cải thiện vấn đề thông tin và giảm chi phí.

Các tổ chức đầu tư, môi giới chứng khoán hay các ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm, dù các sản phẩm dịch vụ khác nhau, đều có mô hình kinh doanh dựa vào thông tin. Sự thành công và hiệu quả của thị trường tài chính nói chung, cũng như các định chế tài chính nói riêng, phụ thuộc nhiều vào việc họ đã tạo ra thông tin nhanh, thuận tiện với chi phí rẻ như thế nào.

Tiến bộ công nghệ thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng của thế giới

Trước sự tiến bộ của công nghệ, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Người ta nói nhiều tới Công nghiệp 4.0 để hàm ý rằng, tiến bộ công nghệ đang làm thay đổi cách thức các quan hệ sản xuất và quan hệ kinh tế vận hành.

Nếu như cách mạng Công nghiệp 1.0 là sự xuất hiện của máy hơi nước thay thế lao động thủ công; Công nghiệp 2.0 là sự xuất hiện của các dây chuyền sản xuất quy mô lớn; Công nghiệp 3.0 là sự tham gia của máy tính và quá trình tự động hóa thì Công nghiệp 4.0 là sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo và những nhà máy thông minh.

Đáng chú ý trong sự phát triển công nghệ là sự xuất hiện và vai trò của các công nghệ đột phá. Khác với công nghệ lối mòn chủ yếu dựa trên việc cải tiến hệ thống đã có, công nghệ đột phá hoàn toàn mới và thậm chí chưa hoàn thiện.

Những ví dụ về công nghệ đột phá có thể kể ra chẳng hạn máy tính để bàn đã thay thế máy chữ và sau đó thì chính nó lại dần bị thay thế bởi máy tích xách tay và máy tính bảng. Hay như email đã thay thế cách thức chúng ta trao đổi thông tin bằng đường bưu điện, hoặc như điện thoại di động thay thế điện thoại cố định và rồi chúng cũng đang dần bị thay thế bởi các mạng xã hội.

Đổi mới trong tài chính: Ai sẽ là người tiên phong?

Hai quan sát rời rạc nêu trên tưởng như không liên quan, nhưng khi ghép lại, chúng gợi ý cho chúng ta một bức tranh về nhu cầu đổi mới và những sản phẩm dịch vụ mới trên thị trường tài chính. Vậy, ai sẽ là người tiên phong trong đổi mới thị trường tài chính?

Christensen, Giáo sư Đại học Harvard và là một trong những người đầu tiên bàn về công nghệ đột phá, cho rằng, các tổ chức lớn thường không có động lực để thực hiện công nghệ đột phá mà chỉ tập trung nguồn lực vào cải thiện công nghệ hiện tại.

Số liệu khách hàng luôn là nhân tố trọng tâm trong việc ra quyết định của các tổ chức tài chính

Một phần lý do cho điều này là vì các tổ chức lớn thường phải tập trung nguồn lực vào công việc kinh doanh hiện tại, thu hút và duy trì khách hàng hiện hữu, chiếm lĩnh thị trường hơn là tập trung vào các công nghệ đột phá đầy rủi ro. Công nghệ đột phát do đó được cho sẽ được tạo ra phần lớn bởi các công ty khởi nghiệp, cụ thể trong lĩnh vực tài chính là các công ty FinTech.

Cách tiếp cận truyền thống trong thị trường tài chính là chỉ có các đại gia lớn và giàu có mới có thể tiến vào thị trường này. Điều đó không còn nữa. Những công ty khởi nghiệp FinTech tập trung vào những lĩnh vực cụ thể của dịch vụ tài chính, không cần quá nhiều tiền theo cách truyền thống và đang dần chiếm lĩnh thị trường vốn độc quyền bởi những tổ chức lớn.

Đặc biệt, những người sử dụng dịch vụ, sau khi niềm tin bị xói mòn bởi khủng hoảng tài chính, quan tâm nhiều hơn tới các dịch vụ cho phép họ có thể quản lý, kiểm soát và thực hiện các lựa chọn mang tính cá nhân nhiều hơn.

Các dịch vụ từ bảo hiểm, đầu tư, gửi tiền hay vay mượn đều có thể thực hiện nhanh chóng trực tuyến thông qua các công ty không đòi hỏi nhiều về vốn cũng như chi phí vận hành như các tổ chức tài chính truyền thống.

Những công ty khởi nghiệp đã vận dụng hết sức hài hòa sự tiến bộ công nghệ và vai trò của thông tin trong việc thiết kế sản phẩm. Chẳng hạn, các công ty tạo chợ đang rất thành công trong việc kết nối người mua và người bán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, tương tự như mô hình Uber trong kinh doanh vận tải.

Tại Anh, người dùng thay vì đến gõ cửa từng công ty bảo hiểm, giờ chỉ cần tìm đến các nền tảng trực tuyến được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp để có được gần như tất cả thông tin họ cần liên quan tới chính sách bảo hiểm, so sánh và lựa chọn các chính sách phù hợp nhất một cách dễ dàng.

Một điển hình khác của đổi mới là việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tín dụng và đầu tư. Trong quá khứ, khi một cá nhân cần vốn, phần lớn họ chỉ có thể tìm đến một trong hai nguồn để vay mượn, gia đình hoặc bạn bè và ngân hàng.

Sự thiếu thông tin về những người cần vốn nhỏ làm cho chi phí giao dịch trở nên quá đắt đỏ, cộng thêm thủ tục ngân hàng thường rất rườm rà, khiến thị trường thất bại. Nhưng các công ty khởi nghiệp đã tạo ra các nền tảng về cho vay ngang hàng hay tài trợ nhóm đám đông để phục vụ những người cần vốn quy mô nhỏ và nhanh.

Có thể nói, các công ty khởi nghiệp đang dần chiếm ưu thế trong mảng thị trường phục vụ các nhu cầu nhỏ của các doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân. Đây là lĩnh vực mà các tổ chức lớn không phải không biết, nhưng họ không làm bởi chi phí với họ quá lớn.

PwC trong một báo cáo về xu hướng thị trường tài chính vài năm trước đã đưa ra nhận định của các tổ chức truyền thống rằng, các công ty FinTech sẽ dần chiếm lĩnh khoảng 25% thị phần toàn thị trường tài chính. Đó cũng chính là lý do tại sao cùng với sự xuất hiện của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính là xu thế mua lại các công ty khởi nghiệp này của các tổ chức tài chính truyền thông.

Vấn đề thứ hai của xu thế đổi mới trên thị trường tài chính là tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khoa học dữ liệu và sự gia tăng trải nghiệm của khách hàng. Phân tích dữ liệu từ lâu đã được dùng trong kinh doanh dịch vụ tài chính. Từ việc các tổ chức ghi nhận các thông tin cá nhân thông thường để xác định về tính cách rủi ro hay khả năng tài chính để ra quyết định cho vay, các tổ chức tài chính lớn đã thu thập một lượng dữ liệu lớn tổng hợp mở rộng về hành vi, thói quen, sở thích, quan điểm cá nhân của các khách hàng để thiết kế và cung cấp các sản phẩm phù hợp với các đặc tính đó.

Chẳng hạn, các công ty đã bắt đầu dùng nghiên cứu về cách thức con người dùng mạng xã hội để đưa ra những phân tích dữ liệu cần thiết cho các tổ chức tài chính về mức độ uy tín của khách hàng. Trang fanpage của công ty bạn có nhiều likes hay không, hay bạn có phản hồi thường xuyên với những bình luận của khách hàng hay không, cũng là yếu tố được phân tích. Hay thậm chí, việc kết bạn với ai, họ có thói quen gì cũng có thể được phân tích để xác định xu hướng tiêu dùng và vay mượn trong tương lai của chính bạn.

Sự chuyển dịch từ tập trung vào sản phẩm sang tập trung vào khách hàng là thực sự có ý nghĩa bởi nó chủ động giải quyết được vấn đề về thông tin không cân xứng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và khả năng của khách hàng.

Bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy rằng, mỗi khi bạn tìm kiếm một sản phẩm nào đó trên mạng, chỉ một lúc sau trên các trang mà bạn mở sẽ tràn ngập các quảng cáo sản phẩm liên quan. Đó là vì các công ty hiểu rõ bạn đang muốn gì từ những dấu vết bạn để lại trên mạng.

Số liệu khách hàng luôn là nhân tố trọng tâm trong việc ra quyết định của các tổ chức tài chính. Những người làm ngân hàng ra quyết định dựa trên chỉ số tín dụng trong khi những nhà bảo hiểm nhìn vào lịch sử lái xe hoặc sức khỏe của khách hàng trước khi đưa ra một chính sách bảo hiểm.

Việc sử dụng dữ liệu và thông tin không chỉ dừng lại ở các dữ liệu lịch sử mà nó đang hướng tới các dữ liệu trực tiếp. Khi con người và các thiết bị trở nên kết nối phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, những dữ liệu real time (trực tiếp) được thu thập để đưa ra những quyết định nhanh hơn.

Sự phát triển của khoa học dữ liệu cũng dẫn tới xu hướng trải nghiệm ra quyết định của khách hàng. Các dịch vụ tài chính truyền thống thường dựa vào các nhà môi giới và tư vấn tài chính - những người đánh giá tình hình tài chính cá nhân của khách hàng và ra khuyến nghị. Những người này có lợi thế rất lớn bởi sự tiếp cận cơ sở dữ liệu và thông tin so với khách hàng của họ.

Trong một thời gian dài, các khách hàng cá nhân, chẳng hạn những nhà đầu tư, đã thường tự thực hiện các giao dịch với niềm tin rằng, họ có thể làm tốt hơn những người chuyên nghiệp. Với xuất hiện của các FinTech và sự phát triển của khoa học dữ liệu, ý tưởng về các trải nghiệm cá nhân ngày càng rõ hơn.

Nói cách khác, điều thần bí nằm ở việc sở hữu thông tin mà các tổ chức lớn có được nay đã biến mất - các khách hàng cá nhân có thể tiếp cận thông tin giống như họ. Nhu cầu thông tin của các khách hàng cá nhân được đáp ứng bởi các nhà tư vấn tự động - những robot tư vấn dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu.

Các nhà tư vấn tự động trực tuyến đang trở nên chiếm ưu thế và các công ty môi giới và đầu tư sẽ dần mất thị trường. Điều này sẽ buộc các tổ chức tài chính phải đổi mới hướng tới sự thân thiện hơn với khách hàng, cho phép khách hàng trải nghiệm nhiều hơn trong các quyết định của họ.

Chẳng hạn, đổi mới với các công ty chứng khoán không phải là cung cấp cho khách hàng dịch vụ môi giới chi phí cao bán kèm tư vấn, mà là phát triển các mô hình môi giới giá rẻ và cho khách hàng nhiều thông tin và tự do hơn trong việc ra quyết định, hướng tới phát triển các danh mục đầu tư thông minh với sự trợ giúp của các robot đầu tư tự động.

Điểm thứ ba trong xu thế đổi mới thị trường tài chính là quá trình làm lớn các dịch vụ nhỏ và sự hợp tác để cung cấp dịch vụ tổng thế cho khách hàng. Những người đổi mới truyền thống thường có xu hướng bắt chước những gì các tổ chức lớn đã làm và cố gắng làm tốt hơn.

Ngày nay, đổi mới hướng vào những dịch vụ nhỏ, các tổ chức lớn càng không làm và khách hàng càng thất vọng càng tốt. Ví dụ trong lĩnh vực chuyển tiền kiều hối, theo truyền thống dịch vụ này không phải là lĩnh vực ngân hàng ưa thích bởi nó có chi phí lớn và mất thời gian nếu khách hàng chuyển tiền nhỏ. Nhưng điều đó không phải là vấn đề đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyển tiền.

Bằng việc kết nối hệ thống ngân hàng, tạo ra nền tảng giao diện thân thiện, họ đã cho phép khách hàng có thể chuyển tiền nhanh, dễ dàng và rẻ. Trong tương lại gần, sự tiến bộ của công nghệ cũng sẽ dẫn tiến tới việc chuyển tiền cũng đơn giản như chúng ta gửi tin nhắn qua mạng xã hội.

Việc chiếm lĩnh các mảng thị trường nhỏ của những người đổi mới không đồng nghĩa với việc họ muốn cạnh tranh với các đối thủ truyền thống. Ngược lại, cả những tổ chức truyền thống và những người đổi mới đều nhận thấy lợi ích của việc họ hợp tác.

Những người đổi mới thông minh sẽ nhận ra rằng, họ có thể sử dụng chiến lược tay đôi, trong đó họ cạnh tranh tại những mảng dịch vụ thế mạnh, nhưng hợp tác cho lĩnh vực họ không giỏi. Với những tổ chức lớn, việc hợp tác không những mang lại cho họ khách hàng mới mà còn giúp họ hiểu rõ hơn cá lợi thế chiến lược mà những công ty khởi nghiệp đang nắm giữ, từ đó giúp họ có các tiếp cận mới trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển của chính họ.

Kết quả là chúng ta sẽ thấy những sự kết hợp. chẳng hạn như Apple Pay không nhất thiết phải dẫn tới sự biến mất của hệ thống thanh toán như Visa và Mastercard. Hoặc các ngân hàng có thể hợp tác với các công ty có lợi thế nhất định nhằm bán chéo hoặc giới thiệu sản phẩm. Điều này cuối cùng không nằm ngoài mục tiêu cung cấp dịch vụ tổng thể cho khách hàng.

Vài nhận xét cuối cùng

Đổi mới trên thị trường tài chính đang diễn ra hàng ngày với sự phát triển của công nghệ. Đổi mới không đồng nghĩa với sự biến mất của các dịch vụ tài chính truyền thống. Nhưng sự hiện diện vật lý của các định chế tài chính có thể sẽ là một dấu hỏi.

Chẳng hạn, dịch vụ ngân hàng sẽ không mất đi, nhưng ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động sẽ dần thay thế các ngân hàng truyền thống với trụ sở khang trang. Thậm chí, ngân hàng trực tuyến cũng sẽ dần biến mất giành chỗ cho ngân hàng di động và ngân hàng trên mạng xã hội. Nói cách khác, các dịch vụ tài chính sẽ dần dần được phát triển trên các nền tảng trực tuyến, thay vì các trụ sở mặt đất.

Trong sự phát triển của khoa học dữ liệu, yếu tố then chốt trong tương lai sẽ nằm ở khả năng bảo mật, thay vì khả năng xử lý dữ liệu thành thông tin như hiện tại. Những công nghệ nền tảng như Blockchain sẽ phát triển bởi nó cho phép thực hiện các giao dịch an toàn và bảo mật. Và một điểm quan trọng và thú vị nữa sẽ là sự biến mất của các đồng tiền thực tế. Thói quen dùng thẻ và tiền số sẽ dần thay thế nó.

Theo TS. Quách Mạnh Hào, Đại học Birmingham, Vương quốc AnhĐặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/thi-truong-tai-chinh-chuyen-moi-thoi-40-247961.html