Thị trường tài chính 24h: Tốc độ phục hồi của NIM các ngân hàng gặp thách thức
VN-Index tăng nhẹ; NIM: Bài toán khó của hệ thống ngân hàng; Minh bạch tạo thêm sức hút cho cổ phiếu 'vua'; Dự báo tác động từ 'maganomics'; Thống đốc BOJ tái khẳng định lập trường bình thường hóa chính sách tiền tệ…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 23/8 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 79,00 – 81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 27,5 USD xuống 2.484,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục mạnh và lên trên 2.500 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 101,36 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.250 đồng/USD, tăng 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.810 – 25.150 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 60.000 lên 60.300 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và lên trên 61.300 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,73 USD (+1,00%), lên 73,74 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,71 USD (+0,91%), lên 77,92 USD/thùng.
VN-Index đảo chiều tăng nhẹ
Thị trường duy trì trạng thái rung lắc nhẹ trong suốt cả phiên giao dịch. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu trụ cột là bank – chứng – thép đều tạo sức ép lên thị trường bởi sắc đỏ chiếm áp đảo.
Nhưng điểm tích cực diễn ra vào cuối phiên, khi lực cầu gia tăng đã giúp VN-Index đảo chiều tăng điểm, đặc biệt là pha “quay xe” của bộ 3 nhóm trụ cột chính nêu trên.
Kết thúc phiên giao dịch 23/8: VN-Index tăng 2,54 điểm (+0,2%), lên 1.285,32 điểm; HNX-Index tăng 1,6 điểm (+0,67%), lên 240,07 điểm; UPCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,09%), xuống 94,41 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Năm (22/8), bởi giới đầu tư hạn chế mở vị thế khi Hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tại Jackson Hole khai mạc.
Các quan chức ngân hàng trung ương từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung tại Jackson Hole cho Hội nghị chuyên đề kinh tế hàng năm và những người tham gia thị trường hiện đang tập trung vào Chủ tịch Fed Jerome Powell, khi ông sẽ dự kiến có phát biểu quan trọng vào ngày thứ hai của sự kiện.
Kết thúc phiên 22/8: Chỉ số Dow Jones giảm 177,71 điểm (-0,43%), xuống 40.712,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 50,21 điểm (-0,89%), xuống 5.570,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 299,63 điểm (-1,67%), xuống 17.619,35 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm về cuối phiên, khi giới đầu tư phản ứng với sự thay đổi giọng điệu của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda trong phiên điều trần trước quốc hội.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 kết thúc phiên tăng 0,4% lên 38.364,27 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,5% lên 2.684,72 điểm.
Vào buổi sáng, ông Ueda tỏ ra khá diều hâu, báo hiệu sẵn sàng tăng lãi suất một lần nữa nếu lạm phát tiếp tục nhích lên.
Nhưng vào buổi chiều, Thống đốc BOJ đã tỏ ra ôn hòa hơn một chút và quan tâm đến thị trường và không có sự khác biệt trong suy nghĩ với Phó Thống đốc Shinichi Uchida, người đã nói hồi đầu tháng này rằng BOJ sẽ không thắt chặt chính sách khi thị trường biến động.
Chứng khoán Trung Quốc hồi phục sau ba phiên giảm liên tiếp, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu tài chính.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,20% lên 2.854,37 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,42% lên 3.327,19 điểm.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, bị kéo lùi bởi kết quả kinh doanh đáng thất vọng của các công ty bluechip Trung Quốc, trong khi các nhà giao dịch cũng thận trọng hơn chờ đợi bài phát biểu của chủ tịch Fed để biết manh mối về đợt cắt giảm lãi suất sắp tới.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,16% xuống 17.612,08 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,12% xuống 6.216,63 điểm.
Cổ phiếu đáng chú ý như Công ty trò chơi NetEase đã giảm 12,9%, là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong số 82 mã bluechip, sau khi kết quả kinh doanh quý II không đạt được kỳ vọng.
Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ nhìn chung yếu hơn, với gã khổng lồ tìm kiếm internet Trung Quốc Baidu giảm 5,4%, nền tảng giao đồ ăn Meituan mất 1,6%...
Chứng khoán Hàn Quốc điều chỉnh sau ba phiên tăng liên tiếp, khi các nhà đầu tư chốt lời trước bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề Jackson Hole vào ngày mai.
Đóng cửa, chỉ số Kospi giảm 5,98 điểm, tương đương 0,22%, xuống 2.701,69 điểm.
Kết thúc phiên 23/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 153,26 điểm (+0,40%), lên 38.364,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,60 điểm (+0,20%), lên 2.854,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 28,90 điểm (-0,16%), xuống 17.612,10 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 5,98 điểm (-0,22%), xuống 2.701,69 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- NIM: Bài toán khó của hệ thống ngân hàng
Biên lãi ròng (NIM) quý II/2024 có xu hướng cải thiện nhẹ so với quý I/2024 và tăng mạnh 30 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cầu tín dụng yếu khiến tốc độ phục hồi của NIM gặp thách thức..>> Chi tiết
- Minh bạch tạo thêm sức hút cho cổ phiếu “vua”
Việc minh bạch thông tin cổ đông sở hữu từ 1% trở lên tại các ngân hàng, cộng hưởng với triển vọng tăng trưởng của ngành trong nửa cuối năm 2024 được nhận định sẽ tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu “vua” trong thời gian tới..>> Chi tiết
- Dự báo tác động từ “maganomics”
Với chiến lược “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America great again - Maga), chính sách kinh tế “maganomics” trong nhiệm kỳ tới của ông Donald Trump nếu đắc cử có thể sẽ tác động mạnh hơn đến kinh tế toàn cầu..>> Chi tiết
- Thống đốc BOJ tái khẳng định lập trường bình thường hóa chính sách tiền tệ
Hôm thứ Sáu (23/8), Thống đốc Kazuo Ueda đã nhắc lại rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách bình thường hóa miễn là nền kinh tế tiếp tục tiến tới mức lạm phát ổn định 2%..>> Chi tiết