Thị trường tài chính 24h: Giao dịch chứng khoán vẫn rất ảm đạm

VN-Index đảo chiều tăng nhẹ; Khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%; Mua lại trái phiếu thay vì đỡ giá cổ phiếu; Họp 'giải cứu' thị trường chứng khoán: Đề nghị sửa Nghị định 65; Hầu hết các quan chức Fed cho rằng nên sớm làm chậm tốc độ tăng lãi suất…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội mở cửa sáng nay 23/11 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,60 – 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 10,2 USD lên mức 1.750,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 1.755 USD và giằng co nhẹ quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,94 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.671 đồng/USD, giảm 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.654 – 24.854 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên gần 16.600 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục tăng nhẹ nhưng lại đảo chiều nhanh về dưới 16.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,12 USD (-0,15%), xuống 77,82 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,23 USD (-0,27%), xuống 85,18 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Giao dịch khá nhàm chán nối trong suốt cả phiên, VN-Index có thời điểm lùi về 940 điểm do áp lực phân hóa cao và thanh khoản ở mức thấp.

Tuy nhiên, sau khi nhích lên 946 điểm, một số bluechip nới đà tăng, trong khi số mã giảm cũng đã thu hẹp, thậm chí không ít đảo chiều tăng đã giúp VN-Index tăng vượt tham chiếu nhẹ khi đóng cửa.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu thép là nhóm tăng mạnh và đồng thuận cao nhất, ngoài HPG tăng 4% thì HSG giữ giá trần +7%, khớp 13,8 triệu đơn vị, NKG +6,8%, khớp 6,6 triệu đơn vị, POM +3,7%, TLH +3,7%.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,58 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng 326,78 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/11: VN-Index tăng 1,71 điểm (+0,18%), lên 947,71 điểm; HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,11%), lên 191,22 điểm; UpCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,22%), xuống 67,51 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall tiếp tục tăng vào phiên ngày thứ Tư (23/11), sau khi biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed cho thấy việc tăng lãi suất có thể sớm chậm lại.

Biên bản cuộc họp cho thấy, "đa số” các nhà hoạch định chính sách của Fed đồng ý rằng "có thể sẽ sớm" làm chậm tốc độ tăng lãi suất.

Kết thúc phiên 23/11, chỉ số Dow Jones tăng 95,96 điểm (+0,28%), lên 34.194,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 23,68 điểm (+0,59%), lên 4.027,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,91 điểm (+0,99%), lên 11.285,32 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đóng cửa ở mức cao nhất trong hơn hai tháng, sau khi Phố Wall tăng điểm qua đêm với hy vọng Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,95% lên 28.383,09 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 13/9. Chỉ số Topix tăng 1,21% lên 2.018,80 điểm.

Chihiro Ohta, Trợ lý tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư và dịch vụ tại SMBC Nikko Securities, cho biết biên bản cuộc họp tháng 11 của Fed đã đã nâng cao tâm lý thị trường và các nhà đầu tư toàn cầu cũng nhắm đến cổ phiếu Nhật Bản.

Trong đó, các cổ phiếu lớn liên quan đến chip đã mang lại động lực lớn nhất cho Nikkei 225, với Tokyo Electron và Advantest lần lượt tăng 3,55% và 4,56%.

Cyber Agent, công ty phát sóng miễn phí các trận bóng đá World Cup trên internet, đã tăng 7,44% sau khi Nhật Bản đánh bại đội tuyển Đức.

Cổ phiếu Hub, nhà điều hành các quán rượu kiểu Anh, tăng 10,5%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao kỷ lục làm lu mờ sự lạc quan từ các gói kích thích kinh tế mới, t

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,25% xuống 3.089,31 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,44% xuống 3.756,81 điểm.

Tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng tại các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đã làm mờ đi triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này, ngay cả khi chính phủ đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn và đưa kế hoạch cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế.

Trung Quốc hôm thứ Tư đã báo cáo 31.444 trường hợp nhiễm mới Covid-19 vào ngày 23/11, con số cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu gần ba năm trước.

Trên thị trường, Nomura kỳ vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm RRR 0,25% trong vài tuần tới, hoặc thậm chí vài ngày tới, sau khi Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết vào cuối ngày rằng, họ sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã tăng hơn 6%, sau khi các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc đồng ý cung cấp hạn mức tín dụng hàng tỷ USD cho các công ty đang thiếu tiền mặt.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,78% lên 17.660,90 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,79 lên 5.992,35 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, cũng nhờ những dấu hiệu cho thấy Fed sẽ chậm lại trong việc tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 23,32 điểm, tương đương 0,96% lên 2.441,33 điểm.

Trong số các cổ phiếu lớn, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 0,66% và SK Hynix tăng 2%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 1,25%.

Kết thúc phiên 24/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 267,35 điểm (+0,95%), lên 28.383,09 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 7,60 điểm (-0,25%), xuống 3.089,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 137,09 điểm (+0,78%), lên 17.660,90 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,32 điểm (+0,96%), lên 2.441,33 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Tính đến cuối quý III, các ngân hàng mới triển khai được gói hỗ trợ lãi suất 2% cho tổng dư nợ… 17.000 tỷ đồng..>> Chi tiết

- Mua lại trái phiếu thay vì đỡ giá cổ phiếu

Giá cổ phiếu giảm sâu, nhưng đa số các doanh nghiệp không có động thái mua làm cổ phiếu quỹ như những năm trước, mà lại dồn tiền mua trái phiếu trước hạn..>> Chi tiết

- Đề xuất mua lại trái phiếu của doanh nghiệp đạt yêu cầu xếp hạng tín nhiệm

Đây là quan điểm của ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) khi phát biểu tại cuộc họp bàn "giải cứu" thị trường chứng khoán do Bộ Tài chính tổ chức ngày 23/11..>> Chi tiết

- Họp "giải cứu" thị trường chứng khoán: Đề nghị sửa Nghị định 65

Cho rằng Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 (Nghị định 65) sửa đổi Nghị định 153 siết quá chặt hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ, một số doanh nghiệp đề xuất quay lại áp dụng Nghị định 153 nhưng bổ sung thêm chức năng giám sát và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Hầu hết các quan chức Fed cho rằng nên sớm làm chậm tốc độ tăng lãi suất

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã kết luận vào đầu tháng 11 rằng, ngân hàng trung ương nên sớm điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất để giảm thiểu rủi ro thắt chặt quá mức..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-giao-dich-chung-khoan-van-rat-am-dam-post310617.html