Thị trường sữa Việt: Mảnh đất màu mỡ

Với hơn 96 triệu dân, nền kinh tế luôn tăng trưởng dương, dư địa cho phát triển thị trường sữa và sản phẩm sữa trong nước được dự báo rất tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã tìm hướng thâm nhập mảnh đất màu mỡ này.

Dư địa thị trường rộng mở

Mới đây, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TVV Việt Nam đã chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm sữa dê Bubs được nhập khẩu (NK) từ Australia và phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam. Bà Ngô Trần Khánh Vân - Giám đốc công ty - cho biết, tiếp nối thành công và được người tiêu dùng trong nước chấp nhận sản phẩm sữa Kid Power (dòng sữa Hàn Quốc), năm nay, DN giới thiệu thêm một mặt hàng sữa mới Bubs của Australia, với 2 sản phẩm: Sữa dê và sữa bò, cùng các sản phẩm ăn dặm, hoa quả cho trẻ em.

Sản phẩm sữa dê Bubs (Australia) được giới thiệu tới người tiêu dùng Việt

Sản phẩm sữa dê Bubs (Australia) được giới thiệu tới người tiêu dùng Việt

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết, sản lượng sữa sản xuất và tiêu dùng trong nước hiện đạt 27kg/người/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2013. Số lượng này mới tương đương 33% mức tiêu dùng trung bình của các nước châu Á, 68% so với thị trường Trung Quốc, 75% so với Thái Lan và 35% so với Nhật Bản. Cụ thể, theo báo cáo của Kantar Worldpanel Vietnam, trong quý II/2019, tại khu vực thành thị, ngành sữa tăng 3% về khối lượng và tăng 6,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, sữa và sản phẩm từ sữa tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu thị trường tiêu dùng nhanh với mức tăng trưởng 12,1% về khối lượng và 14,7% về giá trị. Trong đó, sữa bột pha sẵn là một trong những ngành hàng đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn, tăng 49% về lượng và 47% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào việc thu hút thêm nhiều người mua mới và sự gia tăng về khối lượng tiêu thụ do tính tiện lợi.

Cạnh tranh bằng sản phẩm vượt trội

Theo Kantar Worldpanel Vietnam, mặt hàng sữa chỉ mới tiếp cận 16,7% tổng số hộ gia đình cùng với sự gia nhập của các thương hiệu mới cho thấy tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Cầu có, cung không đáp đủ, NK sẽ là yêu cầu bắt buộc. Dù vậy, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) - cho hay, từ năm 2014 đến nay, NK sữa giảm đi do sự tăng trưởng của các DN trong nước đáp ứng một phần nhu cầu người tiêu dùng.

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đi vào thực thi, cạnh tranh trong nước đối với các DN ngành sữa rất lớn do hầu hết các nước trong CPTPP và EU là những cường quốc về xuất khẩu sữa. Việt Nam chưa được cấp phép xuất khẩu sữa sang thị trường EU, nên khó tận dụng được cơ hội thị trường này. Tuy nhiên, ông Trần Công Thắng cho rằng, "bức tranh" ngành sữa không chỉ có màu xám. "Sữa bột và các sản phẩm khác sẽ tạo ra sự cạnh tranh rất mạnh giữa các DN" - ông Trần Công Thắng nhấn mạnh. Do đó, DN trong nước cần tổ chức ngành hàng sữa theo chuỗi từ hộ nông dân đến DN. Bên cạnh nâng cao năng lực, công nghệ, cần đầu tư vào vùng sản xuất nhằm phát triển các dòng sản phẩm sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng chứ không chỉ làm sữa hoàn nguyên. Nhà nước cần minh bạch thông tin về sữa và sản phẩm sữa, hỗ trợ DN làm sản phẩm sữa tươi, sữa tươi dinh dưỡng.

Năm 2018, tiêu thụ sữa ở Việt Nam đạt 27kg/người/năm, dự báo đến năm 2020, sẽ tăng lên 28kg/người/năm. Tuy nhiên, thị trường trong nước mới đáp ứng 38 - 40%, còn lại vẫn phải NK.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-sua-viet-manh-dat-mau-mo-127342.html