Thị trường smartphone - Thương hiệu Việt tìm chỗ đứng ở thị trường ngách

Thị trường điện thoại thông minh (smartphone) đang có sự cạnh tranh gay gắt khi phân khúc cao cấp thuộc về các 'ông lớn' như Apple, Samsung. Để có chỗ đứng, thương hiệu điện thoại Việt Nam đã và đang tìm cho mình chỗ đứng riêng ở những thị trường ngách.

Thị trường đã bão hòa

Thị trường smartphone tại Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây, và ước tính khoảng 30-40 triệu điện thoại đang được sử dụng. Chỉ trong năm 2017, 15 triệu chiếc đã được bán ra. Samsung hiện chiếm 46,5% thị phần Việt Nam, tiếp theo là Oppo Electronics ở mức 19,4% và Apple là 9,2%. Ngay cả các hãng nổi tiếng cũng đua nhau cạnh tranh ở Việt Nam, đơn giản bởi nhu cầu thị trường rất lớn.

 Doanh nghiệp Việt tìm chỗ đứng ở thị trường ngách

Doanh nghiệp Việt tìm chỗ đứng ở thị trường ngách

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thị trường có thể thấy ngay cả những công ty có tiếng trên thế giới cũng phải cạnh tranh rất vất vả ở thị trường Việt Nam, do người tiêu dùng đang ngày càng kén chọn hơn trong một thị trường đang tiến tới điểm bão hòa. Nổi đình đám một thời nhưng HTC thậm chí không có tên trong danh sách 10 nhà sản xuất doanh số lớn nhất thị trường. Nguyên nhân là do hãng này không thường xuyên ra sản phẩm mới; thậm chí có hãng như LG suốt 2 năm nay không trình làng smartphone mới nào. Việc không thay đổi mẫu mã thường xuyên, chậm ra mắt sản phẩm mới trong khi các nhãn hàng non trẻ khác luôn nhanh nhạy tung sản phẩm theo thị hiếu đã khiến các ông lớn bị bỏ lại trong cuộc đua khốc liệt này.

Bên cạnh đó, thị trường smartphone Việt Nam đang phân hóa mạnh, mảng cao cấp thuộc về Apple và Samsung, mảng trung cấp do các hãng Trung Quốc chiếm lĩnh còn các dòng điện thoại đình đám một thời như Sony, LG, Nokia dần “đuối sức” trên thị trường; Các thương hiệu như Oppo, Vivo, Huawei phát triển, lần lượt chiếm lĩnh 19,4%; 2,4% và 2,3% thị phần bán lẻ điện thoại di động.

Thị trường smartphone sẽ tiếp tục chứng kiến "cuộc chiến" smartphone giá rẻ trong thời gian tới. Với lợi thế về quy mô, bán hàng trên toàn cầu sản phẩm của các DN Trung Quốc sẽ có mức giá hấp dẫn hơn cứ sau vài tháng.

Thương hiệu Việt tìm chỗ đứng ở thị trường ngách

Vào thời kỳ cao điểm, thị trường smartphone Việt Nam từng ghi nhận có tới hơn 30 thương hiệu Việt nắm thị phần điện thoại giá rẻ. Tuy nhiên, đến nay số thương hiệu còn trụ lại có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, như Q- Mobile, Mobiistar, FPT, VNPT, Viettel và mới đây nhất là Bphone khi liên tục ra mắt 3 mẫu mới trong 3 năm liên tiếp từ 2016 tới 2018.

"Nếu như Bphone 1 là khẳng định Việt Nam có thể làm được smartphone cao cấp, Bphone 2 có nhiệm vụ chinh phục niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam thì Bphone 3 là chinh phục thị trường. Bphone 3 lên kệ ngày 19/10, tại 300 chuỗi cửa hàng liên kết trên toàn quốc. Số lượng đặt mua lần này đang đúng kế hoạch và kỳ vọng của chúng tôi" - CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng chia sẻ.

Ngoài các thương hiệu kể trên, nhiều thương hiệu smartphone Việt thời gian gần đây tung ra hàng loạt sản phẩm khiến thị trường điện thoại phân khúc tầm trung "nóng" lên khi gặp sự cạnh tranh thị phần lâu nay vốn của các thương hiệu ngoại. Theo thông tin từ VinSmart (công ty trực thuộc Vingroup), công ty sẽ hợp tác với BQ là đơn vị đến từ châu Âu sẽ giúp VinSmart tiến hành hoàn thiện dây chuyền thiết bị để sản xuất điện thoại.

Cụ thể, mới đây Asanzo đã cho ra mắt 2 sản phẩm smartphone mang tên S5 và Z5 với giá từ 3- 5 triệu đồng. Đại diện Asanzo cho hay, tuy là lần đầu tiên tham gia thị trường smartphone nhưng hãng hướng đến mục tiêu mở thị phần ở thị trường tỉnh lẻ, thị trường ngách - nơi người dùng quan tâm nhiều hơn đến mức giá và cân đong đo đếm kỹ lưỡng khi mua sản phẩm gia dụng.

Việc khai thác thị trường ngách không phải là mới, bởi đối thủ của Asanzo là Mobiistar vẫn đang né các đô thị lớn và tìm thị phần tại vùng nông thôn, nơi đang có nhiều người dùng sở hữu điện thoại cơ bản và sắp chuyển sang smartphone.

Theo báo cáo của Appota (đơn vị cung cấp các nền tảng tiện ích cho điện thoại thông minh) có 53% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng smartphone để mua sắm online. Còn theo Lazada Việt Nam, xu hướng mua hàng điện thoại qua kênh thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến, tăng trưởng doanh số mặt hàng này tại Lazada đã lên đến 72% trong vòng 1 năm qua, đặc biệt các thương hiệu lớn như Samsung đã có mức tăng trưởng doanh số qua kênh online lên tới 300- 400% so với trước đây - cho thấy nhu cầu mua điện thoại của người Việt vẫn tiếp tục gia tăng.

Ngọc Thảo - Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-smartphone-thuong-hieu-viet-tim-cho-dung-o-thi-truong-ngach-111113.html