Thị trường sách trăm hoa đua nở: Góc nhìn từ văn hóa đọc

Có thể nói chưa bao giờ thị trường sách lại phong phú đến mức hỗn loạn như bây giờ, chính vì quá dư thừa nên sự lựa chọn của độc giả trở nên khó khăn hơn. Sách hay và sách bán chạy không còn là một nữa, cho nên người đọc sách chỉ có thể tìm hiểu qua đoạn trích lược sách hoặc nghe bạn bè, người bán hàng giới thiệu để mua sách. Do đó, ngày nay, 'văn hóa đọc' cũng theo trào lưu, giống như 'văn hóa mạng'.

Cảnh “người giàu cũng khóc”

Nói riêng về mảng sách văn học, người đọc đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn chứ không hề dễ dàng khi sách chất đầy giá, không chỉ trong các cửa hàng sách quốc doanh mà còn trong các cửa hàng sách tư nhân. Các cửa hàng sách nằm bên phố đi bộ Hồ Gươm như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, mặc dù đã có nhiều nhà sách phải chuyển ra Phố Sách, nhưng vẫn còn vô số bày bán từ trong nhà ra đến tận lề đường khiến người ta “bội thực”.

Thị trường sách phong phú giúp bạn đọc có nhiều sự lựa chọn

Thị trường sách phong phú giúp bạn đọc có nhiều sự lựa chọn

Theo quan sát, sách văn học dịch đang lấn át sách của các nhà văn học cổ điển. Sách giải trí thuần túy như ngôn tình, đam mỹ, trinh thám, kinh dị… đôi khi lấn át sách có giá trị thẩm mỹ. Dạo qua một số quầy sách ở phố Đinh Lễ có thể nhận thấy sách dịch Trung Quốc thường được các nhà sách dành riêng cho một khu vực rộng và dễ nhận thấy nhất.

Trên đó chất đầy những tác phẩm được giới trẻ “săn” như “Đạo tình”, “Tam sinh tam thế”, “Hãy nhắm mắt khi anh đến”, “Yêu em từ cái nhìn đầu tiên”… của các tác giả 8x Trung Quốc như Chu Ngọc, Đinh Mặc, Thượng Cẩm Hi….

Nhà văn Bùi Việt Thắng: Văn hóa nghe nhìn đang tỏ rõ sức mạnh cạnh tranh quyết liệt của mình với văn hóa đọc. Nhưng văn hóa đọc có đầu tiên và sẽ định vị đến cuối cùng. Sách cho con người tri thức và sức mạnh.

Trách nhiệm của người viết sách (nhà văn), của người làm sách (nhà xuất bản), của cơ quan chức năng quản lý nhà nước là cùng liên đới, cùng ra quân, hiệp đồng tác chiến, nhất định văn hóa đọc sẽ được chấn hưng. Câu châm ngôn “Mở một cuốn sách thấy một con người” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi chúng ta nói rộng ra “Văn học là diện mạo tinh thần của một dân tộc”.

Mỗi tác giả có từ 3 đến 5 tác phẩm được dịch thuật và chia làm nhiều tập. Còn chỗ dành cho sách văn học Việt Nam thì thường nằm rất khiêm tốn và ở sâu trong quầy sách. Chủ yếu là truyện ngắn, tản văn của một vài nhóm tác giả nhưng cũng bán lay lắt.

Trao đổi với một nhóm học sinh lớp 7 đang mua sách tại quầy sách Tân Việt (phố Đinh Lễ), một học sinh cho biết: “Lúc còn đi học thì mỗi tuần em được mua sách một lần, nghỉ hè thì em được nghiền sách thoải mái, mỗi tuần 4, 5 cuốn tiểu thuyết. Em thích sách ngôn tình hoặc ngôn tình trinh thám. Trong lớp em có khoảng hơn chục bạn đọc sách và chúng em thường trao đổi sách cho nhau để được đọc nhiều hơn. Đọc sách có thú vui là chúng em có thể thần tượng một nhân vật nào đó, cũng có thể “review” với nhau những cuốn sách mình đã đọc”.

Một học sinh khác cho biết hiện nay học sinh thích đọc nhất là ngôn tình Trung Quốc, sách Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thích nhưng nội dung khá “lành” và dài dòng cho nên không đủ kích thích. Còn sách văn học Việt Nam thì… chưa bao giờ động đến. Khi hỏi đến những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam như Dế mèn phiêu lưu ký, Gió lạnh đầu mùa, Truyện kiều, Vang bóng một thời… các em đều nói chưa đọc.

Còn các tác giả nổi tiếng của dòng văn học Việt như Chu Lai, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Trọng Phụng… thì các em chỉ nhớ mang máng vì “hình như đã học trong sách giáo khoa”.

Có thể nói, tình trạng thừa mà thiếu đang diễn ra trong lĩnh vực văn học. Khảo sát tại hiệu sách Trường Đại học sư phạm Hà Nội dễ dàng nhận thấy sinh viên ngành Văn chọn mua sách công cụ học tập như từ điển, giáo trình, sách tham khảo, sách môn học… nhiều hơn mua sách văn chương.

Một tiểu thuyết hạng khá của tác giả trong nước khi in ra cũng chỉ dám in 1.000 cuốn mà cũng phải bán lay lắt. Có thể nói nỗi sợ hãi của các nhà văn Việt hiện nay là tác phẩm của mình viết và in ra sẽ bị chìm lấp trong thế giới sách ngoại, thế giới mạng trước văn hóa đọc mang tính chất a dua của công chúng.

Nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng: “Lớp trẻ ngày nay chỉ chăm đọc những sách phục vụ cho việc học và thi của hàng mấy chục tín chỉ đè nặng trĩu lên vai. Có thời gian rỗi thì họ lướt mạng xã hội để giải trí, để tương tác, hoặc để xem những gì mình thích, mà sở thích của họ thì vô cùng tận. Nếu có dính dáng đến tí chút văn chương thì đọc sách ngôn tình, đam mỹ… Nhiều người đang lo lắng khi sách văn chương đang có nguy cơ trở thành “xa xỉ phẩm””.

Khó định hướng văn hóa đọc

Có một thực tế là sách hay chưa chắc bán chạy, sách hay mà bán chạy thì không nhiều vì kén người đọc. Sách bán chạy đơn thuần thì chỉ đáp ứng nhất thời những yêu cầu nào đó của một bộ phận độc giả. Sách bán chạy nghiễm nhiên trở thành “văn hóa đại chúng”. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, vấn đề định hướng trở nên ít rõ ràng và khó khăn hơn khi thực hiện. Vì sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đều mang tính cá nhân cao độ.

“Đời sống hiện nay ở ta đang diễn ra tình trạng mất phương hướng về lý tưởng sống, rối loạn lý tưởng thẩm mỹ đối với một bộ phận thanh niên nói riêng, cộng đồng nói chung. Tương tự trong văn hóa đọc, chúng ta đang đứng trước những thách thức không dễ dàng giải quyết trước tình trạng nhiễu loạn thẩm mỹ.

Một định hướng đúng về sách sống cũng như về cách ứng xử văn hóa là kết quả của một sự vận động tổng thể của nhiều phương diện: Cá nhân và xã hội, gia đình và xã hội, nhà trường và xã hội… không nên quy trách nhiệm về tình trạng xuống cấp văn hóa, trong đó có văn hóa đọc, cho bất kì một cá nhân nào mà nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng ấy để khắc phục.

Nói một cách khác, giới trẻ đang ở trong tâm thế hoang mang, mất phương hướng trên nhiều phương diện của đời sống, nhất là đức tin. Vì thế nếu có sự dao động trong cách tiếp cận và chiếm lĩnh sách và sách văn học như là biểu tượng của văn hóa, thì cũng không có gì là khó hiểu”, nhà văn Nguyễn Việt Thắng nói.

Nói “định hướng văn hóa đọc” nghe có vẻ to tát nhưng xét đến gốc rễ chính là nỗ lực duy trì và truyền cảm hứng cho công chúng đọc sách. Điều nguy hiểm nhất hiện nay, xét từ góc độ tâm lý xã hội, là con người dần đánh mất cảm hứng tích cực trong hoạt động. Việc “đọc nhầm” của độc giả hiện nay là khá phổ biến, do hậu quả của hoạt động đọc sách tự phát, thiếu sự hướng dẫn chuyên nghiệp. Sự nhầm lẫn này do cá nhân người đọc, nhưng cũng do quảng cáo, tiếp thị sách theo mục đích kinh doanh tràn lan, kích hoạt một số bộ phận người đọc “lệch pha”.

Văn hào Nga M. Gorky nói: “Quần chúng thưởng thức nghệ thuật cũng cần được giáo dục”. Rõ ràng là công chúng nghệ thuật hiện nay, trong đó có độc giả đang rất tự phát trong tiếp nhận văn học. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy một lúc nào đó sách văn học “nằm ngủ” trên giá, mình phủ đầy bụi. Tình trạng không kiểm soát được và có chiều hướng thả nổi việc in ấn xuất bản cũng như việc đọc là một thực tế nhãn tiền đáng báo động.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thi-truong-sach-tram-hoa-dua-no-goc-nhin-tu-van-hoa-doc-92680.html