Thị trường rung lắc vì cổ phiếu 'vua'

Ngân hàng, bất động sản, hàng không, sữa... là những mã cổ phiếu đang 'nóng' trên sàn chứng khoán, với lượng giao dịch khá lớn. Bởi vậy, những mã này tăng hoặc giảm, cũng khiến thị trường rung chuyển.

Nhà đầu tư nên thận trọng để tránh những thiệt hại không đáng có. Ảnh: Nguyễn Thắng

Quan sát để có quyết định hợp lý

Không còn đứng vững ở ngưỡng hơn 1.000 điểm, thị trường chứng khoán đã có những phiên đỏ sàn, với mức giảm của VN-Index có những lúc tới vài chục điểm. Thế nhưng, sự lao dốc của thị trường không nằm ngoài dự đoán, bởi đã có những phiên tăng quá nhanh, nếu không giảm sẽ dẫn tới nguy cơ “bong bóng”. Tuy giảm điểm trong nhiều phiên gần đây, song thị trường chứng khoán vẫn được đánh giá đang hoạt động tốt, nhờ sự có mặt của hàng loạt mã cổ phiếu lớn, có khả năng dẫn dắt, chi phối thị trường.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24-5, chỉ số VN-Index giảm 3,02 điểm (tương đương 0,31%) xuống 985,92 điểm; HNX-Index giảm 1,04 điểm (0,88%) xuống 117,07 điểm. Trước diễn biến đó, Công ty Chứng khoán SHS nhận định, tâm lý nhà đầu tư đang rất thận trọng, vì thị trường đã giảm từ trên mốc 1.200 điểm xuống dưới mốc 1.000 điểm chỉ trong vòng hơn một tháng.

Chưa dừng lại đà giảm điểm, ngày 28-5, thị trường chứng khoán tiếp tục có một phiên giảm mạnh trước đà lao dốc của hàng loạt các mã cổ phiếu niêm yết. Chốt phiên, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index lùi gần về ngưỡng 100 điểm khi giảm tới 7,05 điểm, tương đương 6,15%, xuống còn 107,44 điểm. Chỉ cần thêm một phiên sụt giảm mạnh như phiên này, mốc 100 điểm của HNX-Index cũng có thể bị "đe dọa". Còn trên sàn TP Hồ Chí Minh, màu đỏ tràn ngập khi chỉ số VN-Index mất tới 33,08 điểm, tương đương 3,43%, còn 930,82 điểm. Với 265 mã cổ phiếu "rớt" giá, chỉ có 40 mã tăng giá và 35 mã đứng giá, trong đó giảm giá chủ yếu là các mã "chủ chốt".

Lúc này, các chuyên gia nhận định, thị trường đang trong đợt suy giảm mạnh và đánh mất mọi thành quả có được kể từ đầu năm tới nay. Theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), giai đoạn trước, VN-Index tăng phần lớn do việc tăng giá của những cổ phiếu lớn. Nhưng, hiện tại, khi các mã cổ phiếu lớn giảm thì cũng kéo theo VN-Index giảm và đa số các cổ phiếu khác cũng giảm theo. Đây là lúc các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những cổ phiếu này. Các nhà đầu tư cá nhân nếu lướt sóng dựa vào dự đoán tăng giảm của thị trường, vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các cổ phiếu lớn, có thể tham gia đầu tư tại thị trường phái sinh.

Những mã cổ phiếu "vua"

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hưng, khi đầu tư vào cổ phiếu, ngoài việc dự đoán xu hướng tăng giảm của thị trường, của cổ phiếu, quan trọng nhất là nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp, tình hình tài chính, về ban lãnh đạo, lịch sử phát triển..., không nên đầu tư hay "tháo chạy" bởi những tin đồn, kiểu như lãnh đạo này lên, lãnh đạo kia xuống hay quỹ này mua vào, quỹ kia bán ra... "Đây là đầu tư chứng khoán chứ không phải là chơi chứng khoán" - ông Hưng nói.

Một điều dễ nhận thấy là một số mã cổ phiếu lớn có ảnh hưởng mạnh đến thị trường mỗi khi tăng giảm. Trong những mã cổ phiếu đang có mức vốn hóa lớn, một cái tên vừa mới xuất hiện, nhưng đã thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là VHM của Công ty cổ phần Vinhomes. Ngay từ khi chào sàn, mã cổ phiếu này đã được giao dịch với khối lượng lớn. Với việc niêm yết 2,68 tỷ cổ phiếu, mã cổ phiếu này góp phần nâng cao mức vốn hóa của toàn thị trường, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.

Một số mã cổ phiếu khác như cổ phiếu sữa Vinamilk (VNM), thép Hòa Phát (HPG), cổ phiếu bia Sabeco (SAB), chứng khoán SSI (SSI), khí PV Gas (GAS)… tiếp tục giữ vai trò là các cổ phiếu lớn, có thể dẫn dắt trên thị trường, mà sự tăng hay giảm của nó cũng có thể khiến thị trường chứng khoán "rung chuyển".

Một thông tin khác đáng chú ý là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) sắp lên sàn với mức giá chào bán 128.000 đồng/cổ phiếu dự báo cũng sẽ “làm mưa làm gió” trên thị trường. Với mức giá này, Techcombank chắc chắn sẽ có mặt trong top 10 vốn hóa lớn nhất trên sàn TP Hồ Chí Minh, sự biến động giá cổ phiếu Techcombank sẽ ảnh hưởng lớn đến VN-Index.

Theo nhận định của bộ phận phân tích SSI Retail Research của Công ty Chứng khoán SSI, tổng giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng chiếm 24% toàn sàn, nên trở thành nhóm ngành chính dẫn dắt tâm lý thị trường và gây nhiều ảnh hưởng lên các nhóm ngành khác. Xét về hoạt động kinh doanh, năm 2018 được dự báo là một năm thành công với ngành Ngân hàng.

Dự báo về những mã cổ phiếu sẽ tiếp tục tạo “sóng” trên thị trường, các công ty chứng khoán đều cho rằng, vốn hóa ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và có ảnh hưởng lớn tới VN-Index.

Ngoài ra, các mã cổ phiếu bất động sản cũng sẽ không kém hấp dẫn giới đầu tư, bởi kết quả kinh doanh của ngành bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện nhờ xu hướng tăng của giá đất cơ sở, số lượng các căn hộ bàn giao năm 2018 dự kiến tăng khoảng 27,9% so với năm 2017. Ngành này cũng sẽ tiếp tục thu hút lượng vốn FDI kỷ lục đi kèm với lượng khách du lịch bùng nổ. Bên cạnh nhóm ngành bất động sản, các nhóm ngành khác như du lịch, hàng không, hạ tầng cũng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chung-khoan/903242/thi-truong-rung-lac-vi-co-phieu-vua