Thị trường phát hành phim Việt Nam và nguy cơ thua ngay trên sân nhà

Thực tế 80% rạp và cụm rạp ở Việt Nam thuộc về những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng phim trong nước sản xuất bị đối xử không công bằng, thậm chí không được chiếu trong hệ thống các cụm rạp này. Khi phim Việt Nam khó khăn trong việc đến với công chúng thì nền điện ảnh nước nhà khó có cơ hội phát triển. Chưa kể, về lâu dài sẽ tác động tiêu cực đến bản sắc văn hóa cũng như khả năng tiếp nhận văn hóa của cộng đồng, nhất là giới trẻ.

Năm 2006, Luật Ðiện ảnh chính thức được ban hành. Từ đó, mọi hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh ở Việt Nam đã được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, hướng tới một nền điện ảnh phát triển, mở ra một giai đoạn mới cho các rạp chiếu phim tại Việt Nam. Nếu trước đây, cả nước chỉ có khoảng 100 phòng chiếu, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, được kiểm soát bởi các doanh nghiệp nhà nước, thì hiện nay nhiều đơn vị chiếu phim nước ngoài với quy mô lớn đang xâm nhập và chiếm lĩnh mảnh đất tiềm năng này. Theo số liệu của Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, hiện trên cả nước có khoảng 140 rạp và cụm rạp, với 630 phòng chiếu phim, 80% trong số đó thuộc các đơn vị chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số năm doanh nghiệp dẫn đầu và nắm giữ 98% thị phần chiếu phim Việt Nam là CGV Việt Nam, Lotte Cinema, BHD, Platinum, Galaxy, thì chỉ có hai doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước là Công ty cổ phần phim Thiên Ngân (với cụm rạp Galaxy Cinema), Công ty BHD (với cụm rạp Star Cineplex), và mỗi doanh nghiệp nắm giữ thị phần khiêm tốn dưới 10%. Trong khi đó, “ông lớn” CGV, doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc đang giữ tới 43% thị phần thị trường. Con số này còn có xu thế tăng lên khi mới đây đã chính thức có thông tin CGV sẽ thế chỗ nhiều cụm rạp của Platinum thuộc doanh nghiệp đến từ Indonesia (In-đô-nê-xi-a) vì làm ăn không hiệu quả. Năm 2018, doanh thu của CGV ở thị trường Việt Nam đạt 2.840 tỷ đồng. Ðối thủ của CGV tại thị trường chiếu phim Việt Nam chỉ có một cái tên cũng đến từ Hàn Quốc, đó là Lotte Cinema, hiện nắm giữ 30% thị phần. “Miếng bánh” kinh doanh điện ảnh hiện nay tại Việt Nam vì thế phần nào có thể xem là đang nằm trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước. Với ngành chiếu bóng, sự tham gia của các đơn vị nước ngoài trên thực tế đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi giúp người xem trong nước được thụ hưởng nhiều sự ưu việt về cơ sở hạ tầng tại các rạp chiếu, chất lượng và sự đa dạng các sản phẩm điện ảnh. Khán giả có nhiều lựa chọn hơn khi tới giải trí tại các rạp chiếu phim. Tiện nghi và sự hấp dẫn từ các chương trình chiếu phim đã biến các cụm rạp trở thành địa chỉ check-in (ghi tên khi đến) không thể thiếu vào các dịp cuối tuần, các ngày lễ, Tết với nhiều người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, đang xuất hiện một vấn đề và là nỗi băn khoăn lớn của các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất, phát hành phim tại Việt Nam, đó là trong cuộc cạnh tranh đưa phim vào rạp, vì mục tiêu lợi nhuận đã có dấu hiệu phim Việt Nam bị các doanh nghiệp chiếu phim gạt sang một bên. Thực tế, khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sở hữu các rạp chiếu thì họ có quyền đề ra những yêu cầu, điều kiện đối với nhà sản xuất phim nếu nhà sản xuất hay đơn vị phát hành phim không tuân thủ, chắc chắn bị loại ra khỏi hệ thống của họ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đầu tư với mục đích thâu tóm thị trường, để từ đó đặt ra những yêu cầu nhằm phục vụ cho mục đích riêng của mình, thậm chí đặt ra những yêu cầu phi lý thì đó lại là việc không còn bình thường. Chưa kể, tỷ lệ ăn chia giữa bên sản xuất với bên phát hành, chiếu phim hiện cũng đang là một vấn đề lớn khiến cho nhiều nhà sản xuất phim Việt Nam chùn bước khi quyết định đầu tư vốn làm phim. Hiện CGV áp đặt một tỷ lệ ăn chia như sau: nếu phim Việt Nam do CGV phát hành thì CGV được hưởng 55%, nhà sản xuất được 45%; nếu phim Việt Nam do doanh nghiệp khác phát hành chiếu trên hệ thống của CGV thì CGV vẫn được hưởng 55%, nhà phát hành 45%. Nhiều nhà sản xuất cho rằng, đây là tỷ lệ ăn chia không hợp lý, vì như vậy việc đầu tư làm phim của họ khó mà có lãi. Ðiều này giúp lý giải sự dè dặt của các nhà đầu tư trong nước trong việc làm phim. Trên một số diễn đàn về điện ảnh, một số nhà sản xuất chia sẻ, vì không thể cạnh tranh với các phim “bom tấn” của các hãng lớn nước ngoài, nên phim Việt Nam phải chịu nhiều thiệt thòi khi ra rạp. Nếu không đồng ý với tỷ lệ ăn chia như rạp chiếu muốn, thì còn lâu phim mới được chiếu ở các “khung giờ vàng”. Theo khảo sát thì khoảng thời gian từ 17 giờ đến 22 giờ hằng ngày, tối cuối tuần và các ngày lễ là thời điểm khán giả có nhu cầu xem phim nhiều nhất. Nhưng rạp phim thì có quyền xếp các suất chiếu về thời gian, cũng như ấn định số suất chiếu mỗi ngày. Do đó, việc sắp xếp này hoàn toàn có thể làm ảnh hưởng đến kết quả doanh thu của một bộ phim nào đó; dù phim hay đến đâu, nhưng nếu bị xếp các suất chiếu vào “khung giờ xấu”, thì chắc chắn sẽ thất bại về doanh thu.

Việc thị trường chiếu phim bị phụ thuộc và chịu sự chi phối của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường phim. Tiêu biểu tháng 4-2018, hai bộ phim Việt Nam được chờ đợi là “Lật mặt: Ba chàng khuyết” (Ðạo diễn Lý Hải) và “100 ngày bên em” (Ðạo diễn Vũ Ngọc Phượng) ra rạp. Dù lọt được vào hệ thống rạp chiếu lớn nhất nước, nhưng cả hai phim lại phải đối đầu với các phim “bom tấn” nước ngoài chiếu trong cùng thời điểm, như “Avengers: Infinity War” (Cuộc chiến vô cực), “A quiet place” (Vùng đất câm lặng) và hai phim hoạt hình hấp dẫn “Duck duck goose” (Ngỗng vịt phiêu lưu ký), “Charming” (Hoàng tử hào hoa). Dĩ nhiên trong trường hợp này, các phim nước ngoài được nhà rạp ưu tiên hàng đầu về các suất chiếu khung giờ tốt. Dù không muốn, phim Việt Nam vẫn phải ngậm ngùi nhận các suất chiếu bất lợi về khung giờ. Vì vậy, “Lật mặt: Ba chàng khuyết” dù đạt doanh thu 85 tỷ đồng, nhưng theo nhiều nhà chuyên môn đánh giá, nếu phim không bị “xử ép” trong một số khung giờ chiếu rạp thì doanh thu có thể còn lớn hơn. Như đạo diễn Lý Hải chia sẻ: “Các cụm rạp nước ngoài rất kén phim Việt Nam, họ chỉ chiếu phim bom tấn của thế giới. Phim Việt Nam nếu vào được rạp cũng bị ép suất chiếu lại, trừ những bộ phim mà họ cộng tác. Những khung giờ chiếu phim trong nước thường bị rơi vào 8 giờ, 9 giờ, 23 giờ. Ðấy là chưa kể suất chiếu phim rất thưa. Nhiều khán giả muốn xem phim Việt Nam nhưng đến rạp có khi phải đợi 2 đến 3 giờ đồng hồ mới có một suất chiếu, khó mà kiên nhẫn được. Chiếu như vậy thì doanh thu không thể tốt”. Phim “100 ngày bên em” (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng) hẩm hiu hơn khi doanh thu không được như kỳ vọng, nhà sản xuất phải chịu lỗ. Trước đó, vào năm 2016, phim “12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy” của đạo diễn này vốn được giới phê bình đánh giá cao, sau đó giành giải thưởng Ðạo diễn xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều Vàng, nhưng đã bị chính CGV từ chối thẳng thừng không cho chiếu trong hệ thống. Cuối năm 2016, tám nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam cùng gửi đơn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Hội Ðiện ảnh, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh khẳng định đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim tại rạp. Các nhà sản xuất này cũng tỏ ý lo ngại về việc các rạp chỉ tập trung chiếu phim nước ngoài sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam nói chung”.

Như vậy ở đây đang nổi lên hai vấn đề cần quan tâm: 1. Trong kinh tế thị trường và coi tác phẩm điện ảnh như một sản phẩm hàng hóa, các nhà sản xuất, bán hàng đều phải tuân theo quy luật thị trường. Và trong cuộc cạnh tranh sống còn này, mỗi doanh nghiệp phải tìm được cách đi cho phù hợp để tồn tại; 2. Về văn hóa thì mọi chuyện không đơn giản, bởi kinh doanh văn hóa là kinh doanh trong một lĩnh vực đặc thù với hàng hóa đặc biệt là tác phẩm nghệ thuật, nên không thể vì lợi nhuận mà coi nhẹ văn hóa.

Khi điện ảnh được đánh giá là thị trường tiềm năng, doanh thu 2.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng phim Việt Nam chiếu rạp chỉ chiếm khoảng 15% thị phần, với khoảng chục phim chật vật ra rạp, được chiếu trong những khung giờ ít người xem, nhất là trước nguy cơ rạp chiếu phim của các doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa hoặc bán lại cho các tập đoàn nước ngoài vì không thể cạnh tranh... thì thực tế đang đặt ra vấn đề là cần nhanh chóng có những giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy nền điện ảnh phát triển. Tất nhiên trước hết phải bằng việc giúp các nhà sản xuất phim trong nước tự khẳng định và cạnh tranh được với các phim nước ngoài sản xuất bằng chất lượng và sự ủng hộ của công chúng Việt Nam. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đã đến lúc cần có chính sách cụ thể của Nhà nước, bảo trợ cho các nhà sản xuất, phát hành, chiếu phim trong nước, để thị trường điện ảnh điều tiết hài hòa hơn, bảo đảm phim Việt Nam có cơ hội đến với khán giả nhiều hơn. Còn khi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh, thâu tóm thị trường phát hành phim mà thiếu cơ chế đòi hỏi sự cạnh tranh lành mạnh cũng như sự điều tiết thì chắc chắn sự ảnh hưởng đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nói riêng, của văn hóa dân tộc nói chung sẽ không nhỏ.

VŨ QUỲNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/40337702-thi-truong-phat-hanh-phim-viet-nam-va-nguy-co-thua-ngay-tren-san-nha.html