Thị trường ôtô Việt Nam tăng trưởng tốt nhất khu vực trong năm 2020

Trong năm 2020, thị trường ôtô Việt Nam có doanh số giảm 7,1% so với năm 2019. Đây là mức giảm thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Toàn nền kinh tế thế giới trải qua một năm nhiều biến động khi chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Nền công nghiệp ôtô khu vực ASEAN cũng không ngoại lệ. Trong năm 2020, thị trường xe mới có tỷ lệ sụt giảm doanh số kỷ lục, cao hơn cả năm 1997 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.

Sau 3 quý khó khăn, đặc biệt là quý II, thị trường ôtô Đông Nam Á đã ổn định trở lại ở quý cuối cùng của năm 2020. Nguyên nhân chính đến từ việc đa số các nước trong khu vực đã kiểm soát được dịch Covid-19 đi kèm các chính sách hỗ trợ từ chính phủ.

Toàn khu vực tăng trưởng âm trong năm 2020

Cả năm 2020, doanh số ôtô của 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á đạt hơn 2,46 triệu xe, giảm 28,5% so với con số 3,45 triệu xe ở năm 2019, theo số liệu của Asia Motor Business. Các thị trường này bao gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Singapore và Philippines.

Đây là mức giảm kỷ lục đối với thị trường ASEAN. Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, doanh số ôtô của thị trường ASEAN cũng chỉ giảm hơn 21%.

 Doanh số ôtô của 6 thị trường lớn nhất ASEAN giảm 28,5% trong năm 2020. Ảnh: Paultan.

Doanh số ôtô của 6 thị trường lớn nhất ASEAN giảm 28,5% trong năm 2020. Ảnh: Paultan.

Mức giảm doanh số kỷ lục của thị trường ASEAN ở năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tình hình dịch ở Đông Nam Á đã được kiểm soát từ quý III nên thị trường dần hồi phục.

Trong quý III/2020, doanh số ôtô của 6 thị trường lớn nhất Đông Nam Á đạt mốc 852.286 xe, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh số xe ở Thái Lan đã ổn định ở quý IV trong khi Việt Nam và Malaysia có bước hồi phục.

Thị trường lớn nhất của ASEAN là Thái Lan đạt doanh số 792.146 xe trong năm 2020, giảm 21,4% so với năm 2019. Một năm về trước, doanh số ôtô của Thái Lan đã vượt mốc 1 triệu xe. Xếp thứ 2 là Indonesia với doanh số 532.027 xe. Thị trường này có mức tăng trưởng thấp nhất khi giảm đến 48,4% doanh số so với năm 2019 (hơn 1,03 triệu xe).

Doanh số sụt giảm đến 21,4% nhưng Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất Đông Nam Á với 792.146 xe được bán ra. Ảnh: AFP.

Các quốc gia Singapore, Philippines và Malaysia có tỷ lệ giảm doanh số lần lượt là 47,7%, 31,5% và 12,4%.

Việt Nam có tỷ lệ sụt giảm doanh số thấp nhất khu vực

Theo số liệu của Asia Motor Business và Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), Việt Nam là quốc gia có "màn trình diễn" tốt nhất Đông Nam Á khi tỷ lệ sụt giảm doanh số xe chỉ dừng ở 7,1%, từ 305.562 xe ở năm 2019 xuống còn 283.983 xe ở năm 2020.

Trong đó, chiếm phần lớn là ôtô con với doanh số 215.908 xe, giảm 6% so với số lượng 229.539 xe được bán ra trong năm 2019. Mức giảm khá thấp của thị trường ôtô Việt bên cạnh khả năng khống chế đại dịch, còn đến từ những chính sách thích ứng kịp thời, tiêu biểu là ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất và lắp ráp trong nước.

Nhờ chính sách kịp thời, thị trường ôtô Việt Nam có tỷ lệ sụt giảm thấp nhất khu vực.

Trong 2 quý đầu năm 2020, thị trường ôtô Việt Nam ghi nhận doanh số thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 6/2020, doanh số cộng dồn ôtô đạt 74.638 xe, giảm đến 32% so với cùng kỳ năm 2019, theo báo cáo của VAMA.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp không chỉ làm nhu cầu mua xe suy giảm mà còn khiến nguồn cung bị ảnh hưởng khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng hoặc ngừng hoạt động.

Trước khó khăn đó, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước (CKD), áp dụng từ cuối tháng 6 đến hết năm 2020. Trước đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch từ tháng 5, sau hơn một tháng thực hiện giãn cách xã hội.

Nhờ 2 nguyên nhân này, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được kích cầu đáng kể. Doanh số ôtô được cải thiện khi nhu cầu mua xe dần ổn định và tăng dần ở quý III và đạt đỉnh ở cuối quý IV.

Ảnh: Hoàng Tuấn.

Trong tháng 12, tổng lượng xe du lịch bán ra ghi nhận bởi VAMA là 36.123 chiếc, TC Motor đạt 13.306 xe và VinFast đạt hơn 4.500 xe - đều vượt trội so với các tháng trước đó. Doanh số cộng dồn cả năm 2020 của các thương hiệu Mazda, Kia, Toyota và Hyundai được ghi nhận lần lượt là 32.224 xe, 39.180 xe, 70.692 xe và 81.368 xe.

Sau khi Nghị định 70 được áp dụng, hưởng lợi nhiều nhất là Hyundai, Kia, Mazda và VinFast - các hãng xe lắp ráp trong nước. Ôtô nhập khẩu gặp bất lợi kép về chính sách ưu đãi phí trước bạ và nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hyundai là hãng xe có doanh số cao nhất trong năm 2020, đẩy Toyota xuống vị trí thứ 2. Ảnh: Việt Linh.

Để thích nghi, các hãng bắt đầu tung ra các chính sách khuyến mại riêng. Phổ biến nhất là hỗ trợ 50% phí trước bạ, tương tự các mẫu xe lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, các đại lý cũng áp dụng thêm các gói khuyến mại phụ kiện hoặc trừ thêm vào giá xe.

Nhờ vậy, người tiêu dùng được hưởng lợi khá nhiều khi phần lớn ôtô ở thời điểm đó đều đi kèm ưu đãi 50% phí trước bạ, tiết kiệm hàng chục triệu đồng.

Thượng Tâm

Nguồn: Nikkei, Asia Motor Business, VAMA

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-oto-viet-du-giam-van-tang-truong-tot-nhat-asean-nam-2020-post1190937.html