Thị trường ô tô trong nước giữ đà phục hồi nhẹ nhờ ưu đãi, giảm giá

Theo báo cáo mới công bố ngày 11-8 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường xe trong nước tiếp diễn đà phục hồi sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh vừa qua.

Xe mới ra mắt hàng loạt, giá giảm mạnh nhờ ưu đãi đã kéo khách hàng trở lại các phòng trưng bày ô tô trong tháng qua.

Sức mua tăng nhẹ ở mọi nhóm sản phẩm

Theo đó, đã có 24.065 xe ô tô các loại tới tay người tiêu dùng, trong đó có 17.593 xe du lịch, 6.133 xe thương mại và 339 xe chuyên dụng. Cả ba nhóm xe này đều tăng trưởng nhẹ trong tháng 7-2020, lần lượt cải thiện 0,1%, 0,4% và 10% so với tháng trước đó.

Có thể thấy, mặc dù nếu tính cộng dồn, tổng số ô tô tới tay người tiêu dùng trong nước của VAMA từ đầu năm tới nay vẫn sụt giảm tới 28% so với 7 tháng của năm ngoái, nhưng khoảng cách đang dần được thu hẹp. Trong đó, mức chênh lệch doanh số của tháng 7 chỉ còn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2019 (thay vì 11% như tháng 6).

Theo giới chuyên môn, doanh số ô tô có thể duy trì tăng trưởng dương bất chấp giá vàng tăng phi mã trong khi diễn biến dịch bệnh còn phức tạp bắt nguồn từ việc các nhà sản xuất đã có nỗ lực đáng kể trong việc kích thích tiêu dùng.

Bên cạnh việc ra mắt hàng loạt xe mới (chỉ riêng trong tháng 7 đã có Honda CR-V 2020, KIA Seltos, Toyota Corolla CROSS, Mitsubishi Xpander Cross 2020…), hàng loạt các ưu đãi mạnh tay cũng được tung ra với nhiều yếu tố chưa từng có tiền lệ.

Xe lắp ráp trong nước lên ngôi

Xu thế đáng chú ý của tháng 7 vừa qua là việc doanh số xe lắp ráp trong nước CKD đạt 16.088 xe (tăng 2%), trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc CBU là 7.977 xe (giảm 2%). Đây là mức chênh lệch lớn hơn so với những tháng trước đó. Nguyên nhân lớn nhất nằm ở việc phí trước bạ đối với xe CKD đã được giảm tới 50%, khiến nhiều người quyết tâm “xuống tiền”.

Trong khi đó, dịch bệnh đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, khiến nhiều thương hiệu chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh xe lắp ráp trong nước nhằm tận dụng hàng loạt lợi thế mới.

Trong tháng 7, Honda, Mitsubishi… đều công bố lắp ráp thế hệ mới của các dòng xe chiến lược như CR-V hay Xpander. Ngay cả MG (hãng xe Anh thuộc sở hữu của tập đoàn ô tô Trung Quốc SAIC) tuy mới ra mắt lần đầu tại Việt Nam nhưng không giấu kế hoạch chuyển sang lắp ráp tại chỗ sớm nhất có thể.

Honda chuyển sang lắp ráp trong nước đối với dòng xe bán chạy nhất của mình là CR-V kể từ tháng 7-2020.

Nhiều nguy cơ từ “tháng Ngâu”

Mặc dù trên đà tiến, thị trường ô tô trong nước sẽ sớm đối mặt làn sóng rủi ro mới trong bối cảnh chỉ còn ít tuần nữa là tháng Ngâu sẽ tới. Đây là giai đoạn chứng kiến doanh số sụt giảm mạnh hằng năm, chủ yếu do tâm lý người tiêu dùng không muốn nhận xe. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, nhiều nhà sản xuất đã tìm mọi cách giúp khách hàng mua xe nhằm có được kết quả kinh doanh tháng tốt hơn.

Trong tháng 8 dương lịch, Nissan giảm giá cho Sunny tới 20 triệu đồng và tặng nhiều quà ưu đãi; trong khi Mazda giảm giá CX-8 xuống còn 999 triệu đồng, giảm giá CX-5 còn 819 triệu đồng; Land Rover (trừ Defender) hay Jaguar (trừ F-Type) tặng một năm bảo hiểm thân vỏ miễn phí...

Nhiều mẫu xe mới thuộc thế hệ cũ cũng được giảm giá mạnh nhằm đẩy hàng tồn kho, như Ford giảm giá mẫu Everest đời 2019 bản hai cầu Titanium với mức dao động trong khoảng 160-200 triệu đồng/xe - gấp đôi con số trước đây.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/975535/thi-truong-o-to-trong-nuoc-giu-da-phuc-hoi-nhe-nho-uu-dai-giam-gia