Thị trường nông nghiệp ĐBSH: Trái cây được mùa, giá thấp

Năm nay thời tiết khá thuận lợi, các loại cây trái từ vải, nhãn, đến chuối… đều rất sai quả. Tuy nhiên, cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, trái cây đang trong tình trạng được mùa, giá thấp. Điều này ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của người dân.

Hà Nam: Trái cây được mùa, giá thấp

Tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên), một trong những vùng trồng chuối chuyên canh của tỉnh Hà Nam, với diện tích gần 50ha, gần như cây chuối nào cũng rất sai buồng. Các loại chuối tiêu hồng, chuối tây đều đang cho thu hoạch buồng, nhưng giá bán chỉ bằng 40 - 50% so với trước. Một buồng chuối tiêu loại to, nặng 20 - 25 kg chỉ bán được khoảng 100 nghìn đồng, lượng tiêu thụ cũng không được nhiều do đầu ra hạn chế.

Cũng như chuối, vụ nhãn năm nay sẽ được mùa lớn. Gần như tất cả các cây nhãn đều rất sai quả, đa phần đều cao gấp 1,5 - 2 lần so với những vụ trước. Ước tính, sản lượng nhãn năm nay trên địa bàn tỉnh Hà Namkhá lớn, nhất là tại những vùng trồng nhãn trọng điểm ở Duy Tiên, Lý Nhân và vùng đồi Kim Bảng…

Với các loại nhãn sớm và muộn, giá bán không hạ nhiều, nhưng nhãn chính vụ chiếm phần lớn sản lượng đang có nguy cơ giá rất thấp. Những vụ trước, vào thời điểm này, thương lái đã đến mua non cả vườn cho người dân. Tuy nhiên, năm nay việc mua nhãn sớm gần như không có, đa phần các vườn nhãn đều phải chờ đến khi thu hoạch.

Qua tìm hiểu được biết, do nhãn năm nay sai quả, các đại lý thu mua chờ đến thời điểm thu hoạch xem chất lượng thực tế mới trả giá. Với những người có kinh nghiệm trong trồng và kinh doanh nhãn dự đoán, khả năng nhãn chính vụ chỉ đạt bình quân 4 - 5 nghìn đồng/kg, bằng khoảng 30% giá bán vụ trước.

Thu hoạch nhãn. (Ảnh: Internet)

Nhãn năm nay được dự báo chất lượng không cao do lượng quả quá sai, người dân có tâm lý chán nản khi không thấy người hỏi mua nên đã không chăm sóc vào giai đoạn nhãn đang vào nước. Xã Văn Lý (Lý Nhân) có dặng nhãn hoa lợi công sản những năm trước bán được 7 - 8 triệu đồng tiền quả. Năm nay trước tình hình nhãn được mùa và giá xuống thấp, xã hạ xuống 3 triệu đồng, nhưng chưa có ai hỏi mua.

Cần phải nhìn nhận việc được mùa, rớt giá của nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng đều có nguyên nhân của nó. Trong đó nổi lên là việc người dân trồng tự phát không theo quy hoạch. Như với cây chuối tại xã Mộc Bắc ban đầu có một, hai hộ trồng thấy có thu nhập, sau đấy nhiều hộ đã làm theo. Việc chuyển đổi sang trồng chuối ồ ạt, chỉ tính riêng đất lúa trồng chuối tại Mộc Bắc khoảng 15 ha (diện tích còn lại trên đất bãi). Điều này dẫn đến lượng sản phẩm lớn, cung vượt cầu vào thời điểm thu hoạch dễ làm giảm giá bán.

Cũng như cây chuối, với cây nhãn, cây bưởi đang được trồng nhiều trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đều do người dân tự phát làm, chưa theo quy hoạch vùng sản xuất. Trong khi đó đầu ra cho sản phẩm trái cây của tỉnh vẫn hoàn toàn dựa vào thị trường tự do. Chính vì thế, giá bán cũng phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch và lẽ tất nhiên chuyện "được mùa mất giá, mất mùa được giá" là chuyện dễ hiểu vì cung vượt cầu.

Hưng Yên: Hứa hẹn bội thu nhãn sạch

Theo nhận định của ngành chuyên môn, sản lượng nhãn năm nay của thành phố Hưng Yên ước đạt 15 nghìn tấn, tăng 6,8 nghìn tấn so với vụ nhãn năm 2017. Được mùa nhưng nhiều người trồng nhãn không khỏi lo lắng về giá bán và khả năng tiêu thụ khi mùa thu hoạch nhãn tới.

Thông thường vào thời điểm này những năm trước, tại các vùng trồng nhiều nhãn của thành phố Hưng Yên như: Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng… đã tấp nập thương lái tới giao dịch, mua bán. Thế nhưng năm nay tại hầu hết các vườn nhãn không khí vẫn rất yên ắng, chỉ có một lượng nhỏ khách hàng tới chọn mua nhãn “non” với giá rẻ chỉ bằng 50% so với giá bán những năm trước.

Khác với các vườn nhãn canh tác đại trà, những hộ trồng nhãn theo quy trình sản xuất nhãn an toàn (VietGAP) vẫn tin tưởng vào vụ nhãn được mùa, được giá. Không tấp nập, ồn ào nhưng hầu hết các vườn nhãn này đã được những khách hàng là siêu thị, cửa hàng kinh doanh hoa quả sạch tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… liên hệ đặt hàng.

Thành phố Hưng Yên có trên 54ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP và đang làm thủ tục để cấp chứng nhận cho hơn 30ha khác.

Ông Nguyễn Văn Oanh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, cho biết: “Thành phố Hưng Yên là vùng trồng nhãn lớn của tỉnh với nhiều giống, dòng nhãn có chất lượng cao. Để sản phẩm đầu ra bảo đảm chất lượng, những năm qua, thành phố thường xuyên tuyên truyền, tập huấn để người dân sản xuất nhãn an toàn, hiệu quả. Từ khi một số vườn nhãn của thành phố Hưng Yên được cấp chứng nhận VietGAP, việc xúc tiến tiêu thụ nhãn được đẩy mạnh. Nhờ vậy, nhãn lồng Hưng Yên đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch của các thị trường lớn trên cả nước, thậm chí đã được xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, mặc dù nhiều người trồng nhãn đang lo lắng về đầu ra cho quả nhãn năm nay thì những người trồng nhãn VietGAP ở thành phố Hưng Yên vẫn vững tin vào một mùa nhãn bội thu”.

Ảnh minh họa. (Internet)

Ảnh minh họa. (Internet)

Bắc Ninh: Tập trung phát triển giống thủy sản

Từ đầu năm đến nay, giá cá thương phẩm tại Bắc Ninh nhìn chung ổn định (riêng cá rô phi và cá điêu hồng có giá bán cao hơn năm 2017 từ 10.000 - 20.000đ/kg) tạo khí thế cho người nuôi trồng thủy sản.

Các đơn vị sản xuất giống tích cực cho sinh sản nhân tạo và ương nuôi các giống cá trong thời tiết thuận lợi, đáp ứng tốt nhu cầu của người nuôi. Kết quả, toàn tỉnh sản xuất được 165,1 triệu con giống các loại (cá bột đạt 91,6 triệu con, cá hương đạt 41,7 triệu con, cá giống đạt 31,8 triệu con), đạt 70,26% kế hoạch năm 2018, không chênh lệch nhiều so cùng kỳ.

Nhờ nguồn giống ổn định, các hộ tích cực nuôi trồng thâm canh được 5.234ha trong ao đất, 1628 lồng cá trên sông, tổng sản lượng thủy sản đạt 20.640 tấn, đạt 54,1% so kế hoạch 2018.

Công ty cổ phần MTT Việt Nam, xã Nam Sơn, TP. Bắc Ninh là một trong những cơ sở có sản lượng cá giống lớn nhất trên địa bàn tỉnh

.

Hải Dương: Ngừng xuất khẩu vì thiếu hành, tỏi nguyên liệu

Hiện nay, cơ sở thu mua hành tỏi Thư Mùi, một trong những cơ sở thu mua, sơ chế hành, tỏi lớn ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách - Kinh Môn, Hải Dương) không có hành, tỏi để sơ chế xuất khẩu sang các thị trường Indonesia và Đài Loan (Trung Quốc). Nguyên nhân do vụ vừa qua cơ sở không thu mua được nhiều hành, tỏi của nông dân trong tỉnh để bảo quản xuất khẩu dần. Hiện hành và tỏi khô, nông dân chủ yếu để làm giống, không bán nên doanh nghiệp khó mua.

Vào vụ hành, tỏi, cơ sở thu mua từ 30-40 tấn mỗi ngày cho nông dân các huyện Nam Sách và Kinh Môn. Phần lớn số hành, tỏi này được xuất sang Mỹ, Đài Loan và cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Nam.

Hành, tỏi được xuất khẩu sẽ mở ra cơ hội mới cho nông dân Nam Sách, Kinh Môn. (Ảnh: Internet)

Thanh Hóa: Phát triển cây rau má thành sản phẩm hàng hóa

Gần đây, một số mô hình trồng rau má quy mô, bài bản và đã biến cây rau má thành sản phẩm hàng hóa, mở ra triển vọng phát triển những vùng trồng rau má “Made in Thanh Hóa”, góp phần nâng cao giá trị kinh tế ngành trồng trọt.

Vượt khỏi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, anh Phạm Văn Mư, xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phát triển vùng trồng rau má hàng hóa tới gần 2ha và đang tiếp tục mở rộng. Một vùng rau má xanh rì, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã thay thế hoàn toàn cỏ dại ở cánh đồng Móng Cá trong xã, mà cách đây hơn 2 năm, bị nhiều hộ bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Nói về duyên cơ với cây rau má, anh Mư chia sẻ: Một lần vào xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế), tôi thấy mô hình trồng rau má hàng hóa gắn với công nghệ chế biến rau má tại chỗ rất hiệu quả kinh tế. Khi về quê, tôi chứng kiến nhiều khu ruộng bị bỏ hoang, thân ruộng cao, đất tốt, thích hợp với trồng rau má nên nghĩ cách thuê lại để phát triển rau má. Biết trồng rau má không quá khó, song khó khăn nhất là thị trường tiêu thụ nên tôi trồng thử nghiệm vài luống nhỏ, đi từng hàng ăn ở thị trấn Ngọc Lặc và TP Thanh Hóa để đặt vấn đề nhập cho họ hàng ngày.

Bước ngoặt tiếp theo đến với anh Mư là gặp được một số chủ trang trại trồng và thu gom rau má đang sinh hoạt tại Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, ký được hợp đồng bao tiêu để đưa đi Hà Nội, nhập cho một nhà máy chế biến trà rau má sấy khô (dạng như trà Líp-tông)ở huyện Quốc Oai. Chỉ hơn 1 tháng, cây rau má ta ở đây đã cho thu hoạch 1 lứa, lần thu hoạch nhiều tới 2,3 tấn, thu về hàng chục triệu đồng.

Sản phẩm rau má của chàng trai xứ Mường, xã Thúy Sơn đang giữ được uy tín với khách hàng bởi khâu sản xuất hoàn toàn “sạch”. Theo lời anh Mư, trước khi trồng, bón phân chuồng hoai mục, trong quá trình sinh trưởng chỉ tưới nước giếng khoan, không phun bất cứ loại chất kích thích hay bón loại phân hóa học nào.

Cây rau má xứ Thanh đã trở thành sản phẩm hàng hóa - tuy mô hình sản xuất còn ít, vẫn còn mang tính tự phát, song nó đã mở ra gợi ý để phát triển thay thế nhiều cây trồng kém giá trị kinh tế ở nhiều vùng quê trong tỉnh.

Phát triển trồng rau má thành sản phẩm hàng hóa. (Ảnh: Internet)./.

Thanh Tâm Tổng hợp

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/thi-truong-nong-nghiep-dbsh-trai-cay-duoc-mua-gia-thap-post20838.html