Thị trường nội địa nơi - cứu cánh cho doanh nghiệp

Từ trước đến nay, thị trường nội địa luôn được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của doanh nghiệp. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh doanh, sản xuất…thì thị trường nội địa lại trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp. Qua đó, tạo động lực để doanh nghiệp phát triển và mở rộng thị trường trong nước. Một trong những thị trường tiềm năng, mà trước đó nhiều doanh nghiệp từng đã 'bỏ quên'.

Lực đẩy từ thị trường nội địa

Thị trường nội địa được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của doanh nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày).

Thị trường nội địa trở thành điểm sáng cho doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn dịch Covid-19 (ảnh: Đ.Đ)

Thị trường nội địa trở thành điểm sáng cho doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn dịch Covid-19 (ảnh: Đ.Đ)

Với tốc độ như hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn, mà còn chất lượng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng các nguồn lực hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn.

Với dân số lên đến gần 100 triệu dân, thị trường Việt Nam luôn được xem là “miếng bánh ngon” được các doanh nghiệp nước ngoài nhòm ngó. Theo thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 450,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt 356,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% và tăng 11%.

Tính chung 10 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.123 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 3%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng đạt 3.263,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,1% tổng mức và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ số tăng duy nhất trong các yếu tố của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cho thấy bán lẻ hàng hóa tiếp tục là một trong những động lực quan trọng, không chỉ góp phần cho tăng trưởng thị trường nội địa, mà còn đóng góp quan trọng cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước trong năm cực kỳ khó khăn này.

Cũng như các nước trên thế giới, thị trường Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động suy thoái từ đại dịch Covid-19, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu…Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp phân phối, doanh thu từ thị trường nội địa vẫn tăng trưởng tốt. Đặc biệt, thời gian qua hàng loạt các chương trình kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến giữa các vùng miền tại Hà Nội và trên cả nước vẫn được tổ chức đều đặt, đã tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tìm lại được thị trường nội địa, từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt và phát triển trong tương lai.

Chia sẻ về cơ hội từ các chương trình kết nối giao thương, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị GO/Big C của tập đoàn. Từ đó, Big C sẽ tìm kiếm thêm được nhiều nhà cung cấp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa đặc sản vùng miền ngày càng tăng cao của người tiêu dùng, từ đó gia tăng doanh thu. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, Hợp tác xã kết nối với Big C để đưa các sản phẩm nông sản địa phương vào bày bán tại hệ thống siêu thị của Big C lâu dài và ổn định.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường nội địa, theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiêp vừa và nhỏ Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung của dịch Covid-19, thị trường nội địa chính là cứu cánh cho doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai và trở thành nền tảng để doanh nghiệp phát triển, tấn công sang các thị trường ngoài nước.

Đảm bảo cân đối cung, cầu trong nước

Có thể thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, không chỉ có các nhà phân phối tăng cường triển khai kết nối cung, cầu…mà có rất nhiều doanh nghiệp Việt trước đây vốn chỉ có thế mạnh về xuất khẩu, thậm chí là “đại gia” trên thị trường xuất khẩu, nay cũng đã có những hướng đi mới để quay trở lại thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây, nông sản) sang thị trường Mỹ, châu Âu…cho biết, thị trường trong nước người tiêu dùng còn chưa có nhiều thuận lợi trong tiếp cận, hưởng lợi từ các sản phẩm cao cấp. Và đây chính là lý do doanh nghiệp muốn quay trở lại thị trường nội địa, mang sản phẩm đạt chuẩn cung cấp cho nhu cầu của người dân. Đồng thời, bù đắp một phần doanh thu khi xuất khẩu gặp khó…

Cùng với việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quay trở lại thị trường nội địa, đặc biệt, luôn xác định tầm quan trọng của thị trường nội địa, bên cạnh việc trú trọng kết nối giao thương, tìm kiếm phát triển thị trường ngoài nước. Do đó, việc tăng cường kết nối giao thường, kích cầu tiêu dùng đối với thị trường trong nước là một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương sẽ triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới. Và để thực hiện những giải pháp đồng bộ đó, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành Chỉ thị số 15 /CT-BCT về việc, thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán 2021 nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã và đang triển khai và thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước dưới các hình thức phù hợp như khuyến mại, giảm giá bán… và các biện pháp phù hợp khác hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Song song với đó, Bộ Công Thương cũng xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc điểm tình hình mới. Tăng cường công tác quản lý đối với giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử lớn, xây dựng các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây thiệt hại lợi ích người tiêu dùng. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước…

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thi-truong-noi-dia-noi-cuu-canh-cho-doanh-nghiep-115712.html