Thị trường ngũ cốc toàn cầu biến động mạnh do nhu cầu của Trung Quốc

Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc do chăn nuôi lợn phục hồi trong khi sản lượng ngô nội địa thiếu hụt, đang định hình lại thị trường ngũ cốc toàn cầu.

 Giá ngô ở Trung Quốc tăng cao kỷ lục do thiếu hụt lớn so với nhu cầu. Ảnh: TL.

Giá ngô ở Trung Quốc tăng cao kỷ lục do thiếu hụt lớn so với nhu cầu. Ảnh: TL.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, những người chăn nuôi lợn và các nhà giao dịch của Trung Quốc đang đẩy mạnh tìm kiếm ngũ cốc từ nước ngoài do sự thiếu hụt trong nước khiến giá ngô của Trung Quốc leo lên mức cao kỷ lục.

Hoạt động thu mua ngũ cốc ồ ạt đã khiến Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, phá vỡ các kỷ lục trước đó và đánh dấu sự thay đổi lớn trong hình ảnh của Trung Quốc, vốn được biết đến là một quốc gia khá vững vàng về khả năng tự cung tự cấp ngũ cốc. Việc đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc cũng đang định hình lại thị trường ngũ cốc toàn cầu và có thể sẽ thúc đẩy tình trạng lạm phát lương thực trên thế giới trong năm 2021.

Các nhà phân tích và giới đầu tư quốc tế cho biết, việc đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc và những khó khăn mà các nước sản xuất ngũ cốc chủ chốt khác đang gặp phải đã góp phần khiến giá ngô, lúa mì và lúa mạch trên toàn cầu tăng mạnh. Điều này có thể gây ra những cú sốc đối với các ngành sản xuất vốn dựa nhiều vào nguồn cung ngũ cốc trong những tháng tới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong năm 2020/21 sẽ tăng lên mức kỷ lục 24 triệu tấn do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước này tăng mạnh khi đàn lợn được hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi.

Lâu nay, lúa mì và gạo ở Trung Quốc chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng lương thực. Nhưng giá ngô tăng cao đang khiến cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đẩy mạnh sử dụng lúa mì và gạo làm thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc vì sự sẵn có của các loại ngũ cốc này.

Dự báo việc sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi trong năm 2020/21 ở Trung Quốc sẽ ở mức kỷ lục 30 triệu tấn, cao hơn 10 triệu tấn so với niên vụ trước, do khối lượng đấu giá kỷ lục của lúa mì nội địa và sản lượng thức ăn hỗn hợp cao hơn.

Giá ngô cao đã thúc đẩy khối lượng đấu giá lúa mì ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, với hơn 12 triệu tấn được báo cáo đã được bán hết trong tháng 1. Kể từ tháng 12/2020, lần đầu tiên giá lúa mì ở Trung Quốc có xu hướng thấp hơn giá ngô trong hơn 6 năm (dựa trên giá giao ngay trung bình hàng tháng của cả nước).

Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc cũng đang tăng và đã tăng tháng thứ 6 liên tiếp lên 10 triệu tấn, mức cao nhất trong hơn 25 năm. Mặc dù hầu hết lúa mì nhập khẩu được phân bổ cho nhu cầu tiêu dùng của con người, nhưng do giá nhập khẩu tương đối thấp so với giá ngô nội địa của Trung Quốc, khiến cho lúa mì trở nên hấp dẫn để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía nam của nước này.

Do giá cao hơn so với các loại ngũ cốc khác, nên gạo không được sử dụng rộng rãi trong thức ăn chăn nuôi. Nhưng một số nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng gạo trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi, nhất là khi giá ngô tăng cao đã thu hẹp khoảng cách giữa giá ngô và giá gạo.

Trung Quốc đã bán đấu giá gạo từ các kho dự trữ nhà nước với giá thấp để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Trong tháng 2/2021, tiêu thụ gạo ở Trung Quốc tăng 1,5 triệu tấn, với phần lớn nhu cầu bổ sung vảo sản xuất thức ăn chăn nuôi. Để đảm bảo sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, gạo phải được nghiền bởi một doanh nghiệp nhà nước và trộn 85% gạo với 15% lúa mì. Thức ăn làm từ gạo có thể được sử dụng cho gia cầm, do tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực chăn nuôi này đang được thu hẹp.

Nhu cầu đối với gạo giá rẻ ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhập khẩu cao hơn trong những tháng gần đây, đặc biệt là từ Myanmar và Pakistan. Ngoài ra, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ, được cho là để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Với việc sử dụng thức ăn chăn nuôi trong nước của Trung Quốc đang tăng lên, đặc biệt là đối với gạo cũ từ nguồn dự trữ nhà nước, xuất khẩu gạo của Trung Quốc sang các thị trường nhạy cảm dự kiến sẽ giảm.

Việc mở rộng sử dụng lúa mì và gạo làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc được cho là một giải pháp ngắn hạn cho nhu cầu mạnh mẽ hiện nay nhưng không được kỳ vọng sẽ tồn tại trong dài hạn. Tình hình hiện nay chỉ có thể thực hiện được nếu lúa mì và gạo được tung ra thị trường với số lượng đủ lớn và giảm giá đáng kể đối với ngô. Khi lượng dự trữ cũ bị giảm, việc sử dụng hai loại ngũ cốc này làm thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc có thể sẽ giảm đi.

Sơn Trang

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thi-truong-ngu-coc-toan-cau-bien-dong-manh-do-nhu-cau-cua-trung-quoc-d284733.html