Thị trường ngách: Cơ hội của ngành công nghiệp hàng không Việt

Thâm nhập vào thị trường ngách được cho là bước đi hiệu quả hơn đối với ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam.

GS. TSKH Nguyễn Đức Cương, chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA) đánh giá cao và cho rằng, thông tin, đại diện Boeing cho biết đã làm việc với một số đối tác Việt Nam cung ứng cửa cho máy bay 777 sẽ là cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, vị GS phải thừa nhận, "Việt Nam khó chen chân được vào thị trường chế tạo máy bay truyền thống". Ông nói rõ, chúng ta không thể cạnh tranh được với các "ông lớn" có vốn lớn, nền KHCN phát triển và có kinh nghiệm chế tạo máy bay hàng trăm năm nay. Do đó, thâm nhập vào thị trường ngách được cho là bước đi hiệu quả hơn đối với ngành công nghiệp hàng không của Việt Nam.

Từ nhận định trên, GS. TSKH Nguyễn Đức Cương đã cùng đồng nghiệp bắt tay nghiên cứu và cho ra một sản phẩm được coi là sản phẩm ngách đầu tiên có thể giúp Việt Nam có cơ hội trong phát triển công nghiệp chế tạo các phương tiện bay. Nhân sự kiện, Công báo "Sở hữu công nghiệp" đã công bố đơn sáng chế "Hệ thống vận chuyển trên không tốc độ chậm có điều khiển" của Hội Hàng không –Vũ trụ Việt Nam (VASA), báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, chủ tịch VASA, đồng thời là đồng tác giả của sáng chế này.

GS. TSKH Nguyễn Đức Cương, chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam (VASA)

PV:- Thưa ông, vì sao ông lại cho rằng, sản phẩm ngách mới là thế mạnh và là con đường gần hơn, dễ đi hơn để Việt Nam tiếp cận với ngành công nghiệp chế tạo hàng không? Theo ông, sản phẩm vừa công bố có những đặc điểm gì khác biệt khiến ông tự tin vào lựa chọn của mình? Xin ông chỉ rõ.

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương:- Trước hết, tôi xin nhấn mạnh, hệ thống vận chuyển được đề xuất không hề có ý định cạnh tranh về tốc độ hay độ cao, …
Chúng tôi nhằm vào thị trường ngách, cụ thể là chở khách du lịch ngắm cảnh từ trên cao. Rõ ràng khách du lịch ngắm cảnh từ trên cao không cần tốc độ lớn (hàng nghìn km/h), độ cao lớn (hàng chục km), nhưng họ cần an toàn, tiện nghi tốt và giá rẻ.

Hầu hết các điểm du lịch lại có mặt nước, trong khi hệ thống vận chuyển trên không, có tốc độ chậm, được điều khiển” (xem hình vẽ) kết hợp cả 4 yếu tố: sử dụng khí cầu chứa khí nhẹ để tạo lực nâng (không mất năng lượng); sử dụng phương tiện kéo trên mặt nước (đảm bảo hành trình mong muốn, ít bị gió ảnh hưởng, trên khí cầu không phải có hệ thống động lực tương ứng); hệ thống điều khiển thông minh như quadrotor/flycam (đảm bảo ổn định, không bị chao đảo) và cơ cấu dây kéo có điều khiển (chống dật cục).

Có thể thấy, sáng chế đã đề xuất một phương tiện bay mới, với tỷ lệ tải có ích tăng rất nhiều, đảm bảo tiện nghi cho khách du lịch, giá rẻ, phù hợp phục vụ cho số đông khách tham quan, du lịch.

Còn hỏi vì sao chúng tôi lựa chọn sản phẩm này, tôi sẽ nói ngay vì tính hữu ích, tiết kiệm và hiệu quả kinh tế cao.

Nếu theo tính toán của chúng tôi, dự kiến sẽ chế tạo ra một khí cầu bay (airship), bay với độ cao 300 m (tương đương nhà 100 tầng), tốc độ bay khoảng 40 km/h, tải có ích 800kg (bao gồm 1 phi công, 6 khách, 7 ghế cùng các tư trang, thiết bị an toàn, phục vụ đồ uống...), thời gian bay tối đa 60 phút, cất hạ cánh thẳng đứng ngay trên bãi biển hoặc bờ sông, bờ hồ.

Phương tiện kéo trên mặt nước có thể là ca nô công suất khoảng 300 HP. Tổng trọng lượng cất cánh khoảng 2000 kg (thân chứa khí Heli ~2000 m3), vì vậy khí cầu bay này được gọi là VUSTA-2000. Phi công chỉ cần tuyển ở các câu lạc bộ bay máy bay mô hình và huấn luyện vài ngày. Giá vé bay ngắm cảnh trên không 15 phút dự kiến sẽ vào khoảng 500 ngàn VNĐ.

Một công ty du lịch bỏ ra 5-6 tỷ VNĐ để chở khách với 50% công suất thì sau vài năm có thể thu hồi được vốn. Công ty kinh doanh việc chế tạo khí cầu bay này cũng có lãi lớn vì có sản phẩm hiệu quả mà lại không phải nhập công nghệ nước ngoài, giá thành chỉ vào khoảng 3 tỷ VNĐ nếu chế tạo > 5 chiếc. Các điểm du lịch cũng có thể thu hút thêm khách với phương tiện bay du lịch mới, an toàn và giá rẻ.

Phương tiện bay chở khách du lịch đỗ xuống bờ biển

Bản thân tôi từ lâu đã muốn tạo ra một loại phương tiện bay du lịch vừa an toàn, giá rẻ lại dễ sử dụng và thân thiện với môi trường để dân mình có thể du lịch trên không với giá vé không đến 1 triệu.

Hiện tại ở Phan Thiết có công ty nước ngoài kinh doanh du lịch bằng khí cầu tĩnh (không có động cơ, không điều khiển) giá vé đã lên đến hơn 3 triệu nên chỉ "đại gia" mới được bay, hơn nữa chỉ bay được theo chiều gió. Bay bằng trực thăng hoặc thủy phi cơ giá còn đắt hơn nhiều lần. Hiện tại ví dụ ở Đức có khí cầu bay Zeppelin-NT có động cơ, có điều khiển (airship) chở khách du lịch mấy chục phút mà giá (năm 2018) một vé lên đến 500 Euro (khoảng 13 triệu VNĐ), dân ta không dám mơ !

Sở dĩ giá vé cao như vậy chủ yếu là vì airship gần giống như máy bay thông thường: Phải có động cơ kèm theo nhiên liệu, có hệ thống điều khiển, thiết bị cất hạ cánh và nhiều hệ thống bảo đảm mặt đất, chủ yếu khác máy bay là thay vì nâng bằng cánh thì nâng bằng khí Heli, nhẹ hơn không khí khoảng 7 lần, nhưng để chứa khí Heli thì phải có kích thước rất lớn. Ví dụ khí cầu bay Zeppelin-NT chở được 12 người cần có thân chứa tới 8000 m3 khí Heli, kích thước dài gần bằng sân bóng đá", tỷ lệ tải có ích chưa đến 20%.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/cong-nghe/thi-truong-ngach-co-hoi-cua-nganh-cong-nghiep-hang-khong-viet-3360033/