Thị trường nào cho hàng Việt?

Tại thời điểm này, hầu hết các DN đang tìm cách phát triển thị trường nội địa bị bỏ quên một thời gian dài do DN mải mê xuất khẩu.

Ông Võ Hoàng Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Việt Trái cây (Tiền Giang) cho hay, doanh nghiệp (DN) đang mong muốn phát triển mạnh thị trường nội địa thông qua nhiều khâu bán lẻ, trong đó đặc biệt chú trọng đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại. Nhưng điều đó không hề dễ dàng.

Nói như bà Trần Thị Kim Tâm, Phó Giám đốc Công ty VN Fine Food (chuyên sản xuất cà phê sữa hòa tan sử dụng đường ăn kiêng) thì sản phẩm của công ty dù đã được bày bán ở thị trường trong nước nhưng cạnh tranh rất khó khăn.

“Chúng tôi đã phải chọn nhiều phương thức bán hàng ra thị trường, trong đó có việc đưa hàng đến tay người tiêu dùng thông qua thị trường ngách. Trong khi DN rất muốn đưa hàng vào hệ thống siêu thị để dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn”, bà Tâm cho biết.

Tại thời điểm này, hầu hết các DN đang tìm cách phát triển thị trường nội địa bị bỏ quên một thời gian dài do DN mải mê xuất khẩu. Có DN chia sẻ sau hụt lượng hàng xuất khẩu, tìm về “sân nhà” sản lượng tiêu thụ hàng hóa của DN tăng lên 20 - 30%.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, siêu thị liên tục có nhiều chương trình thiết thực hỗ trợ DN sản xuất tìm chỗ đứng trong hệ thống bán lẻ hiện đại.

Còn với vai trò là “bà mối” giữa nhà sản xuất và nhà phân phối Việt, Trung tâm Xúc tiến thương mại TP HCM (ITPC) cho biết đã rất nỗ lực để hàng hóa đi ra thị trường nội địa nhiều hơn. Vì rằng, siêu thị là nơi tập trung đa dạng các mặt hàng chất lượng và là nơi ngày càng nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, mua sắm. Đây đã và đang là kênh phân phối chính mà bất kỳ DN Việt Nam đều mong muốn tiếp cận.

Theo Bộ Công thương, để “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” thì cần phát triển thị trường trong nước gắn 4 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững. Thứ hai, xây dựng chương trình kết nối quy mô quốc gia giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối, đại lý trong nước. Thứ ba, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Cuối cùng là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó cũng chỉ là lý thuyết, mà lý thuyết thì... luôn đúng. Còn trên thực tế, hàng nội vẫn khó chen chân vào siêu thị, dù đó là siêu thị “trên đất nhà mình”.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong-nao-cho-hang-viet-560502.html