Thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại lớn

Các tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam đang là thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất trong khu vực và trên thế giới, ghi nhận hàng loạt dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới và các định chế tài chính uy tín.

Vào ngày 31/10 vừa qua, BCG Energy thuộc Tập đoàn Bamboo Capital (Việt Nam) và tập đoàn Siemens Gamesa Renewable Energy (SGRE) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc cung cấp thiết bị và giải pháp kỹ thuật để phát triển các dự án điện gió có tổng công suất hơn 500 MW và có tổng mức đầu tư ước tính 400 triệu USD tại Việt Nam trong thời gian tới.

SGRE hiện là nhà cung cấp thiết bị công nghệ điện gió và năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Về phía BCG Energy, công ty đang triển khai và vận hành nhiều dự án năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió với tổng công suất đạt 577,1 MW.

Trước đó, Công ty năng lượng tái tạo EDF Renewables (Pháp) cũng công bố thương vụ đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào nhà phát triển điện mặt trời áp mái SkyX Solar, công ty thành viên thuộc Tập đoàn VinaCapital (Việt Nam). Giá trị thương vụ không được hai bên công bố.

Tuy nhiên, SkyX Solar cho biết, với sự đồng hành của đối tác chiến lược EDF Renewables, trong 2-3 năm tới, công ty dự kiến đầu tư ít nhất 100 triệu USD để phát triển thêm 200 MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp. SkyX Solar hiện đang phát triển và vận hành nhiều dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 100 MWp. Dự kiến, SkyX Solar sẽ đẩy mạnh hợp tác với các khu công nghiệp để khai thác thêm hàng trăm MW điện mặt trời mới trong thời gian tới.

Với tổng công suất lắp đặt trên toàn thế giới lên đến 13,8 GW, EDF Renewables hiện là một trong những công ty hàng đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Đầu năm 2021, công ty này cũng ký kết hợp tác đầu tư vào 2 nhà máy điện gió tại tỉnh Đắk Lắk.

 Nhiều địa phương trên khắp Việt Nam ghi nhận hàng loạt đề xuất khảo sát, nghiên cứu và triển khai các dự án quy mô lớn từ các doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Nhiều địa phương trên khắp Việt Nam ghi nhận hàng loạt đề xuất khảo sát, nghiên cứu và triển khai các dự án quy mô lớn từ các doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới

Nhiều địa phương khác tại Việt Nam như tỉnh Bình Định, TP.Hải Phòng cũng ghi nhận hàng loạt đề xuất khảo sát, nghiên cứu và triển khai các dự án quy mô lớn từ các doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới như dự án điện gió ngoài khơi có tổng công suất 3.900 MW với mức đầu tư ước đạt 13,6 tỷ USD tại Hải Phòng của Tập đoàn Orsted (Đan Mạch).

Chỉ trong vài năm gần đây, từ gần như là con số 0, Việt Nam hiện đã phát triển trở thành thị trường hàng đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo. Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đánh giá Việt Nam hiện đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong việc phát triển năng lượng tái tạo nhờ sự quyết tâm chuyển đổi năng lượng hướng tới sự phát triển bền vững của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ phù hợp và điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp năng lượng tái tạo lớn trên thế giới đều có chung nhận định Việt Nam hiện là một trong những thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất trên toàn cầu. Theo hãng tư vấn chiến lược BloombergNEF (Hoa Kỳ), xét riêng về lĩnh vực năng lượng mặt trời, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về công suất điện mặt trời. Năm 2020, số lượng tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu, chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Dòng vốn ngoại lớn đổ vào thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay không chỉ đến từ doanh nghiệp quốc tế trực tiếp thực hiện, vận hành các dự án mà còn đến từ các tổ chức tín dụng đa quốc gia uy tín như HSBC và Standard Chartered. Đầu tháng 10 vừa qua, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết đã đạt thỏa thuận cung cấp khoản tín dụng xanh ngắn hạn phục vụ việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo cho Công ty Cổ phần Xây lắp Điện 1 (PCC1). PCC1 hiện đang sở hữu 3 dự án điện gió trên bờ tại tỉnh Quảng Trị với tổng công suất 144 MW và hướng đến mục tiêu nâng công suất lên 744 MW vào năm 2025.

Đây cũng là khoản tài chính bền vững đầu tiên mà HSBC cấp cho một doanh nghiệp điện gió trong nước và cũng là khoản tín dụng xanh thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sau 2 giao dịch dành cho dự án điện mặt trời trên mái nhà của Công ty cổ phần Năng lượng Mặt trời REE vào năm ngoái.

Theo bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp HSBC Việt Nam, vệc thu xếp khoản tín dụng xanh cho PCC1 trong ngành điện gió thể hiện sự ủng hộ của HSBC đối với chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam nhằm ưu tiên các nguồn năng lượng sạch. Với điều kiện tự nhiên và nhu cầu của Việt Nam, điện gió là lĩnh vực rất hứa hẹn và tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội đầu tư và phát triển và HSBC sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Vào cuối tháng 5/2021, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực tài trợ bền vững đối với điện gió. Cùng với Standard Chartered Trung Quốc, Standard Chartered Việt Nam đã hoàn tất giao dịch tài trợ thương mại tổng trị giá 462 triệu USD cho các dự án về năng lượng gió tái tạo tại Việt Nam. Standard Chartered Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ tài chính dự án điện gió chiến lược của khách hàng vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện đang ghi nhận mức đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực ASEAN. Bà Nguyễn Thúy Hạnh - Phó Tổng giám đốc điều hành Khối khách hàng Thương mại, Doanh nghiệp và Định chế tài chính, ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ “Chúng tôi rất tự hào được là người tiên phong trong lĩnh vực tài chính bền vững. Các dự án này là cơ hội để chúng tôi có thể đóng góp vào môi trường năng lượng xanh của Việt Nam và sự phát triển bền vững của quốc gia”.

Quang Đặng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thi-truong-nang-luong-tai-tao-viet-nam-thu-hut-dong-von-ngoai-lon-84936.htm