Thị trường năng lượng cần tránh mọi biểu hiện của độc quyền, thiếu minh bạch

Thảo luận tại Diễn đàn cấp cao năng lượng VIệt Nam 2020, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, theo đánh giá sơ bộ, đến năm 2030, để đầu tư cho ngành năng lượng nói chung, chúng ta cần khoảng 150 tỷ USD. Đầu tư cho ngành điện nói riêng chúng ta cũng cần xấp xỉ 80 tỷ USD.

Việt Nam sẽ ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

Việt Nam sẽ ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.

“Ngoài những thách thức khác thì chúng ta thấy rằng đây là thách thức rất lớn cho đất nước chúng ta với tư cách là một nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Đó cũng là một thách thức với ngân sách Việt Nam. Ngân sách chúng ta không thể đáp ứng được nhu cầu này”, ông Bình nhấn mạnh.

Nhấn mạnh thị trường năng lượng Việt Nam chưa đồng bộ, giá năng lượng của chúng ta cũng chưa theo giá thị trường do đó đã kìm hãm nhiều mặt phát triển, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, Đảng và Nhà nước ta đặt nhiệm vụ phải xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển năng lượng tại Việt Nam.

“Không có những điểm mấu chốt như vậy thì không thể khuyến khích được các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng”, ông Nguyễn Văn Bình lưu ý.

Đồng thời khẳng định, phải tránh mọi biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh của độc quyền, thiếu minh bạch. Đây là những tiền đề rất lớn để có thể đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực cho việc phát triển năng lượng Việt Nam.

Ngay từ khi Nghị quyết 55/2020/NQ-TW được ban hành, khí thế, động lực tham gia của khu vực tư nhân trong nước và quốc tế đối với phát triển năng lượng Việt Nam là rất lớn. Đây là một đột phá lớn.

Ông Bình cho biết có nhiều điểm mới trong phát triển năng lượng của Việt Nam. Theo đó, chủ trương nhất quán của Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, hay nói cách khác, phát triển nhưng phải bảo vệ môi trường.

“Chúng ta là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã tham gia ký kết rất nhiều các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường và phải có trách nhiệm thực hiện phát triển năng lượng phải gắn chặt với bảo vệ môi trường. Trước đây, chúng ta chủ yếu phát triển các năng lượng hóa thạch, trong đó dựa chủ yếu vào than. Lần này Đảng ta đã xác định trong phát triển năng lượng phải ưu tiên khai thác và sử dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đấy là điểm rất mới”, ông Bình cho biết thêm.

Bên cạnh đó, với năng lượng hóa thạch thì chúng ta cũng có những quan điểm thay đổi, giảm dần năng lượng than và chúng ta tích cực sử dụng hơn năng lượng khí, đây cũng là nét mới.

Một điểm mới khác là phân bổ năng lượng. Trước đây, chúng ta phân bổ một cách hài hòa, thì hiện nay phân bổ năng lượng dựa trên lợi thế so sánh, vị trí, vai trò của từng địa phương, từng khu vực trong chiến lược phát triển chung của đất nước.

Một điểm mới nữa là sự phát triển của KHCN, đặc biệt là Cách mạng công nghệ 4.0 đang có tác động rất lớn. Theo đó, Đảng ta xác định, việc ứng dụng KHCN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển năng lượng hiện nay.

Trước đây chúng ta chủ yếu nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị. Công nghệ, thiết bị chúng ta sản xuất trong nước còn rất hạn chế và ở phân khúc rất thấp.

“Hiện Đảng và Nhà nước chúng ta đặt ra mục tiêu là chúng ta phải từng bước tiến tới làm chủ công nghệ và tiến tới sản xuất được các thiết bị trong lĩnh vực ngành năng lượng”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Hoài Anh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thi-truong-nang-luong-can-tranh-moi-bieu-hien-cua-doc-quyen-thieu-minh-bach-130455.html