Thị trường mỹ thuật: 'Vừng ơi, mở ra…'

'Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật' đang diễn ra tại Hà Nội thu hút sự chú ý của giới họa sĩ, các nhà sưu tập và đầu tư nghệ thuật. Lần đầu tiên có một triển lãm gọi tên các họa sĩ hàng đầu trên thị trường mỹ thuật. Và điều quan trọng, có thể nói, đây là bước đi đầu tiên để xác định các tác phẩm mỹ thuật (hội họa, đồ họa, điêu khắc…) suy cho cùng cũng là hàng hóa.

“Chuyện nhà chuột” (sơn mài, 120x100 cm) của họa sĩ Thành Chương treo tại triển lãm.

“Chuyện nhà chuột” (sơn mài, 120x100 cm) của họa sĩ Thành Chương treo tại triển lãm.

“Cơ sở hạ tầng” của nền mỹ thuật

Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL)- đơn vị đứng ra tổ chức triển lãm này cho biết, lẽ ra triển lãm đã được tiến hành từ đầu năm song do đại dịch Covid-19 nên đến nay mới tổ chức được. Dù vậy, triển lãm được mở cửa đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bước vào “làn sóng thứ hai” nên BTC cũng đã không tổ chức lễ cắt băng khai mạc, đồng thời khuyến nghị mọi người đến triển lãm phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn…

Họa sĩ Thành Chương, người có tên trong danh sách các “họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật”- cho rằng, việc tổ chức triển lãm để tôn vinh các họa sĩ thị trường là một bước thay đổi cực kỳ lớn về tư duy. Những người tổ chức triển lãm này là những người đi tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên.

Theo họa sĩ Thành Chương, thị trường mỹ thuật của nước ta dù đã manh nha hình thành từ cuối thế kỷ 20 những vẫn còn “lộn xộn lắm, được chăng hay chớ, chưa hề có những quy chuẩn rõ ràng, chưa thành nề thành nếp, chưa có sự bài bản chuyên nghiệp”. “Thị trường nghệ thuật trên thế giới đã có từ lâu. Ở ta thì giờ mới đang cố gắng để có. Thị trường là cơ sở hạ tầng của một nền nghệ thuật. Nó nuôi dưỡng và thúc đẩy nghệ thuật phát triển. Nó đem nghệ thuật và niềm vui đến cho mọi người” - ông Chương thẳng thắn.

Họa sĩ Phạm An Hải cũng là một trong 19 cái tên được chọn tham gia triển lãm này. Anh gửi tới 3 tác phẩm cùng vẽ trên chất liệu sơn dầu trên toan để tham gia triển lãm này, gồm “Mầu thời gian” (sáng tác năm 2019, kích thước 120x200 cm); “Nắng quái 2” (2019, 136x105cm); và “Vũ điệu Xuân” (2019, 200x120 cm). Là người đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế, được lựa chọn triển lãm tranh tại triển lãm họa sĩ đương đại Việt Nam-Đông Nam Á do Công ty Philip Morris đứng ra tổ chức, ông cho rằng thị trường mỹ thuật trong thời gian gần đây ở Việt Nam đã có nhiều khởi sắc.

“Rõ ràng là người Việt đã mua tranh nhiều hơn trước kia” - họa sĩ Phạm An Hải nhận xét - “Thị hiếu nghệ thuật của người dân mình ngày càng tốt và kinh tế phát triển thì nhu cầu sẽ càng ngày càng cao. Tôi cho rằng thị trường mỹ thuật sẽ sôi động hơn khi có thị trường thứ cấp phát triển, nghĩa là sẽ có giao dịch của các nhà sưu tập, các nhà đầu tư”.

Theo họa sĩ Phạm An Hải, việc đưa ra khái niệm tranh nghệ thuật, tranh thị trường là sai. “Tranh thì sẽ có hai loại nghệ thuật và phi nghệ thuật. Thị trường nghệ thuật thì có cấp thấp và cấp cao. Quan niệm như trên cho thấy có sự lẫn lộn về mặt nhận thức”, ông Hải nói.

Để họa sĩ sống được bằng nghề

Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật bên cạnh vinh danh các họa sĩ có những thành công trong sáng tạo nghệ thuật đồng thời tạo được vị trí trên thị trường mỹ thuật và quốc tế, nhiều người cũng nhận ra thông điệp ẩn dưới, đó là thông qua triển lãm này mong muốn xóa đi quan niệm đã in sâu trong không ít người, trong đó có cả các họa sĩ, nhà điêu khắc.

Đó là quan niệm: Tranh bán được là tranh thị trường, còn tranh không bán được mới là tranh nghệ thuật. Một số ý kiến cũng cho rằng, chúng ta hay đề cao các tác phẩm nghệ thuật, coi đó không phải là hàng hóa. Vì thế, khi xảy ra chuyện tranh giả, tranh nhái đã không có chế tài đủ mạnh để áp vào đó cả.

Nếu quy định là hàng hóa, thì khi bắt được tranh giả có thể tiến hành tiêu hủy ngay, như là thuốc giả, băng đĩa giả… Nhưng vì không quy định là hàng hóa, nên không tiêu hủy được, không xử lý tận gốc được. Và cứ thế, từ năm này tới năm khác vẫn chưa dẹp được nạn tranh giả.

Chính vì thế, cuộc triển lãm lần này đã gây được sự chú ý của giới làm nghệ thuật. Tất nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về 19 họa sĩ được chọn, về các tác phẩm treo trong triễn lãm cũng như các sắp xếp phòng tranh.

Song, họa sĩ Vi Kiến Thành - Giám tuyển của Triển lãm đã giải thích rất rõ: Các họa sĩ được chọn theo hai tiêu chí: Tác giả có tác phẩm chất lượng nghệ thuật tốt, có dấu ấn cá nhân; Tác giả bán được nhiều tác phẩm và có vị trí trên thị trường mỹ thuật.

“Tác phẩm mỹ thuật suy cho cùng cũng là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, hoạt động giao dịch, mua bán tác phẩm mỹ thuật trong cơ chế thị trường là tất yếu và cần thiết để phát triển mỹ thuật một cách bền vững. Các họa sĩ, nhà điêu khắc luôn ao ước sẽ sống được bằng nghề, mà họa sĩ muốn sống được bằng nghề thì phải bán được tác phẩm để nuôi sống nghệ sĩ và tái đầu tư sáng tác tác phẩm”, họa sĩ Vi Kiến Thành nêu quan điểm.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng, muốn cho thị trường tranh Việt Nam mở rộng và theo đuổi kịp trào lưu, chúng ta cần những tên tuổi mới với những hướng đi cách tân. 19 họa sĩ trong cuộc triển lãm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật như Thành Chương, Đào Hải Phong, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài… đã có những thành công nhất định trên thị trường quốc tế, vì sáng tác của họ có thể tách rời dòng chảy hàn lâm của tranh Đông Dương để tìm cho mình một chỗ đứng riêng biệt. Nhưng đối với thị trường tranh tại Việt Nam còn đang trong tình trạng chập chững, họ cần phải được nhắc đến nhiều hơn nữa...

“Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” mở cửa đến ngày 15/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) quy tu 19 họa sĩ trong đó 12 họa sĩ ở Hà Nội: Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Trần Lưu Hậu, Bùi Hữu Hùng, Lê Thanh Sơn, Đinh Quân, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Luận, Phạm An Hải, Vũ Đình Tuấn, Hồng Việt Dũng và 7 họa sĩ ở TP Hồ Chí Minh: Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Trần Văn Thảo, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Tấn Cương, Hứa Thanh Bình, Lê Kinh Tài.

Thư Hoàng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong-my-thuat-vung-oi-mo-ra-504494.html