Thị trường mua bán tóc thánh trị giá hàng triệu USD ở Ấn Độ

Không chỉ mang hàm nghĩa tín ngưỡng, tục dâng tóc còn giúp Ấn Độ trở thành thị trường xuất khẩu tóc người lớn nhất thế giới.

Zing trích dịch bài đăng trên SCMP, đề cập đến tục lệ dâng tóc tại các đền thờ ở Ấn Độ. Số tóc này được thu thập và xuất khẩu đi khắp thế giới.

Trong không khí trang nghiêm, người thợ cắt tóc tỉ mẩn đưa lưỡi dao, cạo sạch mái tóc của các tín đồ, sau đó bôi lên đầu họ một lớp bột đàn hương. Cùng lúc ấy, vài nữ công nhân nhanh tay quét dọn, thu thập số tóc vương trên sàn và cất vào kho chứa.

Đây là cảnh tượng diễn ra vô số lần mỗi ngày tại đền Venkateshwara, thuộc bang Andhra Pradesh, miền đông nam Ấn Độ. Tại quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, hiến tóc là tập tục truyền thống được hàng chục triệu người hành hương thực hiện nhằm thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần.

Mỗi ngày, đền Venkateshwara đón tiếp hơn 90.000 tín đồ, khoảng 35-50% trong số họ tới để dâng tóc. Theo ước tính của quỹ tín ước Tirupati Tirumala Devasthanam (TTD), khoảng 12 triệu người dân Ấn Độ thực hiện nghi lễ này hàng năm.

 Người dân Ấn Độ tới đền thờ dâng tóc để cảm tạ thần linh ban phước. Ảnh: Mogul.

Người dân Ấn Độ tới đền thờ dâng tóc để cảm tạ thần linh ban phước. Ảnh: Mogul.

Với hy vọng nguyện ước sẽ trở thành hiện thực, hàng triệu tín đồ tìm đến các đền thờ để khấn xin vị thần chủ quản. Người ao ước một đứa con, người khát khao được khỏe mạnh, người mong muốn công danh sự nghiệp...

Khi lời khấn nguyện được đáp đền, họ sẽ quay lại làm lễ xuống tóc như một hình thức lễ tạ thần linh. Những người mộ đạo thực hiện điều này trên tinh thần tự nguyện, chỉ nhận một chút thức ăn chứ không cầm tiền cúng.

Pramila Kumar, người phụ nữ 58 tuổi đến từ bang Andhra Pradesh, quyết định cạo đầu để cảm tạ thần linh ban phước. Sau 10 năm kết hôn với nhiều lần điều trị bệnh hiếm muộn, vợ chồng con gái bà đã hạ sinh một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh.

Thị trường "tóc thánh" triệu đô

Tuy nhiên, ít ai biết rằng những bộ "tóc thánh" ấy lại là nguồn cung khổng lồ cho thị trường tóc giả thế giới.

Tại đền Venkateshwara, số tóc thu được từ các tín đồ được lưu giữ trong một nhà kho đặc biệt, sau đó phân loại và bán đấu giá trực tuyến. Quỹ TTD cho biết công việc này đem lại lợi nhuận gần 17 triệu USD cho đền.

Số tiền này được ban quản lý đền thờ gửi tới các trường học, bệnh viện và trại trẻ mồ côi ở Andhra Pradesh. Ngoài ra, một phần tiền cũng được sử dụng để cung cấp các bữa ăn miễn phí cho người hành hương.

Thực tế, Ấn Độ là một trong những thị trường xuất khẩu tóc lớn nhất thế giới, chuyên cung cấp nguyên liệu cho các sản phẩm tóc nối cao cấp. Năm 2019, quốc gia này chiếm 32,5% tổng sản lượng xuất khẩu tóc toàn cầu.

Hầu hết số tóc trên được gửi đến Trung Quốc để xử lý thành phẩm. Tại đây, những bộ tóc giả được chuyển tới khắp thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu và châu Phi.

Ấn Độ là một trong những thị trường xuất khẩu tóc lớn nhất thế giới, chuyên cung cấp nguyên liệu cho các sản phẩm tóc nối cao cấp. Ảnh: Getty.

Trả lời SCMP, Kishore Gupta, đại diện công ty xuất khẩu tóc Gupta Enterprises, nói rằng có hai loại tóc chính dùng cho xuất khẩu.

"Loại có giá trị nhất là Remy - tóc được cắt trong một lần, giữ nguyên chân, có độ dài và bóng nhất định. Ngoài ra, các loại khác được thu thập từ các tiệm cắt tóc hoặc hộ gia đình.

Giá thành của một bộ tóc Remy có thể lên đến 445 USD cho 64 cm. Chúng tôi thường mua chúng từ các buổi đấu giá của đền thờ. Sau đó, những bộ tóc này sẽ được thiết kế và chỉnh sửa lại về độ dài, màu sắc... theo nhu cầu của khách hàng", ông Gupta chia sẻ.

Làm tóc giả là một quá trình không hề đơn giản. Người thợ phải bắt đầu từ việc làm sạch, gỡ rối, phân loại theo độ dài, sau đó xử lý và chế tác thành sản phẩm cuối cùng.

"Đối với chúng tôi, gỡ tóc rối là công việc thường ngày. Nhìn đơn giản là vậy, song đây lại là công đoạn đòi hỏi sự kiên nhẫn", ông Gupta nói.

Làm tóc giả là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận cao, bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: Getty.

Để tiết kiệm thời gian, một số công ty lớn trong ngành tóc của Ấn Độ đã thành lập các nhà máy hiện đại, xử lý các bước bằng máy móc.

"Chúng tôi sở hữu nhà máy hiện đại, có thể phân loại tóc theo chiều dài, màu sắc và kết cấu. Sau đó, những sợi tóc mảnh được rửa sạch, phân loại và trở thành sản phẩm hoàn thiện, từ những bộ tóc giả cho đến những mẩu tóc nối", George B. Cherian, Giám đốc điều hành công ty Raj Hair International, cho biết.

Hiện tại, Raj Hair International xuất khẩu sản phẩm tới hơn 56 quốc gia trên thế giới, được các nhà mốt và nghệ sĩ nổi tiếng sử dụng như Queen Latifah hay Shakira.

Pavitra Kumar, chủ một tiệm làm đẹp ở New Delhi (Ấn Độ), nói rằng tóc giả làm từ sợi tổng hợp dù rất phổ biến, song không thể tạo kiểu bằng nhiệt. Vì thế, tiệm của cô thường sử dụng tóc thật để làm tóc nối vĩnh viễn.

"Từ một nghĩa cử mang hàm ý tín ngưỡng, mái tóc của con người trở thành biểu tượng của thời trang và khiến hàng triệu người tự tin hơn vào bản thân mình. Đó thực sự là một hành trình tuyệt vời", cô nói.

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thi-truong-mua-ban-toc-thanh-tri-gia-hang-trieu-usd-o-an-do-post1150906.html