Thị trường M&A Việt Nam: Dự báo tiếp tục sôi động

Với tốc độ tăng trưởng 17%/năm, các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ đang tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ các lĩnh vực nhà nước tham gia, theo đó, quá trình cổ phần hóa (CPH) sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Quá trình tái cơ cấu này sẽ tạo điều kiện cho các thương vụ M&A phát triển và ngược lại các thương vụ M&A sẽ giúp tái cơ cấu thành công.

Nhà đầu tư Thái Lan mua đấu giá thành công 53,59% cổ phần nhà nước tại Sabeco được coi là thương vụ M&A đình đám nhất năm 2017, trị giá gần 5 tỷ USD

Theo Phó thủ tướng, về CPH và thoái vốn nhà nước, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ Văn bản 991/TTG-ĐMDN ngày 10/7/2017 về việc phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành CPH theo từng giai đoạn 2017 - 2020 và Quyết định số 1232/QĐ - TTg ngày 18/7/2018 Phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Theo Văn bản 991, đến năm 2020, có 127 DNNN phải hoàn thành CPH, trong đó quy định cụ thể các trường hợp nhà nước nắm giữ tỷ lệ lớn nhất 61%, tiếp đến là 51% và dưới 49%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ sẽ bán và chuyển giao những ngân hàng yếu kém như Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceanbank… Đặc biệt tới đây, Việt Nam không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nhưng cho phép ngân hàng nước ngoài mua các ngân hàng yếu kém hiện hữu trở thành 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam".

Thị trường chứng khoán phát triển giúp hoạt động M&A sôi động hơn

Các chuyên gia nhận định, ngoài các lĩnh vực CPH, hoạt động sản xuất tư nhân sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư chú ý và tìm kiếm. Các lĩnh vực được dự báo sẽ M&A mạnh là logistics, tiêu dùng nhanh, dược, bất động sản, khu công nghiệp…

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - nhìn nhận: "Từ khi có thị trường chứng khoán, các hoạt động M&A sôi động hơn. Hiện, hiệu quả kinh doanh của các DN niêm yết ổn định và hiệu quả, lợi nhuận DN quý II/2018 cao hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn quý I. Nhiều DN đang niêm yết nằm trong danh sách tiếp tục thoái vốn nhà nước sẽ thúc đẩy M&A phát triển mạnh hơn".

Ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia - bình luận: "Với tốc độ tăng trưởng 17%/năm, có thể thấy đà tăng rất mạnh mẽ và sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế. Các nhà đầu tư lớn trên thị trường M&A như Nhật Bản, Mỹ, Singapore vẫn tiếp tục giữ phong độ. Các đối tác truyền thống như Đài Loan, Malaysia vẫn duy trì. Đặc biệt, các nhà đầu tư mới như Hàn Quốc, Thái Lan… và Trung Quốc cũng bắt đầu bước vào M&A Việt Nam".

Nếu giai đoạn 2009 - 2018, tổng giá trị thương vụ M&A đạt 48,8 tỷ USD với hơn 4.000 giao dịch, thì chỉ riêng năm 2017, giá trị M&A đã đạt mức kỷ lục 10,2 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2018, giá trị M&A cũng ghi nhận ở mức khả quan, đạt 3,55 tỷ USD, bằng 155% cùng kỳ năm trước.

Về lĩnh vực M&A được nhà đầu tư quan tâm, theo các chuyên gia, đó là hàng tiêu dùng, thực phẩm và thức uống. Đặc biệt, khung pháp lý cũng dần hoàn thiện sẽ thúc đẩy nhà đầu tư tham gia vào các thị trường như bất động sản, tài chính ngân hàng và khu vực phi ngân hàng trong thời gian tới.

Bà JiunPark - Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến M&A toàn cầu Hàn Quốc: Giao dịch M&A từ Hàn Quốc vào Việt Nam tăng nhanh: Năm 2017, tổng trị giá M&A các thương vụ vào Việt Nam là 300 triệu USD, nhưng 6 tháng năm 2018 đã đạt 200 triệu USD.

Long-Dương

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/thi-truong-ma-viet-nam-du-bao-tiep-tuc-soi-dong-107397.html