Thị trường LNG vẫn tăng trưởng bất chấp khủng hoảng

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới dù trong giai đoạn khủng hoảng. Các nhà công nghiệp nêu bật lợi thế của LNG trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng điều này còn lâu mới thuyết phục được các nhà bảo vệ môi trường.

Jean-Baptiste Dubreuil, thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh: “Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng duy nhất đã phát triển bất chấp cuộc khủng hoảng trong năm 2020”. Thật vậy, vào năm ngoái, LNG đã tăng trưởng từ 1-2%, trong khi dầu giảm 9%, than giảm 4% do cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế.

Khí tự nhiên hóa lỏng được làm lạnh đến -163 độ, có thể dễ dàng vận chuyển bằng thuyền đến gần nơi tiêu thụ. Nó đã đạt được mức độ tăng trưởng đáng kể nhờ vào sự tiện dụng và giá rẻ.

Trong phát biểu tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Khí đốt Pháp (AFG), Jean-Baptiste Dubreuil nhấn mạnh: “Trong 20 năm qua, thị trường LNG đã phát triển rất đáng kể: phổ biến với nhiều người hơn trên phạm vi toàn cầu, song song đó người mua và người bán cũng vô cùng đa dạng". Gần 45 quốc gia hiện có năng lực nhập khẩu LNG, tiêu biểu gần đây là Myanmar, Ghana và Senegal.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này luôn nhấn mạnh những lợi thế của LNG trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Patrick Corbin, chủ tịch AFG, cho biết: “Giờ đây, LNG là một phương tiện chuyển đổi cần thiết”. Ông còn nói: “Nhiều quốc gia sử dụng than làm nguồn năng lượng chính để sản xuất điện. Đây rõ ràng là một trong những thách thức lớn của các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ: vấn đề trọng điểm ở đây là khi nào việc chuyển đổi giữa than và khí sẽ được thực hiện”.

LGN phát thải ít CO2 hơn nhiều (lên đến gần 50%) so với than đá và ít ô nhiễm hơn. Theo quan điểm này, LNG cũng có thể thuận lợi thay thế dầu nhiên liệu nặng trong vận tải hàng hải. Patrick Corbin cho biết: “13% lượng tàu thuyền trên thế giới trong năm 2020 sử dụng LNG”.

Một giải pháp "vô lý"

Tuy nhiên, lập luận của các nhà công nghiệp từ lâu đã bị chỉ trích bởi một số người bảo vệ môi trường, họ tính đến toàn bộ chuỗi sản xuất chứ không chỉ kết quả cuối cùng. Bà Anna-Lena Rebaud -thành viên hiệp hội Những người bạn của Trái đất, nhấn mạnh: “LNG tiêu tốn rất nhiều năng lượng và cần một chuỗi cung ứng đáng kể”.

Bà cho biết thêm: “Rò rỉ khí mê-tan xảy ra cả trong quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ khí đốt”. Tuy nhiên, khí mê-tan có công suất làm nóng trái đất lớn hơn 86 lần so với khí CO2 trong 20 năm. Anna-Lena Rebaud tố cáo: "Hiện nay, theo quan điểm sinh thái cũng như về mặt kinh tế, việc thay thế một loại nhiên liệu hóa thạch bằng một loại nhiên liệu khác là hoàn toàn vô lý".

Thomas Maurisse, thuộc tập đoàn Total của Pháp (đã trở thành tập đoàn LNG số 2 thế giới sau Shell), thừa nhận: “Ở châu Âu, LNG và khí tự nhiên nói chung đang được kiểm soát. Đôi khi vẫn bị chỉ trích vì bản chất là năng lượng hóa thạch". Ông còn nói: “Việc giải quyết vấn đề này rõ ràng là vai trò của ngành công nghiệp”.

Trong số các hướng đi được đề cập: biomethane lỏng (BioGNL), trong quá trình sản xuất và vận chuyển có thể hạn chế phát thải, việc bán cái gọi là "carbon trung hòa" LNG trên cơ sở bù đắp carbon ... Tuy nhiên vẫn bị chỉ trích bởi chuyên gia và các tổ chức phi chính phủ.

Tương lai của LNG sẽ như thế nào? IEA đã đưa ra vài hướng đi, dựa trên việc tiếp tục các chính sách hiện hành hoặc các biện pháp chủ động hơn để tuân thủ Thỏa thuận khí hậu Paris, Jean-Baptisle Dubreuil cho biết, trong trường hợp thứ 2, IAE dự đoán “tốc độ tăng trưởng của LNG sẽ rất thấp và đạt mức đỉnh vào khoảng năm 2035-2040".

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thi-truong-lng-van-tang-truong-bat-chap-khung-hoang-606103.html