Thị trường lao động TP.HCM những tháng cuối năm như thế nào?

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đã ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, bên cạnh đó là người lao động cũng có nguy cơ thiếu việc, ngừng việc và mất việc làm. Điều này không chỉ diễn ra đối với người lao động làm việc trong khu vực chính thức, mà ảnh hưởng đến các hoạt động tạo ra thu nhập đối với lao động trong khu vực kinh tế phi kết cấu.

Chất lượng nguồn nhân lực quyết định thị trường lao động

Chất lượng nguồn nhân lực quyết định thị trường lao động

Hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; các doanh nghiệp đã bắt đầu ổn định và thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, thực hiện kế hoạch tuyển dụng nhân sự cho thời gian sắp tới. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất - nhập) bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, không tìm được đối tác triển khai đơn hàng tại các thị trường ngoài nước của các doanh nghiệp.

Thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu tuyển dụng lao động từ giữa tháng 2 trở đi có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019; trong 6 tháng đầu năm 2020, nhu cầu nhân lực giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhu cầu tuyển dụng lao động từ giữa tháng 2 trở đi có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019;

Theo trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành gặp nhiều khó khăn như ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải, dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng..., điều này đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Theo FALMI khảo sát, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải tại thời điểm dịch bệnh diễn ra chủ yếu là: Việc tìm kiếm khách hàng (chiếm 39,44% lựa chọn của doanh nghiệp); Trong tiêu thụ sản phẩm do tạm ngừng thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, người dân trong nước cắt giảm chi tiêu, hoạt động vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, không tìm kiếm thị trường tiêu thụ (22,89%); Thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất (18,31%) và khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (7,75%).

Ông Lê Minh Phụng - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM) cho biết, "Trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã tiếp nhận hơn 94.000 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng 15%. Số lượng hồ sơ quá lớn, nhân sự tại trung tâm không đủ để đáp ứng công việc. Do vậy, trung tâm thường xuyên phải tổ chức cho cán bộ làm thêm giờ.

Theo ông Phụng, nhiều lao động chưa hiểu rõ về quy trình giải quyết hồ sơ nên một số hồ sơ còn chậm. Để khắc phục tình trạng trên, trung tâm cũng đã điều động những cán bộ có kinh nghiệm nhằm hướng dẫn người dân xử lý hồ sơ nhanh. Tuy nhiên, việc giải quyết cũng được quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm.

Hiện, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở lao động đã qua đào tạo nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo để nhanh chóng ổn định và phát triển. Kết quả khảo sát cho thấy, nhu cầu tuyển dụng ở lao động đã qua đào tạo chiếm 83,46% tổng nhu cầu nhân lực, tập trung ở một số nhóm nghề như: Quản lý điều hành; Tài chính - kế toán; Cơ khí; Điện; Công nghệ thông tin; Hành chính văn phòng; Marketing; Công nghệ thông tin; Kiến trúc kỹ thuật công trình xây dựng; Vận tải - Logistics; Nhân sự; Biên phiên dịch; Y tế; Công nghệ chế biến lương thực - thực phẩm..; Trong đó, nhu cầu nhân lực đối với trình độ đại học trở lên chiếm 21,92%, cao đẳng chiếm 20,6%, trung cấp chiếm 33,86%, sơ cấp chiếm 7,08%.

Hiện, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở lao động đã qua đào tạo nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo để nhanh chóng ổn định và phát triển

Trình độ chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng 16,54% tập trung ở các nghề: Kinh doanh - thương mại, Dịch vụ phục vụ, Bất động sản, lao động phổ thông trong các lĩnh vực thâm dụng lao động như nhựa - bao bì; dệt may - giày da; xây dựng;…

Nhu cầu tìm việc ở lao động không có kinh nghiệm chiếm 12,58%, chủ yếu nhu cầu ở việc làm bán thời gian với một số vị trí như: bán hàng, cộng tác viên kinh doanh, nhân viên phụ kho, tư vấn tuyển sinh, nhân viên thu ngân,…

Hai kịch bản cho nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm

Theo FALMI dự báo các tác động của kinh tế thế giới biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sẽ làm gián đoạn các quan hệ hợp tác quốc tế, đã tác động sâu sắc đến kinh tế trong nước, trong đó không loại trừ nền kinh tế TP HCM.

Vì vậy, FALMI nêu ra kịch bản thứ nhất, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, Các khu vực kinh tế chịu tác động lớn là khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…); khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất, chế biến, xây dựng…). FALMI dự báo, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2020 cần khoảng 105.000 - 115.000 chỗ làm việc.

Theo FALMI dự báo các tác động của kinh tế thế giới biến động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 sẽ làm gián đoạn các quan hệ hợp tác quốc tế, đã tác động sâu sắc đến kinh tế trong nước, trong đó không loại trừ nền kinh tế TP HCM

Kịch bản thứ hai, tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tích cực tác động tốt đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, với việc kiểm soát tốt dịch tễ, tình hình doanh nghiệp khởi sắc trong những tháng cuối năm 2020, đặc biệt là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ lễ tết, cũng sẽ giúp hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.

Tuy nhiên khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch), khu vực công nghiệp (ngành dệt may, giày da, gỗ nội thất) vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hoạt động giao thương (xuất - nhập) bị gián đoạn. Nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2020 cần khoảng 115.000 - 135.000 chỗ làm việc. FALMI đưa ra dự báo.

Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp

Xu hướng việc làm những tháng cuối năm tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ ; dệt may - giày da; chế biến lương thực - thực phẩm; tư vấn chăm sóc khách hàng; marketing; xây dựng; công nghệ thông tin; hành chính văn phòng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng ; kinh doanh bất động sản (3,51%)…

Nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 84,5%, trong đó, Đại học chiếm 20%, Cao đẳng chiếm 21%, Trung cấp 30%, Sơ cấp 13,5%. Bên cạnh những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nhà tuyển dụng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp, kỷ luật lao động, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và thông thạo ngoại ngữ, đây là những kỹ năng mà người lao động có thể tự trao dồi trong quá trình học tập và làm việc nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thi-truong-lao-dong-tphcm-nhung-thang-cuoi-nam-nhu-the-nao-20200821180540953.htm