Thị trường lao động: Ngày càng có nhiều người cao tuổi ở lại

Ngày càng có nhiều người cao tuổi ở lại với thị trường lao động. Ưu thế của người cao tuổi (lao động nam trên 60 tuổi và nữ trên 55 tuổi) được các nhà tuyển dụng đánh giá cao bởi họ là những người có kinh nghiệm, có kỹ năng làm việc tốt, chấp hành và am hiểu pháp luật tốt hơn.

Theo ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2019 dự báo là một năm thị trường tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Năm 2019, thị trường sẽ chuyển trạng thái từ thâm dụng lao động sang thâm dụng công nghệ và tri thức, do đó, những ngành phát triển khu vực này cần lao động nhiều nhất.

Nhiều người cao tuổi vẫn đến các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội

Nhiều người cao tuổi vẫn đến các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm cơ hội

Trao đổi cụ thể hơn về cơ hội việc làm của người lao động trong năm 2019, ông Lê Quang Trung nhận định: Năm 2019, theo dự báo là năm sẽ hấp thụ lao động có việc làm lên tới 56 triệu người. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa người lao động đến với nhiều thách thức.

Chúng tôi đã đưa ra những cảnh báo đối với người lao động, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải nâng cao khả năng thích ứng, trang bị kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cùng cơ sở đào tạo phải hoạt động 3 cùng: Cùng tuyển sinh, cùng đào tạo, cùng giải quyết việc làm. Có như vậy, người lao động mới đáp ứng được tốt nhất nhu cầu sử dụng lao động. Và phía doanh nghiệp cũng đạt được những mong muốn về lao động cần tuyển.

Từ thực tế trên thị trường lao động, hiện có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Cụ thể, họ có thể đảm nhiệm những công việc như bảo vệ, tạp vụ, kế toán, biên tập viên...

Có tới 7-8 triệu người cao tuổi khi tham gia thị trường lao động tạo ra kích cầu tốt hơn. Đặc biệt, khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi rất cần thiết. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể cao hơn.

Phó Cục trưởng Cục Việc làm cũng chỉ ra một xu hướng đang khá phổ biến thời gian gần đây trên thị trường lao động, đó là ngày càng có nhiều người cao tuổi “ở lại” với thị trường lao động.

“Những người cao tuổi (lao động nam trên 60 tuổi và nữ trên 55 tuổi) có vị trí khá đặc biệt trên thị trường lao động, bởi đây là những người có kinh nghiệm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc và có các kỹ năng làm việc tốt nhất. Họ cũng là những người có ý thức chấp hành và am hiểu pháp luật tốt hơn. Mặt khác, thỏa thuận giữa người lao động và sử dụng lao động dễ hơn. Qua khảo sát của chúng tôi, những người này ít bị tai nạn lao động hơn”, ông Trung cho biết.

Bà Nguyễn Thị Nhàn ở Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một ví dụ. Mặc dù nghỉ chế độ đã 5 năm nay, nhưng hiện bà vẫn nhận làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân. Công việc không đòi hỏi bà phải đi làm thường xuyên, khá chủ động trong sắp xếp thời gian, mức thu nhập đi làm thêm cộng với nguồn lương hưu đủ cho bà một cuộc sống khá dư dật.

Bà chia sẻ: “Mình có kinh nghiệm, lại còn sức khỏe, nếu ở nhà sẽ rất buồn và lãng phí, nên đi làm thêm vừa vui vẻ, vừa có thêm thu nhập, thêm những mối quan hệ mới. Với Công ty, họ không chỉ tận dụng được khả năng, kinh nghiệm của mình, mà không phải lo tham gia đóng các khoản như BHXH, BHYT... Nói chung, đôi bên cùng có lợi”.

Còn ông Nguyễn Văn Nhật - một cảnh sát giao thông đã nghỉ chế độ - ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội, 3 năm nay vẫn đều đặn tới làm bảo vệ cho một cơ quan đóng trên địa bàn quận.

“Công việc hiện nay khá phù hợp và gần với công việc trước đây tôi công tác, khá phù hợp với sức khỏe và tuổi tác hiện nay. Đi làm có đoàn thể, anh em cảm thấy mình vẫn có ích, sống vui, sống khỏe thay vì ở nhà cả ngày, trong khi con cháu đi làm, đi học cả ngày, đến tối mới về. Có thêm khoản thu nhập, tôi có thể chủ động hơn với một số sở thích của mình”, ông Nhật chia sẻ.

Ông Trung phân tích thêm, những người cao tuổi nếu được sử dụng vào công việc phù hợp với sở trường sẽ phát huy rất tốt. Qua khảo sát, Việt Nam hiện nay đang sử dụng nhiều người lao động trên 55 và trên 60 tuổi. Một số tỉnh như Thái Bình, Hải Dương… và một số tỉnh khu vực phía Nam rất hài lòng với sử dụng người cao tuổi. Nhiều nước trên thế giới cũng có sử dụng lao động là người cao tuổi.

“Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm dành cho người cao tuổi để làm sao tận dụng phát huy được và tạo điều kiện cho người cao tuổi đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, các hoạt động cụ thể, các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cần sử dụng người cao tuổi có thể liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm để có nguồn cung ứng”, ông Trung cho biết.

Từ thực tế trên thị trường lao động, hiện có rất nhiều công việc người cao tuổi làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Cụ thể, họ có thể đảm nhiệm những công việc như bảo vệ, tạp vụ, kế toán, biên tập viên… Có tới 7-8 triệu người cao tuổi khi tham gia thị trường lao động tạo ra kích cầu tốt hơn. Đặc biệt, khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là người cao tuổi rất cần thiết. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể cao hơn.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thi-truong-lao-dong-ngay-cang-co-nhieu-nguoi-cao-tuoi-o-lai-89480.html