Thị trường lao động các tỉnh phía Nam có dấu hiệu khởi sắc

Sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực, các hoạt động tuyển dụng diễn ra giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm được việc làm phù hợp.

(Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Quý I năm 2021, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, thị trường lao động tại các tỉnh phía Nam đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Các hoạt động tuyển dụng diễn ra giúp người lao động có nhiều cơ hội tìm được việc làm phù hợp.

Theo một số chuyên gia, dù đang trên đà phục hồi nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn trên thế giới cùng những yêu cầu của giai đoạn hội nhập và phát triển, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động còn gặp nhiều thách thức, đòi hỏi người lao động và người sử dụng lao động có những giải pháp thích ứng.

Khởi sắc các hoạt động tuyển dụng

Thông tin từ các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động sau dịp Tết Nguyên đán đã tăng lên đáng kể. Trong 3 tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đăng thông tin tuyển lao động với số lượng lớn để đáp ứng các đơn hàng sản xuất. Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết: Trong tháng 2 và tháng 3, nhất là thời điểm từ sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng “cầu lớn hơn cung,” nhiều doanh nghiệp cần tuyển ngay với số lượng lớn nhân lực ở vị trí lao động phổ thông.

Trong số các hồ sơ tuyển dụng gửi tới Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, đa số doanh nghiệp ở khu vực thị xã Tân Uyên sản xuất trong lĩnh vực gỗ, nội thất; một số công ty ở khu vực thị xã Bến Cát tuyển dụng công nhân có tay nghề và lao động phổ thông ngành may.

Còn những công ty sản xuất ngành điện tử, may mặc, gỗ ở khu vực các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một cũng đã triển khai kế hoạch tuyển dụng nhân sự phục vụ cho tiến độ sản xuất. Đa số các doanh nghiệp đang cần tuyển số lượng nhiều và gấp ở vị trí lao động phổ thông, doanh nghiệp tuyển ít nhất là 10 lao động và tuyển nhiều nhất là 1.000 lao động.

Để đáp ứng tiến độ sản xuất, các doanh nghiệp vẫn ưu tiên cho những lao động có tay nghề, kinh nghiệm, nhất là đối với những vị trí bảo trì điện, cơ khí, công nhân may.

Tại nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, bên cạnh các hình thức tuyển dụng như thông tin qua các trang mạng xã hội, nhiều doanh nghiệp còn đặt bàn tuyển dụng ở những vị trí đông dân cư với mong muốn nhanh chóng tuyển đủ nhân lực đáp ứng hoạt động mở rộng sản xuất.

Một số doanh nghiệp đã công bố ngay mức thưởng cho nhân viên mới và thưởng cho cả nhân viên cũ giới thiệu được ứng viên vào làm tại doanh nghiệp. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, các doanh nghiệp trong những khu công nghiệp của tỉnh thực hiện khá tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa sản xuất kinh doanh, nên vẫn hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, hiện trong các khu công nghiệp ở tỉnh có trên 100 dự án đang tiến hành xây dựng nhà xưởng để đưa vào sản xuất trong những tháng tới, do đó nhu cầu tuyển lao động là rất lớn.

Còn nhiều thách thức

Mặc dù có dấu hiệu khởi sắc song nhiều chuyên gia nhận định trước mắt cũng như lâu dài, thị trường lao động nước ta vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi cả người lao động và người sử dụng lao động có những biện pháp phù hợp để thích ứng.

Đề cập đến thị trường lao động-việc làm, Phó Giáo sư Nguyễn Bá Ngọc, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng: Tri thức, chứ không phải là vốn, sẽ là yếu tố quyết định của sản xuất trong tương lai. Điều này sẽ làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao.”

Trong khi đó, kết quả khảo sát thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, tại tỉnh công nghiệp phát triển này, thời điểm năm 2020, đa số trình độ của lực lượng lao động vẫn là lao động phổ thông với gần 72.500 lao động; trong đó tỷ lệ lao động có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên trong các lĩnh vực gỗ, may, da giày chiếm khoảng 75% nhưng lại không có chứng nhận tay nghề hay chứng chỉ nghề.

Điều này chứng tỏ đa số trình độ của nguồn nhân lực hiện vẫn chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều lao động vẫn còn yếu về các kỹ năng như: Giao tiếp, tin học, ngoại ngữ, làm việc nhóm, báo cáo, tìm hiểu và xử lý thông tin; tác phong công nghiệp chưa thật sự nghiêm túc.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong giai đoạn hậu COVID-19, với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động ở nước ta sẽ phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tuyển dụng tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng thất nghiệp của người lao động hoặc khó tuyển dụng của doanh nghiệp còn diễn ra mà một trong nhưng nguyên nhân là do kỹ năng của người lao động không đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng sẽ diễn ra ngày càng nhiều hơn.

Do đó, để thị trường lao động ngày càng phát triển, đòi hỏi người lao động bên cạnh nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, còn phải rèn luyện các kỹ năng và tính trách nhiệm, kỷ luật cao. Về phía người sử dụng lao động, để thu hút được nguồn lao động, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện đời sống, gia tăng các chế độ phúc lợi cho người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Chuyên gia Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện nay cũng như khi đại dịch COVID-19 không còn, các doanh nghiệp và thị trường lao động phát triển nhanh sẽ cần một lượng lớn nhân lực được đào tạo bài bản với các chi phí cạnh tranh, có thể thực hiện các đơn hàng lớn cho sản phẩm công nghệ cao và trung bình.

Điều quan trọng là người lao động cần nhìn nhận thị trường lao động sẽ phát triển theo xu hướng nhân lực chất lượng. Nhà tuyển dụng cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ lao động của nhân sự. Ngoài ra, khả năng di chuyển lao động giữa các nước cũng đòi hỏi người lao động tham gia phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với mức độ cạnh tranh và áp lực cao.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường lao động Việt Nam sẽ tiếp tục có những chuyển biến, gia tăng rất nhiều cơ hội việc làm, trong đó có cả xu hướng tăng nhanh các hoạt động khởi nghiệp và tự tạo việc làm của lực lượng lao động trẻ./.

Trần Thị Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thi-truong-lao-dong-cac-tinh-phia-nam-co-dau-hieu-khoi-sac/698353.vnp