Thị trường khí đốt - 'Cuộc chơi' sôi động (Kỳ 2)

Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang được chú trọng đặc biệt và là 'con át chủ bài' để phát triển ngành công nghiệp khí đốt. Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đang được chú trọng đặc biệt và là 'con át chủ bài' để phát triển ngành công nghiệp khí đốt.

Nhờ các tuyến cung ứng phát triển và các quốc gia nhập khẩu mới nổi như Panama và Bangladesh trong năm 2018, nên thị trường LNG ngày càng được mở rộng và tiến triển mạnh mẽ. Các hoạt động mua bán khí LNG cũng diễn ra sôi động.

Dự án khí LNG Yamal ở Nga

Dự án khí LNG Yamal ở Nga

Cedigaz (Hiệp hội quốc tế về khí đốt tự nhiên, gồm hơn 190 thành viên thuộc 40 quốc gia, hầu hết là các công ty dầu khí lớn trên thế giới, cũng như các tổ chức quốc tế, ngân hàng, chuyên gia tư vấn, công ty kỹ thuật và nhà cung cấp khí đốt tự nhiên) ước tính, khối lượng LNG được trao đổi trên trường quốc tế năm 2018 đạt 311Mt, tăng 8,5% so với năm 2017. Hiện LNG chiếm 1/3 tổng giao dịch khí đốt.

Năm 2017, khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc và Hàn Quốc) có mức tăng nhanh về nhu cầu nhập khẩu khí đốt nhằm phục vụ các hoạt động sản xuất điện và sưởi ấm. Trong đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều nhất, chiếm 60% tổng mức tăng nhập khẩu khí đốt. Vì thế, nguồn cung LNG đang được đa dạng hóa và tăng cường.

Nổi bật là Australia, nước có mức tăng xuất khẩu LNG cao nhất trong năm 2018. Cụ thể: Tháng 11-2018, Australia chính thức soán ngôi Qatar, trở thành nước dẫn đầu xuất khẩu LNG trên thế giới. Đó là nhờ hai dự án lớn là Ichthys và Prelude FLNG - con tàu nổi lớn nhất trên thế giới trong việc khai thác LNG đã đi vào hoạt động.

Mỹ cũng tăng cường vị thế với 20Mt khí LNG xuất khẩu năm 2018, tăng 55% so với năm 2017. Nguyên nhân là do Mỹ đã cho phép đẩy mạnh tiến độ các nhà máy và hai dự án mới như Dominion Cove Point Train 1 và Corpus Christi Train 1. Việc xuất khẩu LNG của Mỹ không hướng đến các quốc gia châu Âu mà nhắm đến khu vực châu Á, nơi mang về nguồn lợi nhuận cao hơn. Cuối năm 2019, Mỹ có thể tăng gấp đôi lượng xuất khẩu LNG lên 56 Mt/năm, vươn lên vị trí thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Australia và Qatar).

Một điểm sáng khác trong sự tăng trưởng của thị trường LNG chính là Nga và Dự án khí LNG Yamal. Hai dây chuyền sản xuất bổ sung của Yamal LNG đã được đưa vào hoạt động sớm hơn dự định trong năm 2018. Tập đoàn Novatek là cổ đông lớn nhất, chiếm 50,1% vốn, kế đến là Total giữ 20% và CNPC nắm 20% vốn và cuối cùng là SRP với 9,9%.

Cuối năm 2018, LNG bắt đầu tồn đọng ở khu vực châu Á, dẫn đến việc châu Âu trở thành nơi “cứu nguy” cho các chuyến hàng LNG. Nhờ có dung lượng lưu trữ lớn, khả năng tái xuất khẩu và vận chuyển nên châu Âu sẽ đóng vai trò tái cân bằng thị trường LNG toàn cầu.

Năm 2018 cũng là năm thị trường nhập khẩu LNG của châu Âu đạt mức cao kỷ luật kể từ năm 2012. So với năm 2017, thị trường LNG có những bước cải thiện rõ rệt thông qua việc nhận thức được những rủi ro mà mất cân bằng cung cầu gây ra. Vì thế, các dự án LNG ngày càng được đẩy mạnh và tăng cường ở nhiều khu vực trên khắp thế giới.

Sau 3 năm vạch ra kế hoạch đầu tư và vấp phải nhiều khó khăn, 3 dự án lớn: Corpus Christi của Mỹ, LNG Canada ở vùng British Columbia và Grand Tortue Ahmeyim đã được thông qua vào năm 2018.

Theo đó, Mỹ đã gấp rút tăng lượng xuất khẩu bằng cách đưa nhà máy sản xuất LNG và cảng xuất khẩu LNG Corpus Christi vào hoạt động, đạt được 4,5 triệu tấn/năm.

Đối với dự án khổng lồ LNG Canada từ nhà đầu tư Shell cũng mang đến mức tăng đáng nể 14 triệu tấn/năm.

Grand Tortue Ahmeyim ở ngoài khơi Senegal và Mauritania cũng tăng thêm được 2,5 triệu tấn/năm.

Thế nhưng, mức đầu tư vào thị trường khí đốt năm 2018 vẫn chưa đủ mạnh và chính thị phần LNG sẽ là yếu tố kích thích, thu hút các nhà đầu tư trong tương lai. Hiện nay, có rất nhiều dự án đang nằm chờ quyết định đầu tư chính thức, các dự án này thường tập trung tại Mỹ. Ngoài Mỹ, Qatar cũng đang gây được chú ý với sản lượng dự kiến tăng mạnh. Các dự án LNG khi triển khai rộng rãi cũng thúc đẩy nhiều quốc gia bắt đầu quan tâm đến sản xuất và xuất khẩu LNG như Mozambique, Canada... Do đó, ngành công nghiệp LNG sẽ ngày càng phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế mang tính cạnh tranh cao.

Hiện 1/3 giao dịch LNG toàn cầu không nằm trong các hạng mục hợp đồng dài hạn theo cách thức truyền thống. Trong đó, tiêu biểu là Dự án LNG Canada, dự án lớn đầu tiên phá vỡ nguyên tắc cuộc chơi và chọn cách ký kết ngắn hạn. Việc giao dịch LNG theo cơ chế giá giao ngay đang được chú trọng ở châu Á. Điều này khiến Platts Japan Korea Marker-JKM (chỉ số đánh giá giá chuẩn theo các nước chuyên nhập khẩu LNG như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) dần trở nên mờ nhạt.

Hơn thế, các hợp đồng gần đây cũng không bao gồm điều khoản về điểm đến. Có đến 80% sản lượng LNG trong các dự án chờ đầu tư chính thức được trao đổi theo hướng linh hoạt hóa. Đến năm 2020, ước tính xu hướng giao dịch này sẽ chiếm một nửa cơ cấu giao dịch LNG toàn cầu. Nhiều dự án hiện tại đang được tài trợ hoàn toàn bởi nguồn vốn chủ sở hữu, thường tìm đến các công ty lớn hoặc dùng công cụ “agrégateur” (trình đọc trực tuyến) cho phép quản lý danh mục đầu tư từ điểm xuất phát đến điểm đích. Trong trường hợp nguồn vốn tiếp cận bị hạn chế, các cơ cấu tài chính mới sẽ được phát triển để thu hút nhiều đối tác, nhất là các công ty thương mại. Điều này hướng đến việc hạn chế rủi ro và mang đến lợi ích chung cho các bên.

Nhờ những đột phá đó, thị trường LNG sẽ nhận được những lợi ích tích cực để tiếp tục phát triển theo hướng năng động, linh hoạt và đủ khả năng đáp ứng cho các khách hàng trong bối cảnh tăng trưởng mạnh lúc này. Đây là lý do giúp thị trường LNG giữ vững vị trí và phòng tránh được sự mất cân bằng nguồn cung trong 10 năm tới.

(Xem tiếp kỳ sau)

S.Phương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thi-truong-khi-dot-cuoc-choi-soi-dong-ky-2-531314.html