Thị trường hữu cơ không thể phát triển nhanh dù có nhiều tiền

Dù các con số thống kê về thị trường thực phẩm hữu cơ (organic) đầy lạc quan, các doanh nghiệp trong ngành vẫn thận trọng đánh giá tăng trưởng trong lĩnh vực này vẫn rất chậm.

Phát biểu bên lề tại sự kiện nhận đầu tư từ quỹ SEAF của Mỹ ngày 9/1, bà Phạm Phương Thảo, CEO một chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ Organica, khẳng định để người nông dân sẵn sàng chuyển từ phương thức canh tác thông thường sang canh tác theo chuẩn hữu cơ, không sử dụng chất hóa học, doanh nghiệp phải có sẵn giải pháp và đầu ra.

Không có đầu ra, nông dân sẽ bỏ

Theo các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm hữu cơ, vùng nguyên liệu sản xuất chất lượng là yếu tố đầu tiên và rất quan trọng. Tuy nhiên, việc đồng hành cùng người nông dân sản xuất không đơn giản.

Bà Thảo dẫn chứng giai đoạn mới thành lập năm 2013, doanh nghiệp của mình gặp nhiều khó khăn để tìm nguồn thực phẩm khi người nông dân vẫn chưa hiểu thế nào là canh tác hữu cơ.

"Họ bảo sao không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học cho nhanh. Theo quy chuẩn, bất kỳ công đoạn nào như ủ phân, gieo hạt cũng phải ghi chép lại nhưng nhiều nông dân bỏ cuộc. Họ nói chỉ làm nhưng không ghi", nữ CEO chia sẻ với Zing.vn.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lâm Anh Tú, đồng sáng lập và CEO doanh nghiệp gạo hữu cơ Hoa Nắng, đánh giá việc thay đổi tập quán sản xuất từ hóa học sang hữu cơ không hề dễ dàng.

"Nông dân tại Việt Nam trình độ nhận thức vẫn chưa cao, nên khó khăn nhất để làm được sản phẩm hữu cơ đúng chất lượng là phải dành thời gian thuyết phục người nông dân, làm cùng họ và chứng minh cho họ thấy tương lai tốt hơn từ nông nghiệp hữu cơ", ông Tú nói.

Nông dân cần giải pháp và đầu ra từ doanh nghiệp mới sẵn sàng tham gia sản xuất thực phẩm hữu cơ. Ảnh: Việt Đức.

Nông dân cần giải pháp và đầu ra từ doanh nghiệp mới sẵn sàng tham gia sản xuất thực phẩm hữu cơ. Ảnh: Việt Đức.

Tuy nhiên, theo ông Tú, để chứng minh được điều này, sản phẩm lại cần có đầu ra tốt. Trong khi thực phẩm hữu cơ cần thời gian để được chứng nhận và tiếp cận thị trường. Do đó doanh nghiệp phải đầu tư tài chính và thời gian rất nhiều cho vùng nguyên liệu rồi mới có thể tính tiếp bài toán đầu ra, dẫn đến khó khăn.

Trong khi đó, dù doanh nghiệp của mình đã có quy trình chuẩn để hướng dẫn nông dân, bà Thảo cũng đồng ý nếu không lo được đầu ra thì nông dân rất khó yên tâm canh tác đúng chuẩn hữu cơ, không dùng hóa chất, sẵn sàng từ bỏ mô hình này.

"Tôi phải bàn với nông dân trồng cái gì phù hợp đất đai, thổ nhưỡng rồi thu mua toàn bộ hoặc phần lớn sản phẩm. Thậm chí còn phải cho họ mượn tiền cải tạo đất, mua thiết bị, làm lưới", CEO một trong những chuỗi bán lẻ thực phẩm hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam cho hay.

Tiềm năng nhưng tăng trưởng chậm

Hiện các con số thống kê về quy mô thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam rất chênh lệch, dao động từ 17 lên đến 270 triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng tiềm năng của thị trường rất lớn.

Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng quý I/2018 của Nielsen, 37% người Việt nói rằng sức khỏe là mối bận tâm lớn nhất của họ. Bên cạnh đó, 80% người tiêu dùng cho thấy họ quan tâm sâu sắc đến những tác động lâu dài mà các phụ chất nhân tạo có thể gây ra 76% và mong muốn biết rõ chất cấu tạo nên thức ăn họ sử dụng hàng ngày.

Ông Phạm Sang, Giám đốc Quỹ đầu tư SEAF, cho rằng thu nhập của người Việt đang tăng lên và do đó người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn các thực phẩm an toàn hơn. Đây là điều tất yếu khi họ quan ngại về sức khỏe của bản thân và gia đình cũng như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm

"Một thuận lợi khác là Việt Nam là quốc gia nông nghiệp. Số người tham gia vào mô hình thực phẩm hữu cơ sẽ tăng dần", ông Sang tự tin về thị trường.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, chứng tỏ sức hút của thị trường.

Bán lẻ là một khâu khó khăn với doanh nghiệp thực phẩm hữu cơ. Ảnh: Organica.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ lại đánh giá thận trọng hơn và khẳng định thị trường này vẫn còn rất khó khăn. Một trong những thử thách lớn là niềm tin của người tiêu dùng.

Theo ông Tú, nhu cầu của khách hàng tăng nhưng trào lưu sản phẩm hữu cơ tự phong cũng mọc lên. Đây là những mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hoặc sử dụng phân hữu cơ nhưng vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tự nhận là sản phẩm hữu cơ.

"Việt Nam chưa có rào cản cũng như biện pháp quản lý để kiểm tra chất lượng. Vì vậy làm mất lòng tin của người tiêu dùng, cũng như chia nhỏ thị trường hữu cơ với các sản phẩm tự phong. Nên tốc độ tăng trưởng không những không nhanh mà rất chậm dù sự quan tâm lớn hơn", ông Tú cho hay.

Có đồng quan điểm, bà Thảo nhận định đây vẫn là thị trường ngách, rất hẹp, không thể phát triển nhanh dù có nhiều tiền. Tăng trưởng chỉ diễn ra từ từ, từng bước chứ không thể một sớm một chiều.

Nữ CEO cũng cho biết bán lẻ là một khâu rất khó khăn với nông sản hữu cơ hiện nay. "Người tiêu dùng có người tin, có người chưa tin nên ngoài việc bán hàng, nhân viên phải trả lời, tư vấn cho khách rất nhiều", bà Thảo cho biết.

Theo ông Tú, đây cũng là lý do khiến thực phẩm hữu cơ khó tiêu thụ ở các chuỗi siêu thị đại trà. "Nếu không có nhiều tư vấn về sản phẩm của nhân viên, khi khách hàng thấy sự chênh lệch giá so với các sản phẩm bình thường khác thì sản phẩm khó được chấp nhận. Nếu được tư vấn đúng cách ở cửa hàng chuyên về hữu cơ thì việc bán hàng sẽ tốt hơn", ông kết luận.

Việt Đức

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thi-truong-huu-co-khong-the-phat-trien-nhanh-du-co-nhieu-tien-post907393.html