Thị trường hàng Tết: Hoa quả độc lạ lên ngôi

Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, không khí của người dân các làng nghề truyền thống ở miền Tây hối hả, tất bật phục vụ thị trường tết.

Các bạn trẻ háo hức chụp ảnh làng nghề quýt hồng ẢNH: HÒA HỘI

Thủ phủ hoa rộn ràng phục vụ tết

Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) thời điểm này đang nhộn nhịp với cảnh người dân tất bật chuẩn bị hoa tết. Dọc hai bên đường gần chục cây số, hoa ken kín với rực rỡ sắc màu lung linh. Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, thủ phủ hoa Sa Đéc dự kiến cung cấp gần 3 triệu chậu với hơn 2.000 chủng loại. Riêng địa bàn phường Tân Quy Đông dự kiến sản xuất trên 210.000 giỏ hoa các loại.

Không ít người còn trồng những giống hoa mới, lạ làm đa dạng làng hoa nổi tiếng nhất miền Tây này, điển hình như lão nông Trần Văn Tiếp ở ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp). Vườn hoa 2.000 m2 của ông Tiếp gây ấn tượng bởi đặc một màu tím, không lẫn vào đâu được.

Sau thành công với giống dưa hấu tí hon Pepino màu vàng có nguồn gốc Nam Mỹ trong vụ hoa tết 2018, ông Tiếp được một người bạn bên Mỹ cho hay ở Thái Lan có giống dưa Pepino màu tím. Sau đó ông sang Thái Lan tham quan các trang trại dưa rồi mua giống về trồng, đến nay đã có kết quả tốt và chờ ra mắt thị trường.

Ngoài ra, ông còn nghiên cứu trồng thành công 600 chậu lúa tím. “Đây là giống lúa có nguồn gốc Nhật Bản, toàn bộ thân, lá, hạt đều màu tím. Bông lúa có hương thơm, lúc mới trổ có màu xanh sau đó chuyển dần sang màu tím khi chín”, ông Tiếp nói rồi cho biết, năm tới sẽ ép cho cây lúa tím lùn hơn, sau đó đưa vô hội quán “Tôi yêu màu tím” của ông để bán vì đặc trưng là hạt gạo có mùi thơm của hoa hồng.

Làng nghề nhộn nhịp ngày đêm

Hầu hết các làng nghề đặc sản ở các tỉnh miền Tây đang vào vụ hoạt động hết công suất hơn tháng nay. Ngay cả những làng nghề giáp biên giới Campuchia như làng Khánh An, xã Khánh An (An Phú, An Giang) hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.

Công nhân đang bó hoa

Cứ đầu giờ chiều, xe tải chở cá sống mang về làng khô Khánh An. Đàn ông thì hì hục xúc cá vào rổ, rồi kéo đi phân phối cho nhân công nữ làm. Mỗi người mỗi việc, người quét vẩy, gom đầu, ruột cá… Mỗi rổ cá gần 30 ký được thuê đánh vẩy, móc ruột và cắt đầu giá 40 ngàn đồng. Không khí làm việc ở vùng biên này sôi động đến đêm. Bà Trương Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất khô cá sặc bổi gắn bó hàng chục năm ở vùng này cho biết, thời điểm này nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường tăng mạnh, nên sản lượng làm ra phải gấp nhiều lần.

Các tháng khác cơ sở cung ứng cho thị trường từ 3 - 5 tấn khô, còn dịp tết này phải hơn 30 tấn mới đáp ứng đủ nhu cầu. Cá sặc bổi được các cơ sở sản xuất thành 2 loại, có đầu và không đầu. Loại khô có đầu thường là cá có trọng lượng lớn hơn. Tùy loại và kích cỡ mà có giá bán khác nhau. Cá sau khi được làm sạch, tẩm gia vị được đem phơi từ 2 - 3 nắng sẽ cho ra sản phẩm khô. Để có lượng hàng dự trữ, cơ sở bà Phượng thuê từ hàng chục lao động làm cá mỗi ngày.

Sản phẩm độc, lạ

Nông dân Huỳnh Thanh Khoa ở cù lao Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng với việc làm hình độc lạ trên trên trái xoài. Ông Khoa là người đầu tiên ở Cao Lãnh khắc chữ lên trái xoài. Ông Khoa cho biết, năm nay làm chữ Tài Lộc, Vạn sự như ý, Xuân phát tài… và làm theo yêu cầu của khách. Khách hàng chủ yếu ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận.

Gia đình ông Khoa có 0,8 ha trồng chủ yếu là xoài cát chu và xoài Đài Loan. Ông cho biết, trước đây, làm theo truyền thống nhưng không khá vì nông dân thường lâm vào cảnh được mùa mất giá, giá trị kinh tế không cao. Năm 2011, ông biết được người ta làm thành công trên dưa hấu, bưởi với nhiều mẫu “độc, lạ” như tạo dáng hồ lô, khắc chữ,… bán giá rất cao nên đã nghĩ ngay đến việc phải áp dụng “công nghệ” này cho trái xoài trong vườn nhà mình. Thế là từ năm 2012, ông bắt tay vào làm thử. Tuy nhiên, việc tạo ra chữ trên xoài vô cùng khó. Ông thất bại không biết bao nhiêu lần, mất mấy năm nghiên cứu và thử nghiệm. Cuối cùng, ông thành công với 5 trái xoài đầu tiên tạo hình rõ nét vào năm 2015.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/thi-truong-hang-tet-hoa-qua-doc-la-len-ngoi-1371644.tpo