Thị trường hàng hóa tăng giảm theo quy luật cung- cầu

Đây là đánh giá của Bộ Công thương ngay sau khi ngày nghỉ Tết Nguyên đán cuối cùng. Theo đó, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các hàng hóa phục vụ Tết chỉ tương đương so với Tết năm trước.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào nên không có hiện tượng khan hàng ( ảnh minh họa: internet)

Nguồn cung hàng hóa dồi dào nên không có hiện tượng khan hàng ( ảnh minh họa: internet)

Cụ thể, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống.

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các địa phương cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp... Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn. Các hàng bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn chỉ tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Cũng theo Bộ Công thương, năm nay các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, thanh tra thị trường tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm soát về chất lượng cũng như giá cả các loại hàng hóa. Vấn đề an toàn thực phẩm được tập trung thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

Nhìn chung, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Minh Nhật

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/dung-hang-viet/thi-truong-hang-hoa-tang-giam-theo-quy-luat-cung-cau-65138.html