Thị trường hài Tết 2021: Đa dạng hình thức, thiếu vắng nụ cười

Tuy hình thức phát hành phong phú nhưng có vẻ các chương trình hài Tết 2021 đang cho thấy bước đi thoái trào của thể loại giải trí vốn được yêu thích này.

Thực vậy, theo khảo sát của chúng tôi, nếu như cuối năm 2019 có khoảng 10-15 công ty, nhà sản xuất làm hài Tết thì năm nay, số phim hài cho đến thời điểm này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Clip: Vài trích đoạn trong phim hài Thói đời

Trong đó, có thể kể đến một số sản phẩm như Thói đờiKhi Cuội yêu của Công ty Nghe nhìn Thăng Long, phần tiếp theo của series Làng ế vợ Đại gia chân đất của Bình Minh Film, Tết đú - Đú tết của nhà sản xuất Hường Đinh, Để cho thầy lấy vợ, Mất vợ vì rượu... của ê kíp diễn viên Xuân Nghĩa, Vị khách đêm 30 của nghệ sĩ Trung Ruồi.

Các dự án phim này có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ hài quen thuộc như Chiến Thắng, Quốc Anh, Bình Trọng, Duy Nam… và một vài cái tên khác như Huỳnh Anh.

Hình ảnh trong phim hài "Thói đời" của Thăng Long Audio.

Hình ảnh trong phim hài "Thói đời" của Thăng Long Audio.

Tại phía Nam, cho đến thời điểm hiện tại, sản phẩm hài Tết nổi bật nhất là phần tiếp theo của series Tết đến rồi về nhà thôi của Thu Trang với sự góp mặt của Diệu Nhi, Tiến Luật, Phi Phụng, La Thành; hay Xóm sân si phiên bản tết của Duy Khánh với sự góp mặt của Khả Như, Gin Tuấn Kiệt, Misthy, Duy Khương mà thiếu những cái tên quen thuộc mọi năm như BB Trần, Huỳnh Lập.

Ngoài ra, Tết vạn lộc, Xuân phát tàiGala nhạc Việt là 3 chương trình sản xuất theo định dạng ca nhạc hài tạp kỹ được các nhà sản xuất nhanh nhạy với thị trường thay thế sản phẩm hài Tết truyền thống. Đại diện ê kíp Xuân phát tài từng nói, tham vọng của họ là xây dựng thương hiệu chương trình tạp kỹ giống như Thúy Nga Paris tại thị trường Việt Nam. Ở đó có sự kết hợp giữa âm nhạc theo chủ đề và hài kịch, phát hành dưới định dạng show diễn thương mại, đĩa vật lý thành phẩm và hình thức phát hành online.

Phim "Tết đến rồi về nhà thôi".

Về phát hành, ngoài hình thức phát hành online như kể trên, hiện nay, các đơn vị sản xuất hài Tết vẫn bán hoặc phối hợp khai thác bản quyền phát sóng trên các đài truyền hình địa phương. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng phối hợp với các nhà mạng khai thác kinh doanh theo hình thức VOD.

Có lẽ vì thế mà sức sống của hài Tết, dù ở tình thế thoái trào, vẫn có thể sống và nhận được sự bảo trợ về kinh phí sản xuất của nhiều mạnh thường quân. Và tất nhiên, các nhà sản xuất vẫn phải có lãi khi thực hiện sản phẩm này nhiều năm nay. Các đơn vị tư nhân không thể mãi đầu tư một sản phẩm mà không nắm chắc phần thắng.

Nói về việc thị trường hài Tết thiếu vắng sự xôm tụ so với trước đó, đạo diễn Bình Trọng của Bình Minh Film chia sẻ với báo giới: “Năm nay, nhiều nhà làm phim lắc đầu ngao ngán bởi tác động của dịch COVID-19 nên không kêu gọi được quảng cáo, tài trợ. Những công ty làm phim chuyên nghiệp thì không nói, họ có thể có một khoản dự trữ để cuối năm làm hài Tết. Nhưng với những công ty nhỏ, việc làm phim hài Tết thường dựa vào kêu gọi tài trợ, tình hình dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp cũng lao đao nên họ không có tài chính để hỗ trợ làm phim”.

Hơn nữa, theo quan sát của phóng viên thì hài Tết thoái trào cũng bởi trong nhiều năm nay, công chúng có quá nhiều món ăn tinh thần để lựa chọn. Hài Tết thiếu đầu tư nghiêm túc, lại thiếu vắng kịch bản hay, nhiều phần pha trò nhảm nhí, thiếu ý nhị nên khán giả dần kém mặn mà.

"Xuân phát tài", một chương trình hài Tết ca nhạc tạp kỹ cho thấy sự nhanh nhạy của các đơn vị sản xuất với thị trường.

Trong một phát biểu gần đây, nghệ sỹ hài Chiến Thắng thẳng thắn: “Những bộ phim hài được khán giả gọi là nhảm sẽ không còn đất sống, đó là những bộ phim khoe thân, hở hang. Thị trường hài Tết đang có một mảng bị bỏ ngỏ là hài dân gian.. Nếu khai thác tốt mảng này, hài Tết sẽ phong phú, đa dạng hơn”.

Và vì thế, phim Thói đời theo phong cách dân gian được Nghe nhìn Thăng Long sản xuất theo truyền thống vẫn được coi là điểm sáng trong thị trường hài Tết năm nay, ít nhất là sự đầu tư nghiêm túc trong công tác kịch bản và tiền kỳ.

Nói như nhà biên kịch Phạm Hồng Sơn, việc làm ra một sản phẩm hài Tết theo màu sắc dân gian hằng năm là vô cùng vất vả. Không dễ để có bối cảnh, phục trang như phim Thói đời. Đạo diễn Trung Trần thổ lộ, để sản xuất hài cổ trang, chọn bối cảnh là công việc rất khó. Anh phải mất hơn một tháng đi khắp Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên mới tìm được bối cảnh phù hợp để quay hình cho phim này.

Đào Gia Long

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thi-truong-hai-tet-2021-da-dang-hinh-thuc-thieu-vang-nu-cuoi-ar592487.html